Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) dẫn lời cử tri rằng: “Có ý kiến nói rằng thời bình sao nhiều tướng đến thế. So với thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới thì những năm gần đây trong lực lượng vũ trang nói chung và công an nói riêng, cấp tướng tăng lên nhiều”.

QH thảo luận Luật Công an: Thời bình sao nhiều tướng thế!

Trí Lâm | 14/06/2018, 14:21

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) dẫn lời cử tri rằng: “Có ý kiến nói rằng thời bình sao nhiều tướng đến thế. So với thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới thì những năm gần đây trong lực lượng vũ trang nói chung và công an nói riêng, cấp tướng tăng lên nhiều”.

Bộ Công an không tăng thêm tướng ngoài số lượng được quy định

Sáng nay, thảo luận tại Quốc hội về Luật Công an nhân dân (sửa đổi), đại biểu quốc hội, đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng cần quy định hàm cấp tướng cho Giám đốc Công an các tỉnh/thành phố loại 1.

Ông Cầu cho biết, theo quy định, Đảng, Nhà nước đã có quyết định giao cho Bộ Công an được bố trí 205 tướng, Bộ Quốc phòng là 415 tướng. Quan điểm của lãnh đạo Bộ Công an là không làm tăng thêm cấp hàm tướng so với số lượng được giao.

Theo quy định hiện hành, giám đốc Công an tỉnh có chức vụ tương đương cục trưởng, được đề bạt trực tiếp lên thứ trưởng, ngược lại các cục trưởng muốn lên thứ trưởng phải luân chuyển về các địa phương trọng điểm để đào tạo theo quy định của Đảng ít nhất 3 năm. Vì thế, nếu hai cấp bậc hàm này chênh nhau quá lớn thì rất khó thực hiện việc luân chuyển và không hợp lý về mặt chính sách.

Hơn nữa, ông Cầu cho rằng công việc của công an các tỉnh/thành rất nhiều, quân số cũng rất lớn và tới đây sẽ tiếp tục tăng lên khi thực hiện chủ trương cải cách bộ máy của ngành công an theo hướng bộ tinh, tỉnh mạnh. Mặt khác, ngành công an không có cấp trung gian như quân chủng, binh chủng, quân khu như quân đội.

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) ủng hộ quy định phong tướng cho giám đốc công an cấp tỉnh - Ảnh: Quochoi.vn

“Quân hàm không chỉ mang tính chất phân biệt cấp trên với cấp dưới mà còn là tiền lương. Đã là tiền lương thì nguyên tắc là phải phân phối theo lao động. Chính sách này không chỉ đúng về bản chất của tiền lương mà còn tạo thuận lợi cho việc luân chuyển, đào tạo lãnh đạo trong CAND theo chủ trương của Đảng, Nhà nước”, ông Cầu nêu.

Cũng đồng tình với quy định này, ĐB Lê Tấn Tới – Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho rằng chức cục trưởng và giám đốc Công an tỉnh là ngang nhau, đều được quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm chức vụ cao hơn. Tuy nhiên, nếu không phong hàm thiếu tướng cho giám đốc Công an tỉnh thì điều này sẽ mâu thuẫn khi thực hiện luân chuyển công tác cán bộ ngành công an, vì cấp tướng mà luân chuyển về địa phương thì sai lệch, ngược lại, giám đốc Công an tỉnh mà luân chuyển làm cục trưởng thì bất hợp lý vì từ đại tá không thể lên ngay thiếu tướng.

Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) cũng nêugiám đốc Công an tỉnh được xác định là chức vụ cơ bản quan trọng trong hệ thống sĩquan CAND, là cấp dưới liền kề có thể quy hoạch bộ trưởng, thứ trưởng, tiêu chuẩn chức danh cấp bậc hàm tương đương cấp tổng cục. Nghị quyết 26 cũng đề cập vấn đề này.

“Do đó, việc bố trí cấp hàm thiếu tướng đối với giám đốc Công an tỉnh là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên dự thảo luật cần quy định cụ thể quy trình, tiêu chí rõ ràng để không vượt quá số lượng cấp tướng trong toàn ngành và toàn thể địa phương” – đại biểu Trần Văn Mão đề nghị.

Thời bình nhưngtướng… hơi bị nhiều

Trong khi đó, ĐBĐỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nóiđã “phong hàm tướng hơi nhiều trong điều kiện không có chiến tranh”. Ông Thịnh cho rằng chỉ nên phong hàm cấp tướng với lực lượng trực tiếp chiến đấu và trực tiếp phòng chống tội phạm. Còn đơn vị hành chính sự nghiệp trong công an nhân dân thì phải cân nhắc, bởi cũng chỉ cần thực hiện nhiệm vụ như các cơ quan hành chính nhà nước khác.

Ông Thịnh cũng đề nghị làm rõ trong luật thế nào là Cục đặc biệt và có những cục nào để tránh việc vận dụng không chính xác. Hơn nữa, Cục đặc biệt có nhiều cấp phó mà phong hết cấp tướng thì quá nhiều, chỉ nên phong cấp thiếu tướng với cấp phó thường trực thì hợp lý.

ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng chia sẻ ý kiến của cử tri rằng: “Có ý kiến nói rằng thời bình sao nhiều tướng đến thế!So với thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới thì những năm gần đây trong lực lượng vũ trang nói chung và công an nói riêng, cấp tướng tăng lên nhiều”.

Theo ông Tạo, cần phải bảo đảm uy tín, vị thế của đội ngũ tướng lĩnh, thăng hàm nhanh nhưng chất lượng là vấn đề cần suy nghĩ. Đội ngũ tướng lĩnh có công với dânvới nước luôn được suy tôn, nhưng cử tri cũng băn khoăn khi có tướng lĩnh vi phạm như vừa qua.

Về việc phong cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng đối với giám đốc Công an cấp tỉnh, ông Tạo cho rằng nếu nhìn nhận trên mặt bằng chung với lực lượng quân sự thì có sự “vênh” nhau. Khi xảy ra chiến tranh thì chỉ huy trưởng bên quân đội chỉ huy thống nhất, công an chỉ tham gia phối hợp, nhưng giám đốc công an là tướng trong khi chỉ huy trưởng chỉ đại tá sẽ dẫn đến người cấp hàm thấp chỉ huy người có cấp hàm cao thì nghe chừng chưa phù hợp.

ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) - Ảnh: Quochoi.vn

“Nếu giám đốc Công an tỉnh có hàm cao nhất là tướng thì vấn đề đặt ra là phải sửa Luật Sĩ quan quân đội để nâng hàm lên tướng cho tương ứng. Nếu sửa luật và phong hàm tướng nhiều hơn thì tôi e rằng dư luận và cử tri không đồng tình”, ông Tạo nêu quan điểm.

Dùng quyền tranh luận, ĐB Trần Văn Lâm (Hưng Yên) cho rằng cấp hàm của lực lượng công an hay quân sự thể hiện năng lực, trình độ, phẩm chất của người công an và sĩ quan quân đội. Người nào xứng đáng trình độ là tướng thì khi có nhu cầu sẽ phong tướng, trình độ xứng đáng cấp tá thì phong tá. Còn giám đốc hay thứ trưởng là chức vụ và do cơ quan quản lý cán bộ phân công.

Trước ý kiến cho rằng số lượng được phong hàm cấp tướng vừa qua là nhiều, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị Quốc hội quy định số lượng cấp tướng và chức danh có cấp tướng. Còn phân công người đó vào việc nào là tùythuộc vị trí công việc theo đánh giá của cơ quan sử dụng cán bộ.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng cần gắn cấp hàm với chức vụ, bãi bỏ tình trạng phong cấp hàm không gắn với chức vụ, cứ “đến hẹn lại lên”. Đồng thời, tiến tới xóabỏ gắn cấp hàm với tiền lương. Thực tế có trường hợp đội trưởng mang hàm đại úynhưng cấp dưới lại có vài người mang hàm trung tá, khiến anh em rất tâm tư khi “đại úylãnh đạo trung tá”.

Về phong cấp hàm cấp tướng, ông Nhưỡng góp ý cần quy định rõ vị trí có trần quân hàm cấp tướng để hạn chế phong cấp hàm không theo quy tắc. Đồng thời, quy định rõ trong luật số vị trí quân hàm cấp tướng, tránh phong tướng lên xong điều đi chỗ khác rồi lại một người khác vào theo kiểu “điền vào chỗ trống”, lúc ấy “đại tá lại được phong thành tướng”.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
QH thảo luận Luật Công an: Thời bình sao nhiều tướng thế!