Ủy ban quản lý vốn nhà nước: Cần thí điểm với SCIC trước?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 05:07, 29/07/2016
Về cơ bản, việc thiết lập ủy ban này sẽ quyết định việc giám sát và sử dụng một trong những nguồn vốn lớn nhất trong nền kinh tế, lên tới 5 triệu tỉ đồng (tương đương 250 tỉ USD) bao gồm vốn nhà nước trong các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Nói cách khác, ủy ban này sẽ quyết định việc có thể đem lại cho chính phủ Việt Nam một khoản lợi nhuận khổng lồ theo tính toán có thể lên tới 200.000 tỉ đồng lợi nhuận hàng năm để đầu tư vào nền kinh tế hay không. Tuy nhiên, việc thiết lập một ủy ban giữ vai trò chủ sở hữu và quản lý một lượng vốn nhà nước khổng lồ như vậy là điều chưa từng có tiền lệ; vì vậy việc cần làm trước hết về lý thuyết là cần một sự thí điểm với quy mô nhỏ hơn. Và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có thể trở thành một hình mẫu thí điểm phù hợp cho yêu cầu này.
Mộtvấn đề đang gâyra tranh cãi nhiều nhất trong việc đề xuất thành lập một ủy ban thực hiện vai trò chủ sở hữu và quản lý vốn nhà nước tại các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, là việc Việt Nam chưa từng có tiền lệ thiết lập một ủy ban quản lý một lượng vốn nhà nước khổng lồ như vậy. Không những không có kinh nghiệm trong việc thiết lập ủy ban quản lý vốn nhà nước, mà ngay cả những phương hướng điều hành và hoạt động cơ bản của ủy ban này cũng đang tỏ ra hết sức mù mờ kể cả trong dự thảo nghị định đang được Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thực hiện. Bắt tay vào thực hiện ngay một kế hoạch đồ sộ mà không có được những kinh nghiệm cơ bản là một việc làm có vẻ như không thực sự khôn ngoan. Và đó là lý do vì sao phương án thí điểm với một đơn vị có quy mô nhỏ hơn để tích lũy những kinh nghiệm cần thiết đang là phương án nhận được nhiều sự ủng hộ ở thời điểm hiện tại.
Đối tượng hội tụ được nhiều điều kiện phù hợp nhất để tiến hành thí điểm mô hình chủ sở hữu vốn nhà nướccó vẻ như đang là Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). So với mô hình Temasek Holdings của Singapore được dự thảo nghị định của CIEM và Bộ KH&ĐT ghi nhận là hình mẫu cho ủy ban chủ sở hữu vốn nhà nước ở Việt Nam, thì SCIC đang có nhiều điểm tương đồng nhất với mô hình Temasek. Trước hết, cả SCIC và Temasek đều là các công ty “đầu tư và kinh doanh” vốn nhà nước, chứ không phải là các công ty “quản lý” vốn nhà nước.
Theo đó, mục tiêu được đặt lên vị trí cao nhất của cả SCIC và Temasek là đạt được hiệu quả kinh tế lớn nhất trong việc đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, chứ không phải là quản lý nó. Điều này cho phép SCIC và Temasek có thể tập trung hoàn toàn vào việc đầu tư kinh doanh để đem lại lợi nhuận cho Nhà nước và Chính phủ, thay vì phải phân tán hoạt động sang các lĩnh vực khác như tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN… vốn là những nhiệm vụ đa ngành mà dự thảo nghị định của Bộ KH&ĐT muốn gò ép cho ủy ban chủ sở hữu vốn nhà nước.
Ngoài ra, SCIC hiện cũng đang là đơn vị hội tụ được nhiều điều kiện nhất để có thể được tách ra và độc lập với các cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây là Bộ Tài chính. Nếu SCIC có thể được tách khỏi sự quản lý của Bộ Tài chính, thì khi đó nó sẽ có thể trở thành một tổng công ty độc lập, có thể tách bạch khỏi những can thiệp về chính trị, vốn là một trong hai đặc điểm quan trọng nhất của mô hình Temasek bên cạnh yếu tố là chỉ tập trung vào đầu tư kinh doanh vốn nhà nước. Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ và các bộ ngành sẽ không thể can thiệp vào hoạt động của SCIC, và tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước này sẽ chỉ chịu sự giám sát của những đơn vị chuyên trách giám sát như kiểm toán Nhà nước hay Thanh tra chính phủ giữ vai trò như những sự giám sát cần thiết của Nhà nước đóng vai trò là cổ đông chi phối mà thôi.
Một khi có thể tách riêng và độc lập với Chính phủ và các bộ ngành, thì SCIC hoàn toàn có thể thực hiện những cải cách về quản trị minh bạch và hiệu quả, trong đó được quyền chọn lọc và thuê những người điều hành có năng lực thực sự. Nói cách khác, SCIC khi đó sẽ trở thành một Temasek Holdingscủa Việt Nam, với vai trò và chức năng hoàn toàn trùng khớp với cỗ máy đầu tư nổi tiếng của chính phủ Singapore.
Việc thực hiện thí điểm mô hình tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước với SCIC cũng là điều cần làm, khi mà trong suốt nhiều năm qua chúng ta đã hạn chế khá nhiều những chức năng mà lẽ ra SCIC cần phải được đảm trách. Sự thiếu hiệu quả của SCIC trong nhiều năm qua là do chúng ta đã không đáp ứng đủ các điều kiện để tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước này thực hiện đúng chức năng của mình.
Về lý thuyết, SCIC là công ty chuyên đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, trong đó đặt vấn đề hiệu quả kinh tế trong việc đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước lên hàng đầu. Tuy nhiên thay vì đưa vốn cho SCIC đầu tư kinh doanh thì chúng ta lại chuyển các DN cổ phần hóa về cho SCIC quản lý thoái vốn để lấy tiền đầu tư. Do đó, về bản chất, chức năng chỉ tập trung cho đầu tư kinh doanh vốn nhà nước của SCIC đã không được đảm bảo, mà thay vào đó phải phân tán vào các chức năng như thoái vốn và cổ phần hóa. Ngoài ra, do SCIC vẫn chưa được tách ra hoạt động độc lập mà còn phải chịu sự quản lý của nhà nước, mà ở đây là Bộ Tài chính, nên hiệu quả đầu tư kinh doanh vốn của SCIC là chưa thực sự lớn.
Nói cách khác, nếu như Việt Nam đang cần một đối tượng có thể thí điểm theo mô hình công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước như Temasek Holdings của Singapore, thì SCIC hiện đang là ứng cử viên sáng giá nhấ, SCIChội tụ được nhiều điều kiện thuận lợi nhất để có thể đi theo mô hình và cách thức hoạt động tương tự như Temasek. Nếu việc thí điểm với SCIC thành công, trong đó cho phép SCIC tách ra và hoạt động độc lập với các cơ quan quản lý nhà nước vàtập trung hoàn toàn vào vấn đề đầu tư kinh doanh vốn nhà nước;thì Việt Nam hoàn toàn có thể tính đến việc nâng cấp SCIC trở thành tổng công ty nắm giữ vai trò đầu tư kinh doanh vốn tại các tập đoàn và tổng công ty nhà nước khác, thay vì thành lập một ủy ban với những nhiệm vụ chồng chéo, bất khả thi mà Việt Nam không có bất cứ một kinh nghiệm khả dĩ nào trước đó.
Nhàn Đàm (theo CafeF, The Saigon Times)