Formosa Hà Tĩnh, trái đắng từ chính sách thu hút FDI bằng mọi giá
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:39, 21/07/2016
Đến thời điểm hiện tại, không còn nghi ngờ gì việc khu công nghiệp ở tỉnh Hà Tĩnh của Tập đoàn Đài Loan Formosa sẽ được ghi vào lịch sử như một đối tượng gây ra những thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử kinh tế Việt Nam. Vụ xả thải hóa chất độc hại làm cá chết hàng loạt và ô nhiễm nghiêm trọng vùng biển 4 tỉnh miền Trung chắc chắn là sự kiện ô nhiễm môi trường biển lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ trước tới nay. Không dừng lại ở đó, các số liệu đánh giá mới nhất về công suất hoạt động và phát thải chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại của khu công nghiệp Formosa cũng đang vượt xa so với dự đoán của kể cả những người có trí tưởng tượng dồi dào nhất, và đang khiến người Việt Nam phải bàng hoàng.
Cụ thể, sau vụ phát hiện 100 tấn chất thải rắn của Formosa Hà Tĩnh chôn trộm tại trang trại của Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh (Hà Tĩnh), ngay lập tức phát hiện ra thêm hàng loạt những điểm chôn chất thải rắn trái phép lên tới hơn 10 điểm xung quanh khu vực dự án của Formosa và bãi rác của khu du lịch Thiên Cầm, công viên Hưng Thịnh... Số lượng chất thải rắn chôn giấu trái phép quá lớn này dẫn tới việc cần phảitìm hiểu công suất phát thải thực sự của khu công nghiệp, nhất là khi khu liên hợp sản xuất gang thép có quy mô lớn nhất Đông Nam Á này còn chưa vận hành toàn bộ các dây chuyền sản xuất.
Quả thực, những con số thống kê về khả năng phát thải thực sựcủa Formosa có thể khiến tất cả phải bàng hoàng khi theo tính toán, nếu Formosa vận hành hết công suất theo dự kiến, khu công nghiệp có thể phát thải gấp 1,13 lần so với toàn bộ lượng chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại vốn cócủa Việt Nam. Cụ thể, theo tính toán, toàn bộ lượng chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại của Formosa Hà Tĩnh có thể lên đến 8.787.000 tấn/năm, hay 26.627 tấn/ngày (giả sử hoạt động 330 ngày/năm với công suất 15 triệu tấn). Nếu so sánh, thì lượng chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại của Formosa phát thải hằng năm đang lớn hơn toàn bộ lượng chất thải rắn công nghiệp và nguy hại phát sinh từ tất cả các khu công nghiệp trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên -Môi trường, tính đến năm 2015 tổng lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh trên toàn quốc là 7 triệu tấn/năm, tổng lượng chất thải nguy hại khoảng 800.000 tấn/năm. Tổng cộng mới chỉ đạt 7,8 triệu tấn/năm, kém hơn so với mức xả thải 8,7 triệu tấn/năm của một mình Formosa.
Trong khi khối lượng phát thải chất thải rắn của Formosa lớn đến vậy, thì kế hoạch xử lý chất thải của tỉnh Hà Tĩnh – địa bàn hoạt động của Formosa – rất đáng lo ngại. Theo kế hoạch điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng 2030 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, thì tổng lượng chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 chỉ là khoảng 91,6 tấn/ngày, bằng khoảng 1/290 lần lượng phát thải của Formosa nếu vận hành hết công suất. Điều này có nghĩagì? Có nghĩa là theo quy hoạch khả năng xử lý chất thải rắn của toàn bộ tỉnh Hà Tĩnh mới chỉ giải quyết được 1/290 lần lượng phát thải của Formosa mà thôi. Vậy lượng chất thải còn lại thì sao? Theo tính toán, với lượng phát thải của Formosa theo dự kiến không được xử lý, thì toàn bộ xã Kỳ Tân vốn được quy hoạch là nơi xây dựng khu xử lý chất thải rắn sẽ bị lấp đầy toàn xã với chiều cao 1m mới đủ sức chứa lượng xả thải của Formosa trong 5 năm, còn nếu tính đủ 70 năm hoạt động theo dự kiến của khu công nghiệp Formosa, thì chiều cao này sẽ tăng lên thành 15m.
Quả thực, những con số thống kê trên sẽ rất được các nhà khoa học tán thưởng, vì nó đã chỉ ra một cách trực quan nhất những gì mà lời cảnh báo về hậu quả các dự án FDI có nguy cơ cao về môi trường có thể đem lại cho Việt Nam, và là lời báo động trực tiếp, rõ ràng và cụ thể nhất với các nhà hoạch định kinh tế Việt Nam. Kịch bản tồi tệ trong đó Việt Nam trở thành bãi rác thải của thế giới đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết sau những số liệu thống kê về tình trạng phát thải của Formosa, nó không còn là lời cảnh báo nữa, mà đã trở thành thực tế diễn ra. Chắc chắn với khả năng xử lý rác thải còn yếu kémcủa Việt Nam hiện nay (mới đạt 40% tổng lượng chất thải nguy hại và 90% chất thải rắn công nghiệp trong tổng số 7,8 triệu tấn phát thải mỗi năm, chưa tính 8,7 triệu tấn của riêng Formosa), thì Formosa sẽ không chỉ được lưu danh với tư cách là doanh nghiệp đã gây ra vụ ô nhiễm biển lớn nhất lịch sử Việt Nam, mà còn là DN FDI nhấn chìm Việt Nam trong bãi rác thải rắn công nghiệp khổng lồ.
Vậy, đâu là lý do dự án phát thải có quy mô khủng khiếp của Formosa được chấp thuận, bất chấp năng lực xử lý chất thải của tỉnh Hà Tĩnh chỉ giải quyết được 1/290 lượng phát thải của một mình Formosa? Chưa kể đến việc với tai tiếng của tập đoàn Đài Loan này trên khắp thế giới về tiền án gây ra những vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất, mà một số diễn ra ở ngay Đài Loan và nhất là Campuchia bên cạnh Việt Nam, khiến cho mọi quốc gia đang đồng loạt tẩy chay Formosa kể cả ở quê nhà Đài Loan, thì dự án khổng lồ của tập đoàn này ở Hà Tĩnh vẫn được chấp thuận, để giờ đây Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường và trở thành bãi rác thải của thế giới đang ở rất gần.
Chúng ta không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, nhưng chính sách khuyến khích thu hút đầu tư FDI bằng mọi giá trên thực tế đã đặt môi trường lên bàn cân trong thế hoàn toàn lếp vế, mà vụ việc Formosa Hà Tĩnh là một điển hình. Không có nhà lãnh đạo nào thực sựkhông chấp nhận đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng màlại cho phép thực hiệnmột dự án cócông suất phát thải lớn gấp 290 lần khả năng xử lý chất thải tại địa phương (đồng nghĩa với việc lượng chất thải khổng lồ còn lại sẽ thải ra ngoài môi trường).Sau vụ việc xả thải độc hại làm ô nhiễm vùng biển 4 tỉnh miền Trung, những số liệu thống kê mới nhất về khu công nghiệp này đang chỉ ra một cách rõ ràng nhất những nguy cơ nghiêm trọng của chính sách thu hút FDI bằng mọi giá, mà Formosa chính là đỉnh điểmcủa sự thất bại đó.
Dù quá trễ, đã đến lúc cần xem xét lại thẳng thắn chính sách thu hút FDI của Việt Nam từ nay về sau. Không ít nhà lãnh đạo trong chính phủ đã tuyên bố không chấp nhận đánh đổi đầu tư lấy môi trường, nhưng một khi nền kinh tế vẫn còn phụ thuộc nặng nề vào các FDI, thì những tai họatương tự như Formosa rất có thểsẽ lại xảy ra, nếu những người có quyền quyết định cấp phép dự án thiếu cái đầu tỉnh táo và trái tim luôn biết nghĩ đến cuộc sống người dân.
Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)