Bất hợp lý trong đầu tư hệ thống điện-nước chung cư, người mua nhà phải gánh chịu
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 10:36, 21/07/2016
Chiều 20.7, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, UBND TP.HCM, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) về sựbất hợp lý trong đầu tư hệ thống cấp điện, cấp nước đến đồng hồ căn hộ dự án.
Theo đó, HoREA nói rằng cơ quan này đã nhiều lần báo cáo về việc các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản phải đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống lưới điện trung thế, trạm biến thế, lưới điện hạ thế; hệ thống đường ống cấp nước sạch đến đồng hồ từngcăn hộ. Sau đó, họphải bàn giao toàn bộ tài sản này cho công ty điện lực, công ty cấp nước để các công ty nàysở hữu, vận hành, khai thác kinh doanh mà không được bồi hoàn. Toàn bộ chi phí thực hiện các công trình này (chiếm khoảng 2-3% chi phí đầu tư của dự án) do doanh nghiệp bất động sản bỏ ra và được phân bổ vào giá bán mà người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà.
Chưa kể, toàn bộ giá trị các công trình điện, nước được các doanh nghiệp bất động sản bàn giao cho công ty điện lực, công ty cấp nước có giá trị rất lớn và cũng không rõ cơ chế hạch toán những tài sản đã được bàn giao này.
“Đây là điều bất hợp lý kéo dài nhiều năm qua bởi vì công ty điện lực, công ty cấp nước tại TP.HCM cũng là những doanh nghiệp kinh doanh thì lẽ ra họphải đầu tư hệ thống lưới điện, đường ống nước đến đồng hồ căn hộ để bán điện, bán nước cho người tiêu dùng.
Trong lúc các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực hạ tầng thông tin, truyền thông như điện thoại, truyền hình, internet... từ nhiều năm qua đã tự bỏ chi phí đầu tư hệ thống cáp quang, đường truyền để cung ứng dịch vụ cho khách hàng tại các dự án nhà ở.
Nếu các công ty điện lực, công ty cấp nước đầu tư toàn bộ hệ thống cấp điện, cấp nước thì sẽ góp phần làm giảm giá thành nhà ở, có lợi cho người tiêu dùng và mới có sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp bất động sản và các doanh nghiệp độc quyền”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định.
Theo ông Châu, đối với một dự án khu dân cư điển hình, chủ đầu tư dự án phải đầu tư xây dựng tuyến cáp ngầm trung thế đấu nối vào hệ thống lưới điện thành phố; xây dựng các trạm điện, lưới điện hạ thế ngầm và lắp đồng hồ điện cho từng nhà, từng căn hộ và bàn giao lưới điện này cho công ty điện lực sở hữu, quản lý vận hành để bán điện.
Sau khi đã nhận bàn giao hệ thống điện này, công ty điện lực có toàn quyền, kể cả việc di chuyển máy biến thế đã lắp đặt để bố trí sử dụng ở nơi khác nếu khu dân cư chưa sử dụng hết phụ tải.
Trong khi đó, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường ống nước đấu nối vào hệ thống cấp nước sạch của thành phố; xây dựng đường ống nước, lắp đồng hồ từng nhà hoặc xây dựng đường ống nước đến bể chứa nước của chung cư, lắp đồng hồ tổng và bàn giao hệ thống cấp nước này cho công ty cấp nước sở hữu, quản lý vận hành, kinh doanh.
Đối với chung cư thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường ống cấp nước đến đồng hồ căn hộ và Ban quản trị chung cư chịu trách nhiệm thu tiền nước của từng hộ dân để trả cho công ty cấp nước.
Riêng tại TP.HCM, công ty cấp nước bán nước qua đồng hồ tổng và trích lại 10% cho Ban quản trị chung cư. HoREA cho rằng mức trích này còn thấp chưa đủ trả chi phí quản lý vận hành và thất thoát, nếu so sánh với tỷ lệ thất thoát nước sạch tại thành phố là 38,45% (số liệu năm 2012 của Sawaco).
Chính vì sự bất hợp lý trên, HoREA đề nghị công ty điện lực đầu tư toàn bộ hệ thống lưới điện đến đồng hồ từng căn nhà, căn hộ để bán điện cho người tiêu dùng, tương tự như cách làm của các doanh nghiệp điện thoại, truyền hình, internet, để người mua nhà không phải gánh chi phí bất hợp lý này.
Đồng thời, HoREA đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương chỉ đạo việc hạch toán tài sản hệ thống điện mà doanh nghiệp đã bàn giao cho ngành điện như quản lý tăng tài sản cố định hoặc như nguồn thu khác từ nguồn vốn xã hội hóa.
Về việc EVN HCM nói rằng trước khi ban hành quy định về tiếp nhận tài sản cố định công trình điện, đã tổ chức hội thảo vào ngày 2.10.2015 để lấy ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, thế nhưng HoREA nói đã không được mời tham dự cuộc họp này, cho nên các doanh nghiệp bất động sản rất mong được làm việc với EVN.
Đối với ngành cấp nước, HoREA cũng đề nghị công ty cấp nước đầu tư toàn bộ hệ thống đường ống nước đến đồng hồ từng căn nhà, căn hộ để bán nước sinh hoạtcho người tiêu dùng để người mua nhà không phải gánh chi phí bất hợp lý này. Việc công ty cấp nước bán nước qua đồng hồ tổng của chung cư và các hộ dân chịu chi phí thất thoát nước như hiện nay là không còn phù hợp.
Hiệp hội đề nghị công ty cấp nước thực hiện cơ chế tương tự như công ty điện lực để giám sát quá trình đầu tư xây dựng, bàn giao hệ thống cấp nước đến đồng hồ từng căn hộ chung cư và quản lý vận hành, kinh doanh như ở các nước trên thế giới, để người sử dụng không phải chịu chi phí thất thoát nước và phải trả giá cao hơn giá quy định của thành phố do phải qua đồng hồ tổng như hiện nay.
Phan Diệu