Đổi gió ở An Hải Sơn
Du lịch - Ngày đăng : 00:00, 20/07/2016
An Hải Sơn là tên gọi của ngọn núi đá vôi chứa đựng trong lòng nó những hang động kỳ vĩ với những huyền thoại về chùa Hang, hang Kim Cương, hang Giếng Tiên, động Âm Phủ… Ở Đồng bằng sông Cửu Long, vào hè cũng là mùa lễ hội. Khách hành hương, du lịch từ nhiều miền đất nước đổ An Hải Sơn đến cuối rằm tháng Bảy âm lịch. Khu vực chùa Hang trở thành một điểm du lịch văn hóa, tâm linh huyên náo, nhộn nhịp chỉ sau Vía Bà (núi Sam) và Mẹ Nam Hải (Bạc Liêu). Từ Rạch Giá, thủ phủ của tỉnh Kiên Giang, đi về hướng Hà Tiên khoảng 60km đến ngã Ba Hòn, rẽ trái theo tỉnh lộ 11 khoảng 18km, xuyên qua những cụm núi kỳ vĩ ven biển, bạn sẽ đến với khu du lịch hòn Phụ Tử nằm dưới chân núi An Hải. Nơi đây có chùa Hang là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Kiên Giang.
Hoang sơ chùa hang
Chùa Hang được khám phá vào đầu thế kỉ XVIII do các nhà sư Thái Lan và các ngư dân đến đây khẩn hoang lập nghiệp. Bước vào cổng tam quan, phía trước là một khoảng sân rất rộng, chạy dài giáp với chân núi An Hải Sơn. Ở lưng chừng núi có nhiều pho tượng Phật nhỏ và đèn hoa đăng đủ sắc màu rực rỡ. Trung tâm chùa Hang khá rộng, ngoằn ngoèo, dài khoảng 40m, chỗ hẹp nhất cũngvừa 3, 4 người đi lọt. Đây là một hang động thiên nhiên nằm dưới ngọn núi đá vôi bị xâm thực cách đây trên 1.000 năm. Trong hang có nhiều thạch nhũ với nhiều hình tượng lạ mắt, kỳ vĩ.
Ở đây có hai pho tượng Phật Thích Ca đã an vị hơn 300 năm. Cuối chùa thông ra biển… Đập vào mắt khách tham quan là hòn Phụ Tử, đứng sừng sững nhìn ra biển khơi lộng gió với những hòn đảo lớn nhỏ đẹp như trong tranh thuỷ mặc. Tại chùa Hang có một đội tàu đưa khách ra Giếng Tiên - tương truyền Nguyễn Ánh có lần bị Tây Sơn truy đuổi đã chạy tạt và ghé nơi đây, nước Giếng Tiên đã cứu đoàn quân bại trận khỏi chết khát. Ngày nay, phiến đá giống như chiếc ngai vàng vẫn còn. Truyền thuyết dân gian cho rằng, đó là dấu vết của vua Gia Long ngự ngày xưa trong hang Giếng Tiên. Trong khu vực An Hải Sơn còn có một thắng cảnh rất đẹp là hòn Trẹm. Những buổi sớm tinh mơ hay những buổi chiều hoàng hôn tĩnh lặng, đứng trên đỉnh hòn Trẹm lộng gió, bạn sẽ thưởng thức bức tranh tuyệt mỹ và hoành tráng của biển cả, núi rừng nơi đây. Những làng chài thấp thoáng dưới bóng thuỳ dương, những biệt thự xinh xắn dựa lưng chừng đồi, những dải rừng mênh mông... Và xa xa, hòn Nghệ mờ ảo trong sương, giữa trùng dương bao la xanh thẳm… Nếu bạn đến chùa Hang vào những ngày rằm, lễ lớn của Phật giáo, khi mặt trời vừa khuất sau làn nước xanh thẳm, khu vực chùa Hang sáng bừng lên trông giống như một thị trấn nhỏ giữa biển rừng còn phảng phất chút hoang sơ.
Sau phần nghi thức hành lễ là phần múa biểu diễn của các em học sinh trong tiếng ấm trầm, thanh thoát của nhã nhạc. Cả núi rừng, biển cả và lòng người như chìm đắm, lâng lâng thoát tục trong hương trầm, khói sương ngan ngát… Sau đó khách có thể tham quan khắp chùa, và nếu muốn nếm qua 100 món thức ăn của nhà Phật… thì xin mời, chỉ có 10.000 đồng một suất! Dọc bãi biển cạnh chùa Hang có nhiều cô gái Khmer bán bánh thốt nốt và các em bé bán kèn chim. Bánh thốt nốt xôm xốp, ăn thơm ngọt như bánh bò nướng; kèn chim khi thổi lên nghe ríu rít, rất giống tiếng chim gọi bạn.
Hòn phụ tử và câu chuyện về tình cha con
Hòn Phụ Tử nằm trên eo biển khu du lịch chùa Hang được xem là biểu tượng cho vẻ đẹp của Kiên Giang mang vẻ đẹp tự nhiên của tạo hóa và có bề dày lịch sử. Ngồi trên chiếc tàu du lịch lướt nhẹ trên sóng biển, gió ngàn khơi thổi mát rượi, trong lành, bạn sẽ thấy lòng thanh thản, nhẹ nhàng như trút hết những đa đoan của chuyện đời… Chúng tôi nghe anh thanh niên lái tàu Hồ Ngọc Hiếu ở thuyền Du lịch số 5 kể rất lưu loát và rành rẽ về sự tích hòn Phụ Tử: “Xưa kia, ở vùng biển nầy có một con thuồng luồng rất hung dữ. Nó hay đánh đắm thuyền và ăn thịt ngư dân. Có hai cha con người chài lưới sống dưới chân An Hải Sơn, cạnh chùa Hang, bấy giờ thấy vậy quyết lòng tiêu diệt con ác thú, trừ hại cho bà con. Người cha tính hết kế, cuối cùng chỉ còn cách hi sinh thân mình mới mong giết được con thuồng luồng ấy! Ông tẩm thuốc độc vào mình và nằm sát mé biển để làm mồi dụ con ác thú. Con thuồng luồng đã ăn đứt đầu ông. Nó trúng độc và vong mạng.
Người con đi tìm cha… gặp cha chỉ còn là cái xác cụt đầu! Anh xót xa thương cảm, ôm hoài xác cha mà khóc mãi. Không ngờ chất độc trong mình người cha còn rất mạnh. Người con trúng độc và gục chết bên cạnh xác cha. Trời đất nổi dông bão, mưa suốt mấy ngày đêm. Và nơi hai cha con nằm mọc lên hai hòn đá lớn. Hòn to là cha, hòn nhỏ là con, gọi chung là hòn Phụ Tử… đã bao nghìn năm trôi qua, trơ gan cùng tuế nguyệt, che chắn gió dông cho một vùng vịnh biển”.
Một câu chuyện thật cảm động, dẫu cho nó có thể là huyền thoại, truyền thuyết của dân gian! Với hình dáng đặc biệt của mình hòn Phụ Tử một thời đã từng là biểu tượng của du lịch Kiên Giang. Bể dâu biến đổi là lẽ thường tình của tự nhiên, vào một ngày tháng 7 âm lịch năm 2006 (9/8/2006), hòn Phụ đã gãy ngang và đổ xuống biển để lại trong lòng rất nhiều người sự nuối tiếc một kỳ quan, âu cũng là quy luật sinh tồn hết sức tự nhiên của tạo hóa.
Mai Lý / Duyên dáng Việt Nam