Châu Âu và nỗi lo sụp đổ hệ thống ngân hàng
Quốc tế - Ngày đăng : 14:44, 07/07/2016
Đã hơn hai tuần kể từ sau khi nước Anh bỏ phiếu trưng cầu dân ý rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), và châu Âu vẫn đang là một mớ bòng bong thực sự.Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một quốc gia, một tổ chức hoặc một chuyên gia phân tích nào có thể thống kê đầy đủ các tác động mà Brexit đem lại cho nước Anh và EU. Vì thế, cứ mỗi ngày mới là lại có thêm một nhận định mới về những tác động mà Brexit đem lại. Và thông tin mới nhất là gì? Đó làBrexit vẫn có thể khiến EU tan rã thông qua sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng châu Âu.
Không có gì quá lời khi nói rằng, trong vòng hai tuần qua, cả châu Âu và thế giới đã thực sự bị dắt mũi một cách hoàn hảo. Quálo âu về sự sụt giá kỷ lục của đồng bảng Anh (khoảng 12% sau Brexit) và đồng euro (gần 4%) và việc hầu hết các nền kinh tế và tài chính trên khắp thế giới bị ảnh hưởng mạnh từ sự sụt giá này khi mà hầu hết các thị trường chứng khoán toàn cầu đều đỏ rực, cả châu Âu và thế giới dường như quên mất đâu mới là lĩnh vực có thể bị tác động lớn nhất từ sự kiện này. Đó là hệ thống ngân hàng của châu Âu. Đây đang là điểm yếu chí tử nhất không chỉ của nền kinh tế châu Âu, mà còn đang là viên đá nền tảng có thể quyết định sự tồn tại của liên minh châu Âu. Không khó để hiểu được rằng, nếu hệ thống ngân hàng châu Âu sụp đổ, thì chắc chắn EU cũng sẽ tan rã theo.
Đó là lý do vì sao trong giới tài chính ngân hàng châu Âu, Brexit đang được ví như sự kiện ngân hàng Lehman Brothers nổi tiếng tuyên bố phá sản năm 2008. Sự kiện đóng vai trò khởi đầu cho khủng hoảng tài chính Mỹ và dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, trong đó hệ thống ngân hàng Mỹ gần như tê liệt hoàn toàn sau sự sụp đổ của Lehman Brothers. Brexit cũng đang được xem là sự kiện có thể kích hoạt cho sự tê liệt của hệ thống ngân hàng châu Âu hiện tại, khi mà giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn nhất châu Âu đã giảm rất mạnh – khoảng 20% từ đầu năm 2016 đến nay. Khi Brexit xảy ra thì mức sụt giảm giá trị cổ phiếu của các ngân hàng châu Âu được dự báo có thể sẽ tăng gấp đôi. Khi cả hệ thống ngân hàng của nền kinh tế lớn cỡ Liên minh châu Âu sụt giảm tới 40% trong vòng 6 tháng, đó là thời điểm lưỡi hái thần chết đã kề bên cổ.
Điểm qua các ngân hàng lớn nhất châu Âu hiện tại, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra tình trạng này. Ngân hàng lớn nhất EU hiện nay, Deutsche Bank, hiện có giá trị vốn hóa chỉ khoảng 17 tỉeuro (khoảng 18 tỉUSD). Nếu so sánh, thì giá trị của Deutsche Bank chỉ tương đương với một startup công nghệ ở thung lũng Silicon là Snapchat – một ứng dụng tin nhắn tự xóa với doanh thu 59 triệu USD vào năm 2015 – trong khi đó cần nhớ lại rằng doanh thu trung bình hàng năm của Deutsche Bank lên tới cỡ 37 tỉeuro. Sự thật có phần nực cười trong so sánh trên, chỉ đang chỉ ra một thực tế đáng báo động: cổ phiếu của các ngân hàng lớn nhất châu Âu đã sụt giảm quá mạnh, bất chấp doanh thu lớn cỡ nào đi nữa.
Ngoài vấn đề giá cổ phiếu sụt giảm quá mạnh (một phần do chính sách duy trì lãi suất âm của Ngân hàng Trung ương châu Âu – ECB), thì một điểm yếu chí tử khác của hệ thống ngân hàng châu Âu hiện nay là nợ xấu quá lớn. Điển hình nhất cho nguy cơ này là các ngân hàng Italia, nền kinh tế lớn thứ tư châu Âu và nằm trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển G7. UniCredit, ngân hàng lớn nhất Italia, đang là ví dụ điển hình nhất cho tình trạng tồi tệ này. Cũng giống như Deutsche Bank, giá trị vốn hóa của UniCredit cũng sụt giảm khá mạnh, chỉ còn khoảng 12 tỉeuro, trong khi đó tổng giá trị các khoản nợ xấu mà ngân hàng này đang sở hữu đã lên tới 51 tỉeuro. Trong khi đó tổng giá trị các khoản nợ xấu mà hệ thống các ngân hàng Italia đang phải gánh chịu đã lên tới khoảng 198 tỉeuro, nếu tính tất cả các khoản nợ khó đòi khác thì con số đã lên tới 360 tỉeuro. Với con số nợ xấu khổng lồ này, hệ thống ngân hàng Italia đang là đối tượng có nhiều nguy cơ rơi vào tình trạng sụp đổ nhất châu Âu. Không có gì khó khăn để dự đoán rằng nếu hệ thống ngân hàng Italia sụp đổ, thì chắc chắn hệ thống ngân hàng EU sẽ sụp đổ theo. Vì quy mô của hệ thống ngân hàng Italia vốn là nền kinh tế xếp thứ 4 châu Âu lớn hơn rất nhiều so với của Hy Lạp. Chỉ cứu trợ khủng hoảng nợ ở Hy Lạp đã khiến nền kinh tế châu Âu rơi vào tình trạng trì trệ nhiều năm liền, thì việc cứu trợ nền kinh tế Italia mà không phải đối phó với nguy cơ EU tan rã là điều không tưởng.
Điều đáng nói nhất trong câu chuyện này làhiện tại Liên minh châu Âu vẫn chưa có cơ chế cho phép chính phủ các nước hỗ trợ các ngân hàng sở tại trong vấn đề giải quyết nợ xấu, mà trách nhiệm này vẫn do ECB đảm nhiệm. Các nhà phân tích quốc tế cho rằng, đó là một cơ chế khá lỗi thời, khi mà ECB tỏ ra thu được rất ít thành công trong việc giảm nợ xấu tại các ngân hàng lớn nhất châu Âu trong khi lại quá kém hiệu nặng trong việc ngăn chặn nợ xấu gia tăng mạnh tại các ngân hàng này trong quá khứ. Trường hợp khủng hoảng nợ công Hy Lạp chính là một ví dụ điển hình cho tình trạng đó.
Và Brexit diễn ra đang đẩy tốc độ tiến đến ngưỡng giới hạn sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng châu Âu tăng lên gấp đôi. Giá trị cổ phiếu của các ngân hàng châu Âu chắc chắn sẽ không hồi phục trong năm nay, mà sẽ còn sụt giá mạnh hơn nữa, đẩy các sức ép trên vai các ngân hàng châu Âu lớn hơn bao giờ hết. Ngoài ra, Brexit xảy ra cũng đang khiến tình trạng thiếu hụt dòng vốn tại hệ thống các ngân hàng châu Âu có quy mô lớn hơn rất nhiều. Theo thống kê, Brexit xảy ra có thể khiến các ngân hàng lớn nhất ở Đức, Pháp, Ý và cả Anh, Mỹ sẽ thiếu hụt một dòng vốn trị giá khoảng 998 tỉUSD. Dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cùng các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới đã cam kết sẽ không để tình trạng thiếu hụt dòng vốn diễn ra trên thị trường toàn cầu, nhưng chắc chắn là nó cũng sẽ đem lại những tác động rất xấu cho hệ thống ngân hàng châu Âu vốn cũng đang mong manh hơn bao giờ hết.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)