Anh chia tay EU: Tác động thế nào còn tùy thuộc vào ứng xử của Việt Nam!
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 17:30, 28/06/2016
Việt Nam sẽ chịu tác động không quá nghiêm trọng
Nhận định về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) sẽ ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam, chia sẻ tại Tọa đàm "Thiên nga đen Brexit và ứng xử của Việt Nam" do Tạp chí điện tử Diễn đàn và Đầu tư tổ chức chiều 28.6, TS Huỳnh Thế Du cho rằng, Brexit (Anh rời EU) chắc chắn có ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.
"Việt Nam cũng bị ảnh hưởng vì nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tuy nhiên Việt Nam có mối quan hệ kinh tế đa phương nên tác động không nghiêm trọng lắm", TS Du nhận định.
Đối với vấn đề tỷ giá, TS Huỳnh Thế Du cho biết, việc Anh rời khỏi EU sẽ có tác động thương mại đến việc mất giá đồng tiền, tuy nhiên vẫn cần thêm thời gian để quan sát. Riêng với thị trường chứng khoán, TS Du khẳng định khả năng rớt sâu là không cao.
"Khi một biến cố xảy ra thì thị trường đã hiệu chỉnh ngay lúc đó, còn chiến lược thời gian tới thì tùy đối tượng nhà đầu tư. Nếu là nhà đầu tư ngắn hạn và tập trung vào chênh lệch giá thì sẽ quyết định mua bán khác với các nhà đầu tư dài hạn.
Giá cổ phiếu có thể nhảy cóc, lên xuống do thông tin, do thị trường biến động nhưng sau biến động thị trường sẽ trở lại bình thường. Khả năng rớt sâu của thị trường chứng khoán Việt Nam là không cao", ông Du nói.
Đồng tình với TS Huỳnh Thế Du, chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài diễn biến chung của thế giới.
"Tổn thất của thị trường chứng khoán Việt Nam theo số liệu thống kê cho thấy đã mất hơn 1,1 tỉ USD so với quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam là mất mát khá nặng. Nhưng hi vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hồi phục và phản ứng của các nhà đầu tư nước ngoài có lẽ sẽ có giới hạn, không quá nặng nề", ông Doanh nhận định.
Còn tùy thuộc vào ứng xử của Việt Nam!
Đánh giá tác động của Brexit đến Việt Nam, TS Võ Trí Thành cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế mở, hội nhập ngày càng sâu rộng về thương mại, đầu tư, du lịch, và cả dịch chuyển lao động, tài chính… Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam có những mối quan hệ chặt chẽ với các nền kinh tế lớn, các thị trường lớn trên thế giới nên Việt Nam không tránh khỏi tác động của Brexit.
"Việt Nam cũng đã chịu những tác động tức thời, rõ nhất là sự sụt giảm chỉ số chứng khoán ngay sau sự kiện Brexit. Tuy nhiên, mức độ tác động tiếp theo phụ thuộc vào cách nhìn nhận và kỳ vọng của thị trường đối với sự kiện này, đối với sự vận động của bản thân nước Anh, cách thức “chia tay” Anh - EU, và phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn trên thế giới", ông Thành nói.
TS Võ Trí Thành cũng cho rằng, sự tác động của Brexit đến Việt Nam còn phụ thuộc vào ứng xử của chính Việt Nam. Chẳng hạn như liên quan đến thương mại, trước mắt Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng bất lợi vì không ít đồng tiền của các đối tác thương mại của Việt Nam xuống giá so với đồng Việt Nam.
"Nhưng cũng cần thấy rằng trong trường hợp này, có một số đồng tiền lại lên giá như Yên Nhật, và điều này sẽ tạo ra cơ hội ít nhiều để nâng sức cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam", TS Thành nhận định.
Đồng quan điểm về việc Anh rời khỏi EU cũng có những tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam, TS. Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho biết, xét ở khía cạnh xuất nhập khẩu, khi đồng Bảng Anh mất giá thì nhập khẩu từ Anh sẽ có lợi cho Việt Nam hơn là xuất khẩu. Đây cũng là thời điểm hợp lý để doanh nghiệp Việt Nam đi tìm thị trường và khách hàng mới nhằm chiếm lĩnh thị phần.
Duyên Duyên