Châu Âu đang làm tất cả để EU không đi theo vết xe đổ của Liên Xô
Quốc tế - Ngày đăng : 13:34, 27/06/2016
Câu chuyện về sự ra đi của nước Anh khỏi liên minh châu Âu (EU) vẫn đang thống trị trên các trang báo và các kênh truyền thông quốc tế, khi mà dư âm của nó vẫn còn quá lớn, đặc biệt là khi vấn đề một cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý thứ hai ở Anh được đặt ravới hy vọng đảo ngược lại kết quả của lần bỏ phiếu trước đó. Nước Anh dường như đang muốn quay trở lại EU sau những thảm họa kinh hoàng trên thị trường tài chính những ngày qua do Brexit gây ra, nhưng EU thì có vẻ như lại không mặn mà với ý tưởng đó, dù trước đó các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhượng bộ mọi thứ có thể để hy vọng nước Anh ở lại. Sự ra đi của nước Anh dường như đang khiến EU trở nên cương quyết và cứng rắn hơn bao giờ hết, và các nhà lãnh đạo EU đang làm hết sức có thể để chứng tỏ rằng: Liên minh châu Âu sẽ không đi theo vết xe đổ của Liên Xô cách đây hai thập kỷ rưỡi.
Câu chuyện nhận được sự chú ý nhất trong thời điểm hiện tại, xung quanh vấn đề Brexit đang gây xáo trộn cả thế giới lẫn nền kinh tế toàn cầu, là việc nước Anh có thể sẽ quay trở lại Liên minh châu Âu. Quáthất vọng và hốt hoảng trước những biến động kinh hoàng trên thị trường tài chính, nơi đồng bảng Anh đã sụt giá tới 10% chỉ trong vòng 1 ngày sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý – mức kỷ lục trong vòng 30 năm qua, rất nhiều người dân Anh trước đó đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit đã tỏ ra hối hận, và bày tỏ mong muốn được làm lại nếu có thể. Ngay lập tức, đề xuất tổ chức một cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý thứ hai được đưa ra, bản kiến nghị đề xuất này thậm chí đã thu thập được chữ ký của hàng trăm ngàn người. Nước Anh liệu có thể quay trở lại làm một phần của liên minh châu Âu như cũ hay không? Vấn đề không đơn giản như vậy.
Các nhà lãnh đạo cao cấp nhất châu Âu có vẻ như đang dội một gáo nước lạnh lên hy vọng được quay trở lại EU của người dân Anh. Khá nhiều quốc gia thành viên EU đang lên tiếng thúc giục nước Anh nhanh chóng tiến hành đàm phán những thủ tục cần thiết để rời khỏi liên minh. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố: “Quá trình đàm phán cần phải được thực hiện càng nhanh càng tốt để chúng ta có thể tập trung vào tương lai của châu Âu thay vì ở trong tình trạng lấp lửng hiện tại”. Phát biểu này nhận được sự tán đồng lớn từ phía Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders. Người đứng đầu Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thì tuyên bố: “Sự chia tay giữa Anh và EU không phải là một điều dễ chịu nhưng cũng không hẳn là một mối quan hệ quá sâu nặng. Người dân Anh đã quyết định rời EU hôm 23.6, vì vậy thật vô nghĩa khi phải chờ đến tháng 10 để đàm phán các điều khoản ra đi của họ”.
Đỉnh điểm của sự cứng rắn với nước Anh mà các nhà lãnh đạo châu Âu đang thể hiện hẳn phải thuộc về tuyên bố của Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel: “Liên minh châu Âu sẽ không đưa ra bất cứ lời đề nghị nào với nước Anh về việc giữ nó lại như một phần của liên minh, và nó sẽ còn không thể là một đối tác1/2. Người Anh giờ đây đã quyết định ra đi, và chúng ta sẽ không đàm phán bất cứ điều gì liên quan đến việc đưa nước này quay trở lại vị trí cũ”. Lời tuyên bố của Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel được xem là lời đáp trả chính thức đối với thông tin nước Anh có thể sẽ xin cấp một quy chế tương tự như Na Uy, trong đó Anh vẫn được phép duy trì quyền thành viên trong thị trường chung mà vẫn có được những quy định hạn chế về quyền tự do di chuyển của người dân EU.
Về lý thuyết, đây là phương án có thể được xem là ổn thỏa nhất với cả nước Anh lẫn EU để tránh một cuộc suy thoái về kinh tế do sự ra đi của nước Anh và sự đứt gãy về quan hệ kinh tế -thương mại giữa đảo quốc này với châu Âu lục địa. Những gì đang diễn ra ở thị trường tài chính toàn cầu sau Brexit có thể sẽ là nguyên nhân khiến các nhà lãnh đạo Anh và EU bắt tay thỏa hiệp để tiến tới phương án ổn thỏa này. Nhưng lời tuyên bố của Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel đã phủ định hoàn toàn khả năng này. Nói cách khác nước Anh sẽ phải tiến hành lại toàn bộ quá trình đàm phán về kinh tế thương mại với EU mà không nhận được bất cứ một sự nhượng bộ lợi ích nào từ liên minh châu Âu, cũng như chuyện Anh quay lại EU là điều sẽ không bao giờ xảy ra.
Sự cứng rắn của các nhà lãnh đạo châu Âu với nước Anh ở thời điểm hiện tại được xem là trái ngược hoàn toàn với thái độ trước thời điểm của bỏ phiếu trưng cầu dân ý diễn ra, trong đó gần như tất cả đều mong muốn Anh ở lại EU và sẵn sàng nhượng bộ. Nhưng tất cả đã thay đổi sau khi có kết quả cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý. Quan điểm của các nhà lãnh đạo châu Âu hiện tại rất rõ ràng: Nước Anh đã ra đi và đó là điều không thể níu kéo cũng như cứu vãn, và điều quan trọng hơn hết ở thời điểm hiện tại là bàn về tương lai của liên minh châu Âu sau sự ra đi của nước Anh. Hai vấn đề được xem là quan trọng nhất đối với EU hiện tại sau Brexit là: thúc đẩy tiến trình hội nhập sâu hơn của các nước thành viên EU đồng thời tăng cường sự linh hoạt trong liên minh để tránh một sự việc tương tự như Brexit lặp lại; thứ hai là cách thức xử lý với nước Anh trong tương lai – như một đối tác quan trọng hay chỉ như một nước thứ ba thông thường.
Theo các nhà phân tích, việc các nhà lãnh đạo châu Âu trở nên cứng rắn một cách đáng ngạc nhiên ở thời điểm hiện tại với nước Anh là một điều cần thiết. Vì sau Brexit đang có một làn sóng của các đảng cánh hữu tại nhiều quốc gia thành viên EU, đòi hỏi sự ra đi tương tự, điển hình là Pháp (Frexit) hay Italia (Italeave), thậm chí các quốc gia thành viên ở Đông Âu như Ba Lan cũng rơi vào diện có khả năng ra đi. Nếu như EU không thể ngăn cản làn sóng đòi ra đi ồ ạt này thì việc liên minh châu Âu tan rã là điều sớm muộn sẽ xảy ra. Và sự tan rã của EU khi đó sẽ còn gây ra những hậu quả lớn hơn nhiều lần so với những gì đang diễn ra do sự ra đicủa chỉmột mình nước Anh. Sự cứng rắn với nước Anh ở thời điểm hiện tại vì thế đang mang ý nghĩa rằng: EU vẫn đủ sức lèo lái con thuyền châu Âu trong tương lai kể cả khi không còn sự hiện diện của nước Anh.
Một điều chắc chắn rằng, trong tương lai Liên minh châu Âu sẽ có những thay đổi triệt để sau khi nước Anh ra đi. Ngoại trưởng hai quốc gia lãnh đạo EU là Đức và Pháp, Frank-Walter Steinmeier và Jean-Marc Ayrault trong cuộc họp gần nhất đã đưa ra đề xuất về ba sáng kiến định hình Liên minh châu Âu trong tương lai, trong đó thúc đẩy hội nhập các quốc gia thành viên vào hệ thống chính trị chung, nền kinh tế chung và thị trường chung sâu rộng hơn nữa. Thậm chí, EU sẽ thiết lập một lực lượng quân sự chung của toàn liên minh, với điểm khởi đầu là một lực lượng Hải quân chung EU. Nếu những đề xuất này thành công, EU sẽ tiến một bước dài trên con đường tiến tới một mô hình siêu liên bang, mà trong đó sự ra đi của nước Anh lại chính là bước đệm thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh chóng hơn.
Nhàn Đàm (theo Reuters/CafeF)