Người Trung Quốc giành nhau suất đại học
Quốc tế - Ngày đăng : 10:53, 18/06/2016
Từ lâu, cuộc chạy đua vào đại học đã gây ra sự sốt ruột vàbất mãn ở Trung Quốc. Nhưng tầm cỡ của sự phản đối đã khiến chính quyền bị bất ngờ.
Chủ trương ưu ái thí sinh vùng nghèo bị phản ứng
Vấn đề là hệ thống giáo dục do nhà nước quản lý với các trường hàng đầu tập trung ở những thành phố phát triển thịnh vượng, trong khi các trường yếu hơn, kinh phí ít hơn thườngở những vùng kém phát triển.
Cuộc chạy đua vào đại học được tổ chức bằng một hình thức tuyển sinh duy nhất trên toàn quốcgọi là “cao khảo”. “Cao khảo” được đánh giá rất quan trọng cho số phận của một thí sinhnên các bậc phụ huynhđã chuẩn bị cho con cái có thể tham gia cuộc thi này từ cả trước khi con họ đi nhà trẻ. Chính quyền thì dọa bỏ tù thí sinh gian lận tối đa 7 năm tù.
“Cao khảo” giúp hệ thống giáo dục có được một nhóm nhân tài, nhưng chính quyền cũng dành nhiều suất đại học cho sinh viên thuộc tỉnh - thành, hậu quả là thí sinh ở vùng sâu vùng xa khó lọt được vào các trường “đỉnh”.
Vài năm qua, chính quyền tìm cách xử lý vấn nạn này, bằng cách nhận nhiều thí sinh từ các vùng kém phát triển vào các trường đại học hàng đầu. Một số tỉnh cũng chấm điểm cộng thêm vào bài thi của thí sinh thuộc các nhóm dân tộc thiểu số.
Mùa xuân 2016, Bộ Giáo dục - Đào tạo Trung Quốc tuyên bố sẽ tạo thêm 140.000 suất đại học (với khoảng 6,5% suất ở các trường đỉnh) cho sinh viên thuộc các tỉnh nghèo. Nhưng Bộ nói sẽ buộc các trường giảm số sinh viên địa phương, nhằm có chỗ cho các suất ưu tiên này.
Vào lúc sức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy giảm, kế hoạch ưu tiên nói trên làm bùng nổ những cuộc biểu tình phản đối.
Ở thành phố Vũ Hán (miền trung Trung Quốc), nơicó nhiều đại học uy tín, giới phụ huynh vây các cơ quan chính quyền để đòi thêm suất cho thí sinh địa phương.
Tại thành phố Hắc Long Giang, các bậc cha mẹ diễu hành trên các con đường, la ó phản đối chủ trương tuyển sinh mới là bất công.
Nhưng ở thành phố Lạc Dương thuộc tỉnh Hà Nam nghèo nhất và đông dân nhất Trung Quốc, người biểu tình phản ứng lại rằng “phải yêu thương trẻ một cách bình đẳng”.
Tại thành phố Bảo Định (tỉnh Hà Bắc, chỉ cách Bắc Kinh vài giờ xe), các bậc cha mẹ buộc tội chính phủ ưu ái dân thành thị mà bỏ mặc các thí sinh vùng nông thôn.
Lu Jian, một thợ điện 42 tuổi tham gia cuộc biểu tình, nói: “Khi họ cần nước, đất và mùa vụ, họ tìm đến vùng nông thôn. Nhưng họ sẽ không cho con cái chúng tôi học tại Bắc Kinh”.
“Vụ nổ của một mối hận thù dồn nén từ lâu”
Kế hoạch của Bắc Kinh để giải quyết sự bất bình đẳng trong việc “tước” suất đại học của sinh viên địa phương, đã khiến giới phụ huynh ở các thành phố hiện đại nhất Trung Quốc bất mãn, không hài lòng việc thiếu trường đại học có chất lượng cao.
Hùng Bính Kỳ, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21 (ở Bắc Kinh) mô tả các phản ứng dữ dội này như “vụ nổ của một mối hận thù dồn nén từ lâu”.
Ông cho rằng cần phải tính đến một cuộc cải tổ hệ thống giáo dục thật triệt để. Ông gợi ý một số trường đại học có thể dựa vào “cao khảo” để tuyển sinh trên toàn quốc, trong khi các đại học cấp tỉnh có thể tập trung tuyển sinh viên địa phương, để chúng giống các đại công lập của Mỹ.
Nhưng bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ bị chỉ trích, vì thiếu nguồn lực, thành kiến cục bộ địa phương - sắc tộc. Ví dụ sự phàn nàn chung là thí sinh thuộc vùng tự trị Tân Cương hẻo lánh (cực tây Trung Quốc, có đa số dân Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi) không được tạo nhiều điều kiện học tập và không được chấm điểm ưu tiên.
Một nhóm phụ huynh ở Bắc Kinh đã kiến nghị với Bộ Giáo dục - Đào tạo Trung Quốc, yêu cầu không được xếp một số sinh viên thuộc các nhóm dân thiểu số tại một trường hàng đầu (tuyển cấp toàn quốc) vào diện “dân thành phố”, nhằm để dành chỗ ở các trường đại học ở Bắc Kinh cho thanh niên thủ đô.
Tại các tỉnh nghèo như Hà Nam, sự bức xúc của phụ huynh thường chĩa thẳng vào các cơ quan chính quyền, rằng các cơ quan này không đầu tư nhiều vào giáo dục, từ đó làm hỏng tương lai con cái họ trong một xã hội mà sự cách biệt giàu - nghèo đang ngày càng lớn.
Hồi tháng trước, một lá thư ngỏ của giới phụ huynh Hà Namđãviết: “Khi thí sinh Bắc Kinh lọt vào các đại học hàng đầu, thì con em chúng ta không đậu, một số đã thành người lao động nhập cư. Ai phải chịu trách nhiệm đây?”.
Tác dụng ngược của mô hình “cao khảo” chọn nhân tài làm quan
Theo báo New York Times (Mỹ) ngày 11.6, những phản ứng bất thường này là bài thuốc thử khả năng xử lý tình trạng xung đột trường lớp của chính quyền, cũng như sự nhạy bén chính trị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Các nhà phân tích nói rằngnhững cuộc phản đối này là một thách thức nhạy cảm dành cho ông Tập, người khởi xướng “Trung Hoa Mộng” vốn nhằm tạo sức trẻ cho đất nước trong đó có lời hứa tạo cơ hội học tập cho giới trẻ.
Carl F. Minzner, giáo sư luật của Đại học Fordham và là chuyên gia về chính phủ Trung Quốc, nói: “Ước mơ truyền thống của Trung Quốc là niềm hy vọng con cái tiến thân nhờ một hệ thống giáo dục tương đối mở, chọn được nhân tài và bình đẳng. Nhưng người dân phẫn nộ khi nhận ra niềm hy vọng ấy đang bị thách thức”.
Ông Tập đã nói sự bất bình đẳng cao độ ở Trung Quốc có thể làm lung lay quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) và chính phủ của ông phải tìm cách kéo giảm sự thất vọng ở các vùng nghèo khó hơn, bằng cách đầu tư mạnh vào dịch vụ công, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Nhưng theo New York Times, lãnh đạo CPC cũng lo ngại sự bỏ mặc tầng lớp trung lưu thành thị ngày càng lớn và ngày càng dám lên tiếng.
Giáo sư Minzner nói: “Câu hỏi là họ sẽ sẵn sàng làm tới đâu để tái phân phối sự ưu tiên mà dân thành thị từng được hưởng, nhiều người trong số này là công chức nhà nước”.
Trong 20 năm qua, chính phủ đã mở hàng trăm trường đại học mới, số sinh viên tăng từ 3,4 triệu sinh viên hồi năm 1998 lên 26,2 triệu sinh viên năm 2015. Nhưng cùng lúc, triển vọng tìm được việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc lại giảm nhiều trong những năm gần đây.Điều này khiến các bậc cha mẹ lo ngại chuyện lãng phí tiền tiết kiệm được của họ phải nộp cho những trường đại học không đạt tiêu chuẩn, và họ tuyệt vọng tìm cách cho con vào trường tốt hơn.
Sự bất mãn “cao khảo” cũng tăng cao. Cuộc thi vào đại học cấp toàn quốc này lấy mô hình thi làm quan của các triều đình Trung Hoa, nhằm mở rộng cửa cho thí sinh có điểm cao đủ để đậu đại học.Những người chỉ trích nói rằng“cao khảo” nay có tác dụng ngược, tăng mạnh sự phân hóa giữa sinh viên thành thị với sinh viên thuộc vùng nông thôn.
Các trường “đỉnh” ở những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Nam Kinh có thể dẫn đến việc làmnhưng các thí sinh rất khó đậu vào.Rất ít sinh viên thuộc vùng nghèo ở các trường này vì họ đậu vào các trường không có nhiều tiền trả lương cho giảng viên giỏi hoặc để trang bị công nghệ hiện đại. Và vì trường ưu tiên thí sinh địa phươngnên các thí sinh vùng nghèo phải ráng đạt điểm thi “cao khảo” cao hơn thí sinh thành thị.
Sida Liu, một nhà xã hội học ở Đại học Toronto, nói đólà “một hệ thống chỉ có lợi cho người có ưu thế, mặc kệ người yếu thế. Nếu không có sự cải thiện các trường ở những khu vực này, tôi không thể kỳ vọng có được bất kỳ sự thay đổi lớn nào về tính bất bình đẳng trong giáo dục ở Trung Quốc”.
Kim Hương (theo New York Times)