'Bản thân tài chính của ta không minh bạch’
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 18:41, 15/06/2016
Đó là nhận định của ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban pháp luậtQuốc hộitại phiên họp thứ 49 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước 2014, tổ chức ngày 15.6.
Nhận định trên xuất phát từ việc nghe báo cáo của một số bộ, ngành về tình hình tài chính của nước ta.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tính đến 31.12.2014, so với GDP thực tế, dư nợ Chính phủ bằng 46,4%, dư nợ ngoài nước của quốc gia bằng 38,3%, nợ công bằng 58%.Theo ông Dũng, năm 2014, về chi trả nợ và viện trợ, Chính phủ dự toán 120.000 tỉ đồng, quyết toán 131.940 tỉ đồng, tăng 11.940 tỉ đồng so với dự toán.
Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũngnêu rằng,về quyết toán thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014, theo báo cáo của Chính phủ là 1.130.609 tỉ đồng, trong đó thu theo dự toán được Quốc hội quyết định là 877.697 tỉ đồng, tăng 12,1% (94.997 tỉ đồng) so với dự toán.Quyết toán chi cân đối NSNN năm 2014 là 1.350.272 tỉ đồng, trong đó chi theo dự toán được Quốc hội quyết định là 1.114.767 tỉ đồng, tăng 10,7% (108.067 tỉ đồng) so với dự toán. Bội chi NSNN là 260.145 tỉ đồng, bằng 6,61%GDP, tăng 36.145 tỉ đồng so với dự toán, trong đó tăng chi từ vốn ngoài nước 36.952 tỉ đồng.
Nghe xong báo cáo, ông Phan Trung Lý cho rằngbáo cáo thì rất hay, nhưng nhận định thì có vấn đề và cần phải xem lại các con số.
“Tại sao tài chính của chúng ta mấy năm trở lại đây cứ đến tháng 5 thì bảo có thể không thu đủ ngân sách, đến tháng 9 lại bảo thu đủ, tháng 10 Quốc hội họp thì thu vượt? Giá dầu thô giảm mà vẫn vượt nhiều như vậy? Tôi rất buồn trước tình trạng thu thì ít, chi thì vượt mức cho phép”, ông Lý nói.
Cũng theo ông Phan Trung Lý, bản thân tài chính của ta không minh bạch, có nhiều khoản để ngoài ngân sách mà không báo cáo.“Đó là chưa tính đến ODA sử dụng thế nào? Ngoại hối sử dụng ra sao khi ngoại hối vẫn để ngoài ngân sách. Cho nên cần nghiêm túc thực hiện đúng Hiến pháp và pháp luật”,ông nói.
Ông Nguyễn Đức Hải -Chủ nhiệm Ủyban Tài chính ngân sách Quốc hội cũng nhận định, một số khoản chi của một số địa phương xây dựng dự toán chưa thực sự căn cứ vào nhiệm vụ thực tế. Dự toán chi đầu tư phát triển không phù hợp với danh mục dự kiến kế hoạch vốn, bố trí vốn cho một số dự án chưa đủ điều kiện, sai nội dung nguồn vốn đầu tư…
“Nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản còn lớn và chưa được quan tâm đúng mức từ trung ương đến không ít địa phương”, ông Hải nói.
Để chứng minh, ông Hải dẫn báo cáo của Kiểm toán nhà nước, qua kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, một số địa phương nợ xây dựng cơ bản là 16.736 tỉ đồng, trong đó các xã đạt chuẩn nông thôn mới nợ 4.448 tỉ đồng.
Theo ông, chi đầu tư xây dựng cơ bản còn hạn chế, sai phạm trong các khâu của quá trình đầu tư vẫn xảy ra nhưng chậm được khắc phục, xử lý chưa kiên quyết, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí. Hầu hết các dự án đầu tư được thanh tra, kiểm toán đều phát hiện có sai phạm.
Phát biểu tại phiên họp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét, tiếp thu ý kiến của các đại biểu về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, Ủy ban Tài chính ngân sách sẽ thẩm tra chính thức. Việc thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước phải đúng hiến pháp, đúng luật.
Trí Lâm