Trung Quốc bành trướng, cả châu Á tăng chi tiêu quốc phòng
Chuyển động - Ngày đăng : 11:25, 06/06/2016
Mới đây, công ty chuyên thu thập và phân tích số liệu về quân sự Jane’s Information Group (gọi tắt Jane’s) đã dự đoán chi tiêu quốc phòng của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng 23% và đạt 533 tỉUSD vào năm 2020, ngang với Bắc Mỹ, khu vực có chi tiêu quốc phòng chiếm một nửa tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu trong thời điểm hiện tại.
Japan Times đánh giá, số liệu của Jane’s đã phản ánh việc Trung Quốc làm mọi cách để mở rộng ảnh hưởng và Mỹ cố gắng duy trì sự thống trị của mình tại Tây Thái Bình Dương đã tác động đến các nước trong khu vực. Các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á, vốn có chi tiêu quốc phòng tương đối thấp và chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng sản phẩm quốc nội GDP. Nhưng giờ đây, các nước đang bắt đầu thay thế các tàu và máy bay lỗi thời của mình bằng những thiết bị mới hơn.
Ông Dan Enstedt, Giám đốc điều hành Công ty sản xuất vũ khí Saab Asia Pacific, cho biết:“Nhiều quốc gia châu Á đang sở hữu những thiết bị cũ kỹvà ngày càng lỗi thời, không còn phù hợp với nhu cầu đảm bảo an ninh đang thay đổi của họ. Tuy nhiên hiện nay, nhu cầu hiện đại hóa trên diện rộng đã xuất hiện ở hầu hết lực lượng vũ trang của các nước”.
Theo số liệu của Viện nghiên cứu Hòa bình thế giới Stockholm SIPRI, trong năm 2015, chi tiêu quân sự ở châu Á và châu Đại Dương, bao gồm Úc và New Zealand, đã tăng 5,4%, vượt xa mức tăng 1% của tổng chi tiêu quân sự toàn cầu. Còn tại khu vực Đông Nam Á, trong năm 2015, chi tiêu quân sự của Indonesia tăng 16%, của Philippines tăng 25% và Việt Nam tăng 7,6%.
Ngoài ra, ông Richard Bitzinger chuyên nghiên cứu việc hiện đại hóa quân đội tại Trường quan hệ quốc tế S. Rajaratnam (Singapore)cũng cho biết:“Xu hướng chi tiêu quân sự của các quốc gia châu Á nói chung đều là tăng, mặc dù nhiều nước có chi tiêu tăng giảm thất thường”.
Đặc biệt, trong bối cảnh Trung Quốc thực hiện hàng loạt hành động đơn phương và nguy hiểm tại các vùng biển tranh chấp, gồm Biển Hoa Đông tranh chấp với Nhật Bản và Biển Đông tranh chấp với nhiều nước Đông Nam Á, thì phần lớn chi tiêu quốc phòng của các quốc gia châu Á đều tập trung vào hải quân và không quân.
Trong Sách trắng quốc phòng công bố vào tháng 2, Úc đã ghi rõ “với việc sức mạnh quốc gia của Trung Quốc đã tăng, trong đó có việc hiện đại hóa quân đội, thì chính sách và hành động của nước này sẽ có tác động lớn đến sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó, một phần tư đầu tư cho quốc phòng của Úc trong thập kỷ tới sẽ tập trung vào việc lực lượng hải quân. Đây sẽ là sự phát triển lực lượng hải quân toàn diện nhất của Úc kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay”.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 2, ông Doug Greenlaw, Phó chủ tịch của Tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin (Mỹ)đã cho biết rằng châu Á chính là thị trường cốt lõi trong chiến lược của công ty. Theo ông, “kinh tế ở châu Á phát triển nhanh hơn phần còn lại của thế giới. Điều này cũng sẽ tác động đến nhu cầu chi tiêu cho quốc phòng. Chúng tôi xem châu Á là một thị trường phát triển và hiện tại chúng tôi đang có mối quan hệ tốt với nhiều quốc gia trong khu vực”.
Tuy nhiên, chi tiêu quốc phòng của các nước vẫn còn ở mức thấp. Theo số liệu của SIPRI, chi tiêu của Philippines trong năm 2015 chỉ chiếm 1,3% GDP, tăng rất ít so với tỷ lệ 1,1% năm 2014; trong khi Việt Nam cũng chỉ giữ mức chi tiêu năm 2015 ở mức 2,3% GDP. Mức chi tiêu quân sự của Trung Quốc, nước được cho là đã khiến các quốc gia châu Á phải tăng chi tiêu, cũng chỉ ở mức 1,9% GDP, thấp hơn mức 3,3% GDP của Mỹ.
Trong năm 2015, mức chi tiêu của Indonesia chỉ chiếm 0,9% GDP, nhưng Tổng thống Joko Widodo đã cam kết sẽ tăng chi tiêu lên 1,5% GDP nếu tăng trưởng kinh tế năm 2016 của Indonesia đạt 6%.
Còn Thái Lan lại là một trường hợp ngoại lệ. Trang Bangkok Post cho biết, chi tiêu quốc phòng của nước này sẽ chiếm 7,3% GDP và chiếm 7,6% tổng ngân sách.
Thiết bị quân sự mà các quốc gia trong khu vực đã mua cũng rất đa dạng và được sản xuất bởi công ty quốc phòng của nhiều nước.
Chi tiêu quốc phòng đã được Thái Lan dùng để mua thiết bị không chỉ từ Mỹ mà còn từ các quốc gia khác, ví dụ như nước này đã mua 12 chiếc máy bay trực thăng vận tải MI-17 của Nga và 4 chiếc máy bay huấn luyện T-50 TH do Hàn Quốc sản xuất. Còn Úc mới đây cũng đã ký một hợp đồng trị giá 50 tỉAUD với tập đoàn DCNS của Pháp, theo đó tập đoàn này sẽ đóng 12 chiếc tàu ngầm mới cho lực lượng hải quân Úc. Ngoài ra, Úc còn đang xem xét hồ sơ dự thầu của các công ty quốc phòng khác cho một hợp đồng đóng 9 tàu chiến trị giá 35 tỉAUD và một hợp đồng đóng 12 tàu tuần tra trị giá 3 tỉAUD. Indonesia, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Singapore, Pakistan và cả Thái Lan cũng đang tự đóng hoặc mua tàu ngầm.
Việc Trung Quốc hiện đại hóa quân đội, trong đó có lực lượng không quân, cộng với việc xây đường băng phi pháp trên các đảo tranh chấp và cho máy bay bay ra đảo cũng đã khiến các nước khác mua thêm máy bay. Ấn Độ đã có đơn hàng mua hàng chục máy bay chiến đấu từ Công ty Dassault Aviation của Pháp. Ngoài ra, các đơn vị khác như Boeing, Lockheed Martin và Saab cũng đang bán máy bay cho Ấn Độ, nhưng con số cụ thể thì không được tiết lộ.
Nhà phân tích Jon Grevatt thuộc Jane’s cho biết:“Trong vòng 5 năm qua, tất cả những tên tuổi quốc phòng lớn như Boeing, BAE, Lockheed Martin, Saab đều đã hiện diện và đẩy mạnh việc kinh doanh thiết bị quân sự của mình tại châu Á - Thái Bình Dương. Tại đây họ không cần phải lo lắng về việc phải xây dựng uy tín hay phải đảm bảo thiết bị họ bán là “chính hãng”, chỉ cần có người mua thì họ sẽ bán”.
Cẩm Bình (theo Japan Times)
Ảnh: Lockheed Martin, tập đoàn quốc phòng tên tuổi của Mỹ, xem châu Á là thị trường cốt lõi trong chiến lược phát triển của công ty.