TS Nguyễn Văn Lạng: 'Cần dùng công nghệ giải quyết các vấn đề xã hội'

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:46, 03/06/2016

Theo TS Nguyễn Văn Lạng, chúng ta đang chấp nhận một cơ chế thị trường, những vấn đề được xã hội, đất nước và nhân dân đặt ra cần được giải quyết bằng các biện pháp công nghệ.

Xoay quanh những khó khăn của ngành KHCNcũng như những giải pháp khắc phục, PV Báo điện tử Một Thế Giới đã có buổi trao đổi cùng TS. Nguyễn Văn Lạng- Chủ tịch Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN.

- Trong chương trình trao giải Giải thưởng Tạ Quang Bửu vừa qua, nhiều nhà khoa học đạt giải cho rằng khó khăn lớn nhất của các nhà khoa học Việt Nam chính là việc thiếu thốn thiết bị, cơ sở vật chất để nghiên cứu. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

TS Nguyễn Văn Lạng: Đây cũng là điều thực tế bởi chúng ta có hệ thống các viện nghiên cứu, các trường Đại học có khá nhiều các phòng thí nghiệm nhưng đa phần đều là những thiết bị đã cũ và không cập nhật được với những công nghệ mới, trong khi thế giới đã đi rất xa trong việc xây dựng các thiết bị trong phòng thí nghiệm.

Bản thân Việt Nam cũng đã có những phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia ở các lĩnh vực khác nhau nhưng đa phần đều bị phân tán, manh mún ở nhiều nơi và không mang đầy đủ ý nghĩa của một phòng thí nghiệm quốc gia. Nhìn chung những phòng thí nghiệm đóchưa được khai thác triệt để, thậm chí có những phòng thí nghiệm gần như không có hiệu quả. Và đây là vấn đề sai sót trong quá trình điều hành.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải có những phòng thí nghiệm hiện đại, phải có những máy móc tiên tiến với những công nghệ mới, mang tính cập nhật cao để Việt Nam giải quyết những bài toán về công nghệ. Trong khi đó chúng ta đang có rất nhiều ý tưởng của giới trẻ, của các nhà khoa học có kinh nghiệm nhưng lại thiếu trầm trọng các phòng thí nghiệm để nghiên cứu mà bản thân họ là những người cần hơn ai hết. Đây chính là vấn đề cần phải xem xét và đầu tư.

- Theo ông, ngoài khó khăn về thiết bị, cơ sở vật chất thì các nhà khoa học Việt Nam còn đang gặp phải những khó khăn gì khiến chúng ta có nhiều Tiến sĩ nhưng lại chưa cho ra được những công trình khoa học thực sự chất lượng và đi sâu vào đời sống thường ngày?

Chúng ta đang chấp nhận một cơ chế thị trường thì trong khoa học chúng ta cũng cần suy nghĩ đến điều này. Những vấn đề được xã hội, đất nước và nhân dân đặt ra cần được giải quyết bằng các biện pháp công nghệ.

Bản thân Việt Nam phải có những hoạch định, những chiến lược phát triển các lĩnh vực; từ đó đặt đầu bài cho các nhà khoa học, các tổ chức khoa học trong và ngoài nước, nhà nước và tư nhân có thể nghiên cứu và trả lời các câu hỏi về công nghệ, kĩ thuật cho lĩnh vực đó. Khi đó, nhà nước, các tổ chức, các bộ ngành, các tập đoàn phải là những người trực tiếp đặt ra đầu bài cho các nhà khoa học và trả chi phí đảm bảo yêu cầu cho họ thì chúng ta mới có thể phát triển được.

Đồng thời, để khoa học phát triển trước hết phải có con người và hiện nay chúng ta đang có đội ngũ làm khoa học khá đông được đào tạo tương đối lớn ở trong nước và quốc tế. Tiếp đến cần cơ sở hạ tầng để làm khoa học công nghệ (các phòng thí nghiệm...), phải có người đặt đầu bài- đây chính là người sẽ thụ hưởng các sản phẩm khoa học công nghệ do các nhà khoa học làm ra và cũng sẽ là người trả chi phí cho các nhà khoa học.

Nếu 3 vấn đề này được giải quyết thì khoa học sẽ phát triển và các nhà khoa học trẻ Việt Nam sẽ có nhiều bước tiến hơn nữa, những người đạt giải thưởng Tạ Quang Bửu nhiều hơn và sẽ có những công trình của Việt Nam nổi tiếng trên thế giới.

- Có quan điểm cho rằng, các nhà khoa học Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các nhà khoa học quốc tế để tiếp cận gần hơn với các CNKH tiên tiến. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Đây là một chân lý bởi trong thời đại toàn cầu hóa, không thể một cá nhân hay một quốc gia có thể làm tất cả mọi việc; trong khi quan trọng nhất của người làm khoa học chính là thông tin trên toàn cầu về công nghệ.

Nhưng để có được thông tin đó, bản thân chúng ta phải cần những trung tâm dữ liệu thông tin, bản đồ công nghệ thế giới và Việt Nam để so sánh, đối chiếu. Vì vậy việc hợp tác quốc tế là vô cùng cần thiết để nhận thấy được cái gì nên làm hoặc không nên làm.

Đồng thời, về mặt nguồn lực, về phương pháp nghiên cứu, hạ tầng kĩ thuật cũng như tài chính cũng rất cần sự hợp tác để cho ra những công trình khoa học, những sáng kiến khoa học thật sự hiệu quả. Đó là những hợp tác không thể bỏ qua trong thời đại toàn cầu hóa.

- Theo ông, nếu hợp tác thì nhà nước có cần phải đưa ra 1 cơ chế cụ thể hay không? Và nếu có, cơ chế đó là gì?

Hiện nay chúng ta đã có những chính sách về công nghệ, về hội nhập, về chuyển giao công nghệ..., những bộ luật hay thông tư. Về mặt pháp lí, nếu có những vấn đề chưa phù hợp thì nhà nước hoàn toàn có thể điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp để đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ.

Ngoài ra, Chính phủ cùng các Bộ ngành cũng nên có sự ủng hộ, “bật đèn xanh” cho quá trình hợp tác thì ngành KHCN của chúng ta sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa. Và trách nhiệm của người quản lí trong việc này là vô cùng quan trọng.

- Ông có những đề xuất gì để thúc đẩy sự phát triển của ngành khoa học Việt Nam nói chung và tăng cường vị thế của các nhà khoa học Việt Nam nói riêng?

Theo tôi, Việt Nam phải trở thành cường quốc của nông nghiệp nhiệt đới với nghĩa rộng, cường quốc về kinh tế biển của thế giới, cường quốc về công nghệ thông tin và phần mềm của thế giới trong đó có việc đào tạo nguồn nhân lực trong công nghệ thông tin và phần mềm.

Nếu Việt Nam đặt mục tiêu như vậy thì KHCN cũng phải đặt mục tiêu tập trung cho 3 lĩnh vực đó và đây chính là lời giải cho việc sản phẩm của Việt Nam sẽ có tiếng nói trên toàn thế giới, ngành khoa học cũng như các nhà khoa học Việt Nam sẽ có một vị thế nhất định.

Xin cảm ơn ông.

Thu Anh (thực hiện)

Ảnh: TSNguyễn Văn Lạng- Chủ tịch Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN

Thu Anh