Ông Goh Chok Tong nhắc khéo Trung Quốc đừng ỷ mạnh ở Biển Đông

Quốc tế - Ngày đăng : 06:41, 31/05/2016

Cựu thủ tướng Singapore Goh Chok Tong nhấn mạnh: Không thể giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông với khái niệm “chân lý thuộc về kẻ mạnh”.

Tân Hoa xã của Trung Quốc ngày 30.5 đã đăng bài viết tố Philippines “dối trá” và “đạo đức giả” trong vụ kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc.

Báo cho rằng Philippines vờ đóng vai nước nhỏ còn Trung Quốc là nước lớn rồi dựng màn kịch Philippines là nạn nhân bị ức hiếp theo kịch bản “David chống Goliath”.

Báo đã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nghêu ngao rằng: “Trung Quốc sẽ không bao giờ dọa nạt nước nhỏ nhưng chúng tôi sẽ không khoan dung cho bất kỳ nước nhỏ nào… làm tổn thương lợi ích của Trung Quốc” (?).

Cùng ngày, báo Nikkei Asian Review (Nhật) đưa tin phát biểu tại hội thảo quốc tế về tương lai châu Á lần thứ 22 do Tập đoàn Nikkei tổ chức tại Tokyo (Nhật), ông Goh Chok Tong, cựu thủ tướng Singapore, nhấn mạnh: Không thể giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông với khái niệm “chân lý thuộc về kẻ mạnh”.

Ông đề cập đến hoạt động bồi đắp xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông cùng hoạt động xây đường băng, cảng và triển khai vũ khí ở đó rồi cảnh báo: “Hậu quả rõ ràng là biển Đông ngày càng được quân sự hóa hơn”.

Ông lưu ý chủ nghĩa dân tộc sẽ làm gia tăng nguy cơ xung đột và nhắc đến tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Ông nhận xét Mỹ sẽ vẫn giữ vai trò tác nhân thế giới có tầm ảnh hưởng nhất trong tương lai gần.

Trên thực tế, hầu hết các quốc gia châu Á đều xem Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nên các nước sẽ phải điều chỉnh khi tính đến sức nặng chiến lược ngày càng tăng của Trung Quốc.

Về kinh tế, Bộ trưởng danh dự cao cấp Goh Chok Tong nhận xét châu Á đang đối mặt với những thử thách mới về duy trì tăng trưởng, ví dụ kinh tế Trung Quốc chỉ đạt GDP 7% hoặc thậm chí thấp hơn.

Theo ông, chìa khóa để đạt tăng trưởng kinh tế là cải cách và tái cấu trúc.

Ví dụ như chương trình cải cách Abenomic của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cùng các hiệp định tự do thương mại như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP - thỏa thuận giữa ASEAN và sáu đối tác gồm Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand).

Ông ghi nhận các thỏa thuận thương mại như thế sẽ tạo ra năng lượng hiệp trợ lớn hơn giữa các nền kinh tế khu vực và tình trạng phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ giúp xây dựng một tầm nhìn chung, một viễn cảnh khu vực.

Ông giải thích: “Đó là lý do tại sao Mỹ phải phê chuẩn TPP… Điều đó sẽ phát đi thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng rằng Mỹ là một quyền lực ở Thái Bình Dương”.

Ông Goh Chok Tong cũng từng nói:Cạnh tranh giữa các cường quốc là điều không thể tránh khỏi nhưng không có nước nào muốn chọn phe giữa Mỹ với Trung Quốc… Tình hình ổn định ở châu Á sẽ phụ thuộc quan hệ Mỹ - Trung. Khu vực châu Á đủ lớn cho mọi nước lớn cùng sống chung hòa bình và giải quyết các vấn đề trên tinh thần xây dựng, không làm gia tăng căng thẳng.

Khôi Việt - TNL (PLO)

Ảnh: Ông Goh Chok Tong phát biểu tại hội thảo quốc tế ở Tokyo ngày 30.5. Ảnh: Nikkei Asian Review

PLO