Người tự ứng cử duy nhất trúng cử ở HN: Số 1 vẫn là lợi ích nhân dân

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:39, 30/05/2016

GS.TS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương là người duy nhất tại Hà Nội tự ứng cử trúng cử ĐBQH.

Xin chúc mừng ông! Cảm xúc của ông khi là người duy nhất tại Hà Nội tự ứng cử được bầu vào QH?

- Sáng nay khi trên đường đi công tác, tôi được bạn bè gọi điện báo tin này. Tôi rất vui, vui hơn nữa khi đến giờ đã nhận được hơn 150 tin nhắn của bạn bè, đồng nghiệp, học trò, một số lãnh đạo..

Đặc biệt có cả tin nhắn của những người hiến máu, những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo may mắn được cứu sống, các bạn tình nguyện viên...

Mọi người đều chúc mừng tôi và hy vọng bằng sự nhiệt tình, tận tâm, chân thành, trách nhiệm như bản chất vốn có, thì tôi sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn trên nghị trường vì sự phát triển của đất nước.

Tôi hiểu những lời chúc đó cũng là sự tín nhiệm, “giao nhiệm vụ” đối với tôi. ”. Nhân đây, tôi xin chân thành cảm ơn những đơn vị và những cá nhân đã tạo mọi điều kiện cho tôi được tham gia ứng cử đại biểu quốc hội một cách bình đẳng và lành mạnh; đặc biệt là các cử tri đã tín nhiệm bầu chọn tôi là đại biểu QH khóa này.

Bản thân mỗi ĐBQH đều có chương trình hành động riêng, vậy khi tham gia QH, ông mong muốn đóng góp điều gì nhất?

- Tôi mang trong mình ba tư cách: Thứ nhất là cán bộ làm công tác quản lý, thứ hai là nhà khoa học về y tế, thứ ba là một GS đại học. Với 3 trọng trách ấy thì chương trình hành động của tôi là tập trung các vấn đề liên quan đến y tế, như làm sao đủ máu, làm sao hạn chế các bệnh bẩm sinh di truyền, điển hình là thalasemia, quan tâm để đưa tế bào gốc trở thành một chương trình quốc gia.

Ngoài ra còn vấn đề y đức, BHYT, thuốc, viện phí, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, đào tạo đội ngũ cán bộ y tế, nhất là bác sĩ... là những vấn đề rất nóng trong các kỳ họp QH.

Tôi đã hứa với cử tri sẽ cố gắng phát huy những kiến thức đã học được trong nước và nước ngoài; kinh nghiệm có được trong quá trình làm Viện trưởng của một viện đầu ngành và làm giám đốc 4 dự án lớn để đưa vào nghị trường những vấn đề sát với thực tiễn.

Tôi cũng sẽ không ngừng học hỏi từ nhân dân, từ cử tri trên tinh thần gần gũi, lắng nghe nghiêm túc, cầu thị và tích cực học hỏi ngay tại diễn đàn QH.

Tôi sẽ năng nổ phát biểu, tích cực chất vấn để chuyển tải tất cả những tâm tư nguyện vọng của những người đã tín nhiệm bầu tôi vào trong các cuộc họp của QH để từ đó biến nó thành luật, thành những quy định có lợi cho nhân dân, đất nước.

Có những ĐBQH ít phát biểu, ít thể hiện chính kiến. Với bản thân ông thì sao?

- Bình thường trong cuộc sống tôi vẫn là người cư xử hết sức đúng mực, nên vào nghị trường, ngại thì không ngại nhưng nói quá mức làm tổn thương người khác thì tôi không bao giờ làm.

Tôi nghĩ mình cần phải lắng nghe, nghiên cứu thật kỹ những vấn đề cần thiết trước khi phát biểu. Nguyên tắc của tôi là phát biểu thẳng thắn nhưng đúng mực, kiên quyết và không lạc đề.

Cũng nói thêm là, ngay sau kho học xong Cao cấp lý luận chính trị, năm 2000 tôi học tiếp ĐH Luật với ý định sẽ ứng cử ĐBQH nhưng suốt những năm qua, vì quá bận công tác quản lý nên sợ tham gia sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ được cả 2 bên nên tôi đã không ứng cử.

Bây giờ mọi việc thuận rồi. Tôi đã gần 59 tuổi, thời gian tới tôi đủ tuổi nghỉ làm Viện trưởng, khi đó tôi sẽ có nhiều thời gian để toàn tâm, toàn ý với các công việc của một ĐBQH.

Khi vào nghị trường QH, có nhiều vấn đề mâu thuẫn giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của nhân dân. Với bản thân ông sẽ cân nhắc những chuyện này như thế nào, ông có ngại va chạm không?

- Tôi quan niệm thế này, cuộc sống không bao giờ hết được mâu thuẫn nhưng vấn đề quan trọng làm sao để hài hoà.

Tôi là một con người kiên quyết, kiên định nhưng khá hài hoà mọi việc nên tôi tin mình làm được.

Với tôi, số 1 vẫn là lợi ích nhân dân. Đó là điều then chốt nhất mà mỗi người khi ứng cử phải cân nhắc xem có dám sống, biết sống và sống được vì lợi ích đó hay không, nếu được thì hãy ứng cử, còn không thì không nên.

Tôi đã thấy, khi phát biểu trên QH, những ý kiến nào hay đều được nhân dân lọc ra, nhận ra được bản chất của người phát biểu.

Kinh nghiệm cho thấy tất cả những ý kiến phát biểu được cho là hay, tâm huyết thì đều là vì nhân dân. Tôi nhận thức điều này rất rõ trước khi tham gia ứng cử ĐBQH.

GS Nguyễn Anh Trí tại buổi vận động hiến máu. Ảnh: Vương Tuấn

Ông đã công tác lâu trong ngành y tế, ngoài những vấn đề y tế nổi cộm như đã nêu, có vấn đề kinh tế, xã hội nào khác khiến ông trăn trở hay không?

- Có rất nhiều nhưng tôi không muốn đề cập vì làm sợ loãng vấn đề, hai là ôm đồm quá. Ôm đồm thì không thực chất. Nhưng bạn đã hỏi thì tôi cũng xin trả lời.

Tôi được đào tạo tại Nhật Bản, được đi học tập, tham quan khá nhiều nước nên cũng đã có rất nhiều trăn trở về nhiều vấn đề của đất nước, như vấn đề chủ quyền Tổ quốc, tham nhũng, lãng phí, ô nhiễm môi trường, quy hoạch đô thị.

Khi vào QH, tùy điều kiện, tôi sẽ học hỏi thêm, lắng nghe nhiều hơn nữa để có thể có những ý kiến đóng góp về những vấn đề trên.

Thúy Hạnh - Vietnamnet

Ảnh: GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Huyết học – Truyền máu Trung ương.

Theo Vietnamnet