Né thuế dù không phạm pháp nhưng vẫn bị lên án ở nhiều nước
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:54, 19/05/2016
Về vụ Hồ sơ Panama, việc mở offshore company hoàn toàn có thể nhằmmục đích kinh doanh đàng hoàng vàhẳn nhiều người trong danh sách 189 cái tên mà Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố thuộc loại này. Tuy nhiên, cókhông ít offshore company được mở ra với mục đích che giấu tài sản hoặc trốn thuế,né thuế.
Chính vì thế,một trong những vấn đề bức thiết đặt ra hiện nay là việc quản lý thuế của cơ quan chức năng.Không chỉ Việt Nam mà ngay cả những nước có hệ thống thực thi pháp luật mạnh cũng đau đầu vì không dễ gì tiếp cận được thông tin của các offshore company ở các “thiên đường thuế”, trừ khi có những vụ như Hồ sơ Panama vừa rồi hay Offshore Leaks mấy năm trước.
Trả lời báo điện tử Một Thế Giới,chuyên gia kinh tế Lê Giang cho rằng, offshore company là một công cụ khá hữu hiệu cho những mục đích trốn thuế, né thuếvới chi phí rẻ, thủ tục đơn giản và đặc biệt là hệ thống pháp luật của các "thiên đường thuế"rất thuận lợi cho mục đích này.
Theo ông Giang, rửa tiền, trốn thuế, chuyển giá rõ ràng là phạm pháp, nhưng ngay cả hành vi né thuế tuy không phạm pháp nhưng cũng bị lên án ở nhiều nước. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều nhân vật giàu có, quyền lực ở các nước bị chỉ trích vì mức thuế trung bình mà họ đóng trên tổng thu nhập thấp hơn nhiều so vớimức thuế bình quân của những người lao động bình thường.
Theo đó, việc người giàu né thuế qua các offshore company chỉ vì họ có khả năng làm như vậy làkhông đúng xét cả về mặt đạo đức và công bằng.Nhiều nhà kinh tế, như 300 người vừa ký tên vào một bức thư ngỏ do Thomas Piketty khởi xướng, cho rằng offshore company và “thiên đường thuế” là những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trên thế giới.
“Về mặt vĩ mô với những nước nghèo như Việt Nam, cất giấu tài sản ở các “thiên đường thuế” còn làm giảm Quỹ tiết kiệm quốc gia, ảnh hưởng tới đầu tư và cán cân thương mại”, ông Giang nhấn mạnh.
Ông Giang cho hay, về giải pháp cho vấn đề né thuế, trước hết Chính phủ cần cải tổ hệ thống thuế để nó minh bạch và công bằng, xem xét lại các mức thuế suất cho hợp lý chứ đừng có quan điểm tận thu.
“Quan trọng hơn, Chính phủ phải chứng minh cho người đóng thuế thấy rằngtiền thuế mà họ đóng góp được chi tiêu đúng chỗ và hiệu quả. Hãy để những người có tiền thấy đóng thuế đầy đủ giúp xây dựng một xã hội công bằng và phát triển, sẽ tạo ra nhiều cơ hội đầu tư hơn và lợi nhuận về lâu dài sẽ vượt xa số tiền thuế mà họ né được thông qua các offshore company”,ông Giang nói.
Cũng theo ông Giang, một điểm nữa là Nhà nước cần khuyến khích và tạo điều kiện cho một nền báo chí tự do và độc lập vì đây là một công cụ vô cùng hữu hiệu lật tẩy những người trốn thuế, né thuế. Hãy nhớ rằng toàn bộ câu chuyện offshore company này chỉ được xã hội biết đếnnhờ ICIJ, một hiệp hội nhà báo độc lập.
Mới đây, Tổng cục Thuế đã có cuộc họp khẩn cấp với các Vụ chức năng và quyết định thành lậpkhẩn Tiểu banđiều tra,nghiên cứu về khả năng trốn thuế của 189 cá nhân, tổ chức có tên trong vụHồ sơ Panama.
Theo đó, bước đầucơ quan thuế sẽ phải làm rõ có dấu hiệu trốn thuế hay không đối với các tổ chức, cá nhân bị nêu tên. Các nghiệp vụ để làm rõ vấn đề này khá phức tạp và đòi hỏi sự huy động của cả hệ thống chính trị, từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước.
Sau đó, tổ công tác sẽ phải làm rõ các mối quan hệ kinh doanh, các giao dịch giữa cá nhân, tổ chức ở Việt Nam liên kết với những cá nhân, tổ chức nào ở bên ngoài, ở những“thiên đường thuế”nào, tính toán sơ đồ tạo ra thu nhập, tìm ra bản chất của phương thức giao dịch này.Trên cơ sở đó, đối chiếu với chính sách pháp luật Việt Nam, tổ sẽ đánh giá mức độ trốn thuế hay không trốn thuế, hay chỉ là lách luật, né thuế... và tìm hiểu động cơ của các cá nhân, tổ chức này.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Trương Quốc Hòe,Công ty Luật Interla cũng nhận định rằng, tình trạng những cá nhân, tổ chức lợi dụng công ty hay quỹ offshore như một công cụ để lách thuế, phạm pháp là một hiện tượngđã và đang xảy ra trên nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo ông Hòe, trên thực tế đã có nhiều cá nhân, tổ chức trên thế giới bị khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự. Ông Hòe cho rằngđể khắc phục được thực trạng này thì cơ quan quản lý Việt Nam cần giải quyết 3 vấn đề sau:
Thứ nhất, điều tra làm rõ đối với những cá nhân tổ chức có dấu hiệu lợi dụng offshore company để vi phạm pháp luật. Qua đó áp dụng chế tài, hình phạt thích đáng nhằm răn đe, hạn chế tội phạm trong lĩnh vực này.
Thứ hai, cần điều chỉnhchế tài xử lý đối với tội phạm về thuế, bởi lẽ hiện nay mức phạt với tội phạm trốn thuế vẫn còn nhẹ, chưa có tính răn đe cao (mức cao nhất 7 năm tù).
Thứ ba, tăng cường giám sát, quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài cũng như các hoạt động chuyển tiền quốc tế tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Trí Lâm