Trung Quốc đang mưu kế gì mà 'chơi trò' cải cách kinh tế ngược?

Quốc tế - Ngày đăng : 10:54, 17/05/2016

Hầu hết các cam kết cải cách kinh tế theo hướng thị trường hóa của chính phủ Trung Quốc đã không được thực hiện, những gì diễn ra còn đang đi ngược lại với những cam kết đó.

Chưa khi nào thế giới lại có cơ hội nhìn nhận nguyên trạng nền kinh tế Trung Quốc một cách rõ ràng hơn thời điểm hiện tại, khi những biến động kinh tế và các chỉ số vĩ mô trong tháng 4.2016 được công bố.

Sau 3 tháng đầu năm được đánh giá là thành công với mức tăng trưởng trung bình 6,7%, kinh tế Trung Quốc đang quay về tình trạng thực. Khi những liều doping tài chính từ phía chính phủ chấm dứt, mọi vấn đề của nền kinh tế số 2 thế giới đã hiện ra rõ ràng hơn. Tuy nhiên, trong hàng loạt các vấn đề như sụt giảm tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng kinh hoàng của nợ xấu, thì vấn đề lớn nhất của kinh tế Trung Quốc hiện nay lại là: nước này đang tiến hành một cuộc cải cách kinh tế ngược chiều với phần còn lại của thế giới.

Quả thực, những aitừng nghĩtốc độ tăng trưởng cao hơn mức6,7%dự kiến mà Trung Quốc đã đạt được trong 3 tháng đầu năm là kết quả của những cải cách kinh tế mà chính phủ nước này đã cam kết, chắc là họ đã nhầm. Những cam kết cải cách trong đó hướng tới các tiêu chuẩn của nền kinh tế thị trường và giảm bớt thói quen điều hành nền kinh tế bằng những mệnh lệnh hành chính của chính phủ Trung Quốc trên thực tế đã không xảy ra. Thậm chí, những diễn biến tại thị trường Trung Quốc đang đi ngược lại với những cam kết đó. Một môi trường đầu tư kinh doanh kém thân thiện và kém thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp cả trong lẫn ngoài nước là điều đang diễn ra trong nền kinh tế Trung Quốc ở thời điểm hiện tại.

Không ví dụ nào chứng minh cho xu hướng phản cải cáchnày hơn là những gì đã xảy ra với tập đoàn công nghệ nổi tiếng Apple của Mỹ. Được xem là con cưng trong giới đầu tư nước ngoài của chính phủ Trung Quốc trong nhiều năm qua, doanh thu tại thị trường Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông, Đài Loan) của Apple chiếm khoảng 1/3 tổng doanh thu toàn cầu, nhưng hãng công nghệ danh tiếng này cũng không tránh khỏi việc lần đầu tiên bị bạc đãi. Hai trong số những dịch vụ có doanh thu lớn nhất tại các cửa hàng ảo của Apple ở thị trường Trung Quốc là iTunes và iBooks đã chính thức bị cấm bởi các cơ quan quản lý nước này cách đây ít ngày.

Những gì xảy ra với Apple là một tín hiệu xấu đối với toàn bộ các tập đoàn và doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư ở Trung Quốc, nó chuyển tải một thông điệp rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không nề hà mạnh tay với tất cả nhà đầu tư nước ngoài. Đến cả Apple cũng đã bị phạtthì chẳng có gì có thể đảm bảo những công ty khác thoát khỏi.

Và nếu có ai cho rằng chính phủ Trung Quốc mạnh tay với các tập đoàn và doanh nghiệp nước ngoàilà để dành những miếng bánh ngon nhất trên thị trường quốc nội cho các DN trong nước, họ lại nhầm một lần nữa. Đúng là một số tập đoàn Trung Quốc đã đủ khả năng sản xuất được các sản phẩm đủ sức thay thế Apple ở thị trường trong nước như Huawei, Xiaomi, Oppo hay Vivo; nhưng việc mạnh tay với Apple cũng không có nghĩa là chính phủ Trung Quốc đang nâng đỡ và ưu đãi các doanh nghiệp tư nhân (DNTN)nướcmình.

Trên thực tế, DNTN đang là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ phía những thay đổi về mặt chính sách của chính phủ Trung Quốc. Các cam kết của thủ tướng Lý Khắc Cường về việc tiếp tục tiến hành các cải cách trong nền kinh tế để thuận lợi hơn cho các DN đã không diễn ra. Ngược lại, các con số thống kê cho thấy một sự bạc đãi lớn từ phía Bắc Kinh với các DNTN trong nước. Đầu tư tài chính của chính phủ Trung Quốc cho khu vực tư nhân đã giảm rất mạnh, chỉ tăng 5,2% trong khoảng thời gian 4 tháng đầu năm 2016. Đó là mức tăng trưởng vốn đầu tư thấp nhất cho khu vực tư nhân kể từ năm 2012, theo báo cáo của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc. Cụ thểtrong vòng 3 năm gần đây, sau khi chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, đầu tư cho khu vực DNTN ở mức 25% trong năm 2013, đến năm 2015 chỉ còn chưa đầy 10% vàhiện tại chỉ còn 5%.

Sự sụt giảm quá nhanh mức đầu tư cho khu vực DNTN đang đe dọa làm giảm tốc độ tăng trưởng và khiến kinh tế Trung Quốc suy yếu, vì đây là khu vực có vai trò quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế. Hiện tại, khu vực DNTN đóng góp trên 50% GDP, tạo ra 1/3 tổng số công ăn việc làm trong nền kinh tế,tạo ra 90% số việc làm tại các đô thị mới, chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2016 thì 60% tổng số các dự án đầu tư trong nền kinh tế Trung Quốc là của các DNTN.

Trái lại với sự sụt giảm đó, mức đầu tư cho khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) Trung Quốc lại đang tăng lên rất nhanh, trong khi đây là bộ phận kinh tế đã được chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ cải cách và tái cơ cấu mạnh mẽ do sự thiếu hiệu quả của mình.

Cụ thể, trong khi mức đầu tư cho khu vực DNTN trong 4 tháng đầu năm chỉ tăng 5,2%, thì mức đầu tư cho khu vực DNNN tại Trung Quốc đã tăng tới 23,7%. Hầu hết các lĩnh vực xuất khẩu được trợ giá nhiều nhất trong thời gian qua, như thép, là những lĩnh vực phần lớn thuộc về các tập đoàn và DNNN. Dễ dàng nhận ra điều này khi mà tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng khác của Trung Quốc giảm sút mạnh trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu thép lại tăng rất nhanh đến mức đe dọa tàn phá cả ngành công nghiệp thép ở liên minh châu Âu (EU).

Phần lớn số tín dụng tài chính trong số 4.600 tỷ nhân dân tệ (tương đương 712 tỷ USD) bơm vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm đều lọt vào tay các tập đoàn và DNNN. Nó là nguyên nhân khiến cho Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng trung bình cao hơn dự đoán là 6,7%, nhưng lại đang khiến các vấn đề tiêu cực trong nền kinh tế tăng nhanh hơn, như nợ xấu, do khả năng sử dụng vốn của các DNNN Trung Quốc không cao.

Nói cách khác, hầu hết các cam kết cải cách kinh tế theo hướng thị trường hóa của chính phủ Trung Quốc đã không được thực hiện, mà những gì diễn ra còn đang đi ngược lại với những cam kết đó. Trung Quốc đang bơm tiền ngày càng nhiều hơn cho khối quốc doanh, trong khi giảm mức đầu tư cho khối DNTN và ngày càng cứng rắn với các DN đầu tư nước ngoài. Đó đều là những động thái ngược với các nguyên tắc kinh tế thị trường và xu hướng cải cách kinh tế trên thế giớivà việc Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu bác bỏ trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc cách đây ít ngày cũng là điều dễ hiểu. Có lẽ cũng chẳng có kết quả nào tốt đẹp dành cho những cuộc cải cách kinh tế ngược cả.

Nhàn Đàm (theo Reuters)

Nhàn Đàm