Một bữa cơm ngon, đủ chất là điều xa xỉ với công nhân
Sự kiện - Ngày đăng : 05:49, 29/08/2015
Với mức lương bèo bọt, một bữa cơm ngon, đủ chất cũng là điều xa xỉ với công nhân.
Trời đã tối hẳn nhưng khu chợ tự phát trước cổng KCX Linh Trung 1 (Quốc lộ 1, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM) vẫn nhộn nhịp người mua kẻ bán. Rất đông công nhân (CN) tranh thủ chút thời gian lúc tan ca để mua thức ăn cho bữa tối. Các gian hàng với những tấm biển như “10.000 đồng/con cá”, “5.000 đồng/bó rau muống”, “5 trái thanh long 10.000 đồng”… rất đông CN đến mua.
Chỉ cần no
Tan ca đã hơn 18 giờ, vừa thấy biển quảng cáo “cá điêu hồng, ba sa 10.000-20.000 đồng/con”, chị Phạm Thị Hồng Hoa (CN một công ty ở KCX Linh Trung 1) nhanh chóng ghé vô. Nhìn một lượt những con cá chết đã lâu, màu nhợt nhạt, chị đắn đo cầm lên lại đặt xuống.
Phải đến 10 phút, chị Hoa mới lựa được một con cá điêu hồng to bằng bàn tay với giá 10.000 đồng. Mua thêm bó rau muống, chị bảo chúng tôi: “Cá chiên với rau luộc là ngon rồi. Với lại, đi làm về trễ, ai cũng mệt nên chẳng thiết ngon dở, miễn sao ăn no để mai có sức đi làm là được”. Chúng tôi ghé thăm phòng trọ của vợ chồng chị Phạm Thị Hà (CN Công ty Dệt Phong Phú, quận 9, TP HCM) gần KCX Linh Trung 1. Trong căn phòng chật hẹp, vợ chồng chị đang chuẩn bị bữa cơm tối. Bữa tối của đôi vợ chồng trẻ đạm bạc hết mức có thể: mâm cơm vỏn vẹn chén canh rau muống và dĩa cải chua xào với mấy miếng lòng heo. “Bữa tối như vậy là tươm tất rồi. Thu nhập của 2 vợ chồng chưa tới 10 triệu đồng/tháng, tụi em còn phải phụng dưỡng cha mẹ hai bên nên lấy nhau lâu rồi mà đến giờ vẫn chưa dám có con” - chị Hà thở dài.
Bữa ăn với anh Nguyễn Văn Toàn (CN Công ty Bao bì Kim loại, KCN Tân Tạo, TP HCM) cũng với tiêu chí no là được. Từ Nghệ An vào TP HCM làm việc đã 10 năm, một mình bươn chải lo cho cả gia đình nên anh chẳng dám nghĩ gì cho bản thân. “Hôm nào công ty tăng ca, tôi cũng xung phong vì vừa có tiền vừa khỏi lo bữa tối; không tăng ca thì ăn tạm mì gói hoặc bánh mì” - anh thổ lộ.
“Điệp khúc” rau - đậu hũ
Bước vào căn phòng trọ nằm gần cổng A, KCN Bắc Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) của anh Nguyễn Văn Thành (quê Thanh Hóa, đang làm cho một công ty chuyên sản xuất linh kiện ô tô), đập vào mắt chúng tôi là một không gian vô cùng chật hẹp (chỉ 7 m2), ẩm thấp và bức bí. Vừa trò chuyện, Thành vừa nấu cơm tối. Bữa cơm chỉ có đậu hũ và rau nên một loáng đã hoàn tất.
Dọn cơm ra, Thành mời tôi cùng dùng bữa. “Em tự nấu ăn để tiết kiệm. Mỗi ngày đi chợ, em chỉ dám mua mớ rau 5.000 đồng, đậu hũ hoặc 2 quả trứng, thịt thì không dám ăn vì đắt” - anh nói.
Vừa ăn cơm, Thành vừa kể về khoảng thời gian xa nhà lập nghiệp. Học hết lớp 12, mẹ mất, anh phải ra Hà Nội làm CN, lương cố định được gần 5 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, Thành phải tằn tiện chi tiêu để có dư 2 triệu đồng gửi về quê nuôi em.
Cũng tại xóm trọ này, chúng tôi gặp Bến, quê Bắc Giang. Dù đã tốt nghiệp đại học nhưng cô phải làm CN cho một doanh nghiệp trong KCN Bắc Thăng Long. Bến mới đi làm tháng đầu, lương thử việc 2,8 triệu đồng/tháng, trừ tiền trọ, tiền ăn thì chẳng còn được bao nhiêu.
“Vì vậy, ngoài bữa trưa tại công ty thì bữa tối của mấy chị cùng phòng chỉ là mấy quả cà, đĩa rau muống luộc và vài miếng đậu hũ chiên. Nhiều hôm em ăn mì gói luôn cho rẻ” - Bến cho biết.
Sơ sài bữa sáng
theo Nhóm PV Người Lao ĐộngBữa ăn chính không đủ chất, bữa ăn sáng đối với CN cũng rất sơ sài. Chị Trần Bích Hạnh, một CN may tại TP Cần Thơ, cho biết chị thường xuyên nhịn ăn sáng. Mỗi ngày, chị dậy từ 5 giờ, đạp xe đến công ty làm việc tới hơn 19 giờ mới về lại phòng trọ, có hôm tăng ca tới 20 giờ. Làm việc cật lực vậy mà tiền lương của chị chỉ được khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. “Nhịn ăn sáng để tiết kiệm, mỗi tháng có dư chút ít gửi về cho ba mẹ ở quê” - chị Hạnh tâm sự.
Với Nguyễn Chí Thanh - một CN thủy sản ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang - món ăn sáng “xa xỉ” nhất của anh là gói xôi giá 3.000-5.000 đồng. Anh cho biết mức lương của CN lột tôm không quá 3,2 triệu đồng/tháng. Để không thiếu hụt, anh phải cân nhắc trước mọi khoản chi. “Cũng nhờ lương ít nên tôi bỏ được thuốc lá” - anh nửa đùa nửa thật.