Vụ sập nhà cổ ở Hà Nội: 'Chắc chả bao giờ dám buôn bán ở đây nữa'
Sự kiện - Ngày đăng : 17:42, 23/09/2015
Lo lắng, nháo nhác, thất thần... là những biểu hiện trên gương mặt của người dân khi chờ được vào lấy vật dụng còn sót lại sau vụ sập biệt thự cổ ở 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội hôm qua 22.9.
Sáng nay 23.9, chúng tôi quay trở lại hiện trường vụ sập biệt thự cổ ở 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Dù đường phố đã được thông xe nhưng những người đi lại trên đường vẫn cố đi chậm lại một chút để nhìn vào khu vực xảy ra vụ tai nạn thương tâm ngày hôm qua 22.9.
Cuộc sống thường nhật chưa trở lại ngay với những người dân sống trong các căn hộ tập thể ngay sát căn biệt thự bị sập khi khu vực hiện trường đang được các lực lượng chức năng ngăn cấm qua lại.
|
Hiện trường vụ sập vẫn đang được các lực lượng chức năng phong tỏa |
Theo lời kể của ông Lê Công Biển- người dân sống tại mé cầu thang khu nhà cổ đã 30 năm nay, trước khi xảy ra vụ sập, không có một dấu hiệu nào bất thường mà chỉ có mấy chỗ tường bị ngấm sau trận mưa to.
"Vụ sập xảy ra quá bất ngờ khiến nhiều người không trở tay kịp. Bây giờ chúng tôi chỉ muốn được chủ động đi nơi khác sống nhưng có rất nhiều vấn đề phát sinh nên đành chờ nhà nước quyết định", ông Biển nói.
Nhớ lại khoảnh khắc khó quên hôm qua, cậu sinh viên 21 tuổi Nguyễn Đức Anh kể lại sự việc trong tâm trạng bàng hoàng, hoang mang: “Trước khi sập, tôi vẫn đang ở trong nhà thì bỗng dưng nghe thấy tiếng ầm ầm, lúc đầu tưởng là sấm nhưng ra ngoài thấy bụi mù, chạy ra ngoài cổng ngõ thì thấy sập hết rồi.
Phản ứng đầu tiên là chỉ biết hô hoán lên cho mọi người cùng chạy ra ngoài chứ không biết làm gì hết. Hôm qua phải đi ra ngoài thuê nhà nghỉ ở tạm, hôm nay quay lại lấy đồ rồi chờ phường sắp xếp cho chuyển lên Định Công ở”.
Sau vụ sập nhà kinh hoàng khiến 2 người tử vong thì toàn bộ hệ thống điện của khu nhà bị cắt để đảm bảo an toàn, dù có nước nhưng người dân cũng không được vào sử dụng khiến cuộc sống của những người ở đây bị đảo lộn.
|
Sáng nay 23.9, nhiều người dân trong khu nhà sập đã nhận được xe của mình |
Cô Ngô Thị Hồng (ở huyện Đông Anh), một người buôn bán lâu năm tại khu chợ cóc gần đó chia sẻ: “Linh tính trong người thế nào, mà khi dọn hàng nghe thấy tiếng “ầm” một cái giống tiếng nổ bình ga, chẳng cần biết thế nào chỉ cắm đầu cắm cổ chạy ra giữa đường.
Hôm qua tôi cũng chẳng ăn uống gì được vì quá hoảng, không nghĩ được gì, chỉ biết ngồi đợi để lấy xe đi về thôi. Đến hôm nay cũng rất may là lấy được hết hàng những chắc chả bao giờ dám buôn bán ở đây nữa, quá sợ rồi!”, cô Hồng nói thêm.
Chị Trần Thị Huyên (sinh năm 1974, ở Lý Nhân, Hà Nam), trọ trong khu tập thể cũng không giấu nổi sự mệt mỏi, thất thần sau một đêm không ngủ. Dù về quê buôn bán có khó khăn nhưng chị vẫn quyết về quê làm ăn chứ không dám tá túc thêm ở trên này.
Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới sáng 23.9 tại 107 Trần Hưng Đạo, người dân vẫn vô cùng lo lắng, sự mệt mỏi, sợ hãi in hằn trên từng gương mặt. Mọi người chờ vào lấy những vật dụng cần thiết như xe cộ đi lại, đồ ăn, quần áo, hàng họ... còn các đồ gia dụng cồng kềnh khác thì đành bỏ.
Ông Đào Xuân Hùng (46 tuổi, một cư dân sinh sống tại khu vực) cho biết: “Nhà cổ này cũng xập xệ lâu rồi, cũng vài chỗ bị nước mưa ngấm nhưng chưa có dấu hiệu rung lắc bao giờ. Nay chỉ mong nhà nước tái định cư cho dân, còn phường cũng có hỗ trợ trong việc cho các gia đình khai báo để được di dời sang khu Định Công”.
“Tối hôm qua phải đi ở nhờ, sáng nay mới ra phường đăng ký nên hiện giờ nhà cửa cũng chưa biết như thế nào. Mong muốn lúc này là chỉ cần có chỗ ăn chỗ ở ổn định để con cái tập trung vào học hành, vợ chồng hoàn thành công việc”, chị Vũ Thị Nga, nhân viên đường sắt Hà Nội bày tỏ.
Hiện tại lực lượng công an cùng với dân quan tự vệ đang giúp bà con chuyển đồ đạc, tài sản ra khỏi đống đổ nát. Đối với những trường hợp cần di dời, UBND phường đã có hướng dẫn người dân lên phường đăng ký để được về tạm cư tại khu Định Công.
Dưới đây là những hình ảnh chúng tôi ghi nhận được tại khu vực xảy ra vụ sập biệt thự cổ:
Một Thế Giới