TP.HCM: Đến năm 2020 sẽ không còn bệnh viện quá tải!
Sự kiện - Ngày đăng : 07:14, 23/01/2016
"Trong năm qua, tình hình quá tải tải các bệnh viện tuyến cuối của TP.HCM đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Các bệnh nhân đã tìm đến các bệnh viện tuyến dưới nhiều hơn, nhất là các bệnh viện quận, huyện cũng như các bệnh viện vệ tinh, khoa vệ tinh, phòng khám vệ tinh… Điều này cho thấy, người bệnh đang bắt đầu tin tưởng vào bệnh viện tuyến dưới nhiều hơn trước”.
TS. BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ như thế với báo chí về việc giảm tải và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của ngành y tế TP hôm 22.1.
Quá tải có dấu hiệu hạ nhiệt
Theo ông Thượng, nếu so với năm 2014 thì năm 2015 số bệnh nhân đến khám, điều trị ngoại trú hay nội trú tại các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của TP đã giảm đáng kể, trong đó nội trú giảm đến 3,1%, còn ngoại trú giảm 2%. Hiện nay chỉ có các bệnh viện đa khoa của TP còn tăng 8% ở điều trị ngoại trú và tăng 2% ở điều trị nội trú. Điều này cho thấy những dấu hiệu quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối đang có dấu hiệu hạ nhiệt.
Một tín hiệu tích cực là các bệnh viện quận, huyện có lượng bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú, nội trú đều tăng lên đáng kể. Thống kê của Sở Y tế TP.HCM cho thấy, trong năm 2015 vừa qua, số lượng bệnh nhân điều trị ngoại trú ở các bệnh viện quận, huyện là 26.898.977 lượt, tăng 1% so với năm trước; đặc biệt ở khối điều trị nội trú lên đến 349.159 lượt, tăng 3% so với năm trước.
Sở dĩ lượng bệnh nhân ở các bệnh viện tuyến quận, huyện tăng, nhất là ở khối điều trị nội trú, theo ông Thượng là do các bệnh viện đã giảm đáng kể lượng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên. Nhiều bệnh viện quận, huyện có tỷ lệ chuyển tuyến giảm khá cao như: Bệnh viện Gò Vấp giảm đến 40%, Bệnh viện quận 11 giảm 31%, Bệnh viện quận 2 giảm 22%, Bệnh viện quận Thủ Đức giảm 12%, Bệnh viện quận 12 giảm 6%...
Hình ảnh bệnh nhân phải nằm điều trị ngoài hành lang sẽ được chấm dứt vào năm 2020 |
“Không phải trong năm qua, các bệnh viện này tiếp nhận những bệnh nhẹ nhiều hơn so với năm trước nên tỷ lệ chuyển tuyến giảm mà do các bệnh viện quận, huyện đã đầu tư trang thiết bị hiện đại cũng như đội ngũ y bác sĩ được nâng cao tay nghề nên đã mạnh dạn điều trị những bệnh mà trước đây không dám giữ lại. Tôi lấy ví dụ như ở khoa Nhi, Bệnh viện quận Bình Tân trước đây những trẻ mắc sốt xuất huyết hay tay chân miệng phải nhập viện là bệnh viện này gần như phải chuyển lên tuyến trên, nhưng giờ đã có thể giữ lại những bệnh nhân này điều trị một cách hiệu quả”, ông Thượng lý giải.
Cũng theo ông Thượng mục tiêu của ngành y tế TP là phấn đấu đến năm 2020 các bệnh viện tuyến cuối không vượt quá 100% công suất giường bệnh; còn các bệnh viện quận, huyện phải đạt công suất giường bệnh từ 80% trở lên.
“Điều này đồng nghĩa với việc đến năm 2020, các bệnh viện tuyến cuối của TP sẽ không còn bệnh viện nào có bệnh nhân nằm ghép, không còn tình trạng quá tải”, ông Thượng nói.
10 giải pháp giảm tải căn cơ
Ông Thượng cho hay, để thực hiện việc giảm tải một cách căn cơ và đạt được mục tiêu đã đề ra, Sở Y tế TP đã đưa ra 10 giải pháp cụ thể để giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối.
Trong 10 giải pháp, ngoài những giải pháp có tính tạm thời như: triển khai và phát triển phòng khám vệ tinh, khoa vệ tinh, bệnh viện vệ tinh; tăng cường thông tin, tuyên truyền cho người dân biết bệnh viện quận, huyện, bệnh viện tỉnh đã phát triển tốt năng lực khám chữa bệnh; luân phiên bác sĩ ở bệnh viện TP về bệnh viện quận, huyện và bệnh viện quận, huyện về trạm y tế xã, phường; giải pháp ngay tại bệnh viện (tăng bàn khám, tăng thêm giờ, đẩy mạnh điều trị ngoại trú…); tăng cường phối hợp công - tư; triển khai quy trình phản ứng nhanh; tăng năng lực khám chữa bệnh tuyến cơ sở… còn có những giải pháp lâu dài như: tăng thêm số giường bệnh và chất lượng giường bệnh; tăng số lượng và năng lực nguồn nhân lực y tế; bệnh viện các tỉnh khu vực phía Nam phải phát triển đồng bộ…
Sở Y tế TP.HCM cũng đã chuẩn bị sẵn sàng một lực lượng cán bộ y tế có chuyên môn cao để đáp ứng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh. |
Theo ông Thượng, hiện TP đang tập trung xây dựng mới và cải tạo nhiều bệnh viện cũ. Một số bệnh viện cũng đang chuẩn bị triển khai nâng cấp cơ sở hạ tầng như: Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương…
Song song đó là 2 bệnh viện Nhi đồng TP và Ung Bướu cơ sở 2 với khoảng 2.000 giường bệnh cũng đang và sẽ xây dựng để kịp hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
Để đáp ứng nguồn nhân lực cho hàng loạt các cơ sở y tế chuẩn bị ra đời, ông Thượng cho biết, Sở Y tế đang chuẩn bị một lực lượng cán bộ y tế khá hùng hậu sẵn sàng xuất quân. Trong đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 đang đào tạo khoảng 200 y bác sĩ để sẵn sàng đưa về công tác tại Bệnh viện Nhi đồng TP sau khi bệnh viện này đưa vào hoạt động.
"Mục tiêu của ngành y tế TP đến năm 2020, tất cả các trạm y tế xã, phường phải có ít nhất 2 bác sĩ. Chúng tôi sẽ tăng quy mô đào tạo bác sĩ của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chỉ cần vài năm nữa, mỗi năm TP sẽ có thêm 1.000 bác sĩ mới tốt nghiệp. Lúc đó, TP sẽ không lo ngại về việc thiếu bác sĩ. Đồng thời, ngành y tế cũng sẽ chuẩn hóa năng lực chuyên môn bác sĩ. Các bác sĩ đang công tác tại các cơ sở khám chữa bệnh được đào tạo sau đại học theo hệ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2”, ông Thượng chia sẻ.
Hồ Quang