“Mẹ ơi, Tết này con không về!”
Sự kiện - Ngày đăng : 07:00, 07/02/2016
Khác với ngày thường, khu nhà trọ lúc nào cũng râm ran tiếng cười nói của khá đông sinh viên thì những ngày này, khu phòng trọ trở nên vắng tanh, không một tiếng người.
Trò chuyện cùng Mai, tôi mới biết đã 2 năm nay cô không về quê ăn Tết và cũng rất hiếm có dịp đoàn tụ cùng gia đình. Nhớ lại những ngày đầu lên thành phố học tập, lúc nào Mai cũng khóc vì nhớ nhà. Nhưng qua 3 năm học, cùng những khoảng thời gian đi làm thêm đã khiến cho cô sinh viên nhỏ bé trở nên cứng rắn, trưởng thành hơn so với bạn bè cùng trang lứa.
“Đi học xa nhà, ai cũng muốn được về quê trong dịp Tết. Cả năm có mỗi một dịp đoàn viên nên mình cũng nôn nao lắm nhưng không sao về được. Bây giờ về quê là phải lo bao nhiêu thứ tiền, tiền tàu xe về Hà Tĩnh cả đi và về cũng mất cả triệu bạc. Trong khi, ở Hà Nội vài chục nghìn đồng cũng thấy quý”, Mai chia sẻ về những khó khăn của mình khi quyết định không về quê đón Tết cùng cha mẹ.
Nói đến đây, khóe mắt cô gái trẻ dường như đã ươn ướt. Mai tâm sự: “Mỗi lần về Tết, bố mẹ em lại chạy vạy lo cho em hết tiền tàu xe, rồi đến tiền ăn học… Nhìn bố mẹ vất vả, em không cầm lòng được nên 2 năm nay em quyết định ở lại Hà Nội đón Tết”.
Nhớ lại cái Tết đầu tiên xa nhà, Mai bùi ngùi kể: “Vì mới xa quê, lại không được ở gần gia đình nên năm đó hầu như hôm nào em cũng khóc. Cứ đi ra đi vào mà không biết làm gì, thỉnh thoảng lại lấy vài tấm ảnh gia đình ra xem. Xem rồi lại khóc. Thật sự là rất nhớ bố mẹ!”.
Những ngày cuối năm, xóm trọ giờ đã vắng người nên Mai thường dành thời gian rảnh rỗi ít ỏi để cùng một số bạn bè đi chơi. “Thời gian đi làm tương đối kín nên ngày Tết em cũng chỉ ăn cơm qua loa, có khi chỉ ăn mì tôm cho qua bữa thôi chứ bày vẽ ra lại tốn kém”, Mai nói thêm.
Sinh ra trong một gia đình nông dân thuần túy, cha mẹ quanh năm làm lụng vất vả, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, Mai là con gái lớn trong nhà nên đã sớm tự lập, tự kiếm tiền nuôi bản thân. Nhưng khi nhìn thấy bạn bè mua sắm đồ Tết, nhà nhà đoàn tụ, cô gái nghị lực này cũng không ngăn được dòng nước mắt.
Mai kể thêm: “Trong đêm giao thừa, em gọi điện và nói chuyện với mẹ rất lâu, chỉ mong sao bố mẹ và các em vẫn khỏe, nghe thấy không khí Tết qua sóng điện thoại cũng thấy vui và vơi đi nỗi nhớ nhà”.
“Nhưng năm nào em cũng thấy có lỗi với mẹ. Trước Tết 1 tháng mẹ thường gọi điện hỏi có về hay không nhưng lần nào em cũng nói chưa biết. Sau đó, đến sáng ngày cuối năm em mới gọi và nói: "Mẹ ơi, Tết này con không về". Lúc đó, mẹ chỉ động viên nhưng em biết mẹ buồn lắm”, từng lời nói của Mai chứa tâm sự.
Những ngày Tết ở lại Hà Nội, ban ngày Mai đi làm giúp việc nhà cho một gia đình, thù lao cũng khá. Không những thế, mỗi dịp Tết đến, cô sinh viên nhỏ nhắn lại cùng vài người bạn tự tay làm thêm vài loại mứt, bán lấy tiền ăn học. Theo Mai, Tết là thời điểm tốt nhất để có cơ hội trải nghiệm nhiều nghề mới.
“Dù số tiền kiếm được không quá nhiều nhưng cũng đủ trang trải thêm cho học kỳ sau. Cái Tết đầu tiên xa quê, em chỉ mong kiếm được thật nhiều tiền để gửi về quê, phụ thêm bố mẹ sắm đồ đón Tết”, Mai ngậm ngùi chia sẻ.
Nhìn những sinh viên ăn mặc tươm tất bước lên giảng đường, ít người có thể hình dung hết cuộc sống vô vàn khó khăn của họ. Những ngày cận Tết, khi mọi người đã đoàn tụ bên gia đình, bên nồi bánh chưng đỏ lửa... thì đâu đó vẫn có những bạn trẻ như Mai, chăm chỉ làm việc với mong ước đơn giản là đỡ đần phần nào cho gia đình, cũng là để quên đi nỗi nhớ nhà đang âm ỉ trong lòng.
Thu Anh