Kỳ 7 - “Anh cả Trường Sơn” Vĩnh Lộc với cuộc tình trên phố núi cao

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 04:59, 25/11/2014

Đêm 28.5.1964, đường phố Đà Lạt thấp thoáng bóng nhiều chiếc xe jeep gắn sao đỏ di chuyển về hướng dinh số 3. Có nhiều dấu hiệu rất rõ về sự hiện diện bất ngờ của khá đông các tướng  tá từ Sài Gòn lên.

Kết thúc nghi án năm tướng Đà Lạt “trung lập”

Trần Văn Đôn lúc đó cùng em rể là trung tướng Lê Văn Kim được đưa từ Đà Nẵng về quản thúc tại nhà riêng số 16 đường Lê Thái Tổ, Đà Lạt. Khoảng mười một giờ rưỡi khuya hôm đó, an ninh quân đội đến “mời” hai ông Đôn và Kim ra xe, đưa về dinh 3. Ở đó, 4 tướng “Đôn-Đính-Kim-Xuân” (và Vỹ) bị tình nghi “trung lập” được đưa ra đối chất trước hội đồng tướng lĩnh ngồi xoay quanh theo hình chữ U.
Trần Văn Đôn được đưa vào phòng họp lúc …1 giờ sáng 29.5! Ông Đôn kể: “Bước vào thật là buồn rầu, bỡ ngỡ. Trước mặt tôi là các tướng tá: Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Đỗ Cao Trí, Phạm Xuân Chiểu, Dương Văn Đức, Lâm Văn Phát, Đỗ Mậu, Tôn Thất Xứng, Nguyễn Chánh Thi, Dương Ngọc Lắm, Trần Tử Oai, Lê Văn Nghiêm, Nguyễn Cao Kỳ (đến buổi sáng sau). Chung Tấn Cang, các đại tá: Trần Thanh Bền, Nguyễn Mộng Bích, Lê Văn Nhiêu. Tôi ngồi ở giữa, họ ngồi chung quanh…”.

Sau 4 tháng bắt giữ vì bị nghi “trung lập”, đến lúc đưa ra xét hỏi chẳng thấy nhắc tới hai tiếng “trung lập” chi cả, chỉ loanh quanh mấy chuyện gì đâu kéo tận tới 6 giờ rưỡi sáng . Nguyễn Chánh Thi cứ lôi chuyện bà Ngô Đình Nhu hỏi Đôn: “Tại sao trung tướng trả các con của bà Nhu lại mà không giữ làm con tin để đòi trao đổi tiền bạc của nhà Nhu?”. Trần Văn Đôn viết là ông đã trả lời ông Thi một cách “bình tĩnh, ôn tồn” như sau:

-          Sau cái chết của hai ông Diệm – Nhu dư luận trong và ngoài nước đều xúc động nên đại sứ Cabot Lodge có yêu cầu chúng tôi trả con của bà Nhu lại cho bà ta để làm dịu bớt tinh thần dân chúng Mỹ đang xúc động.

Ông Đôn bảo là đã trình lên hội đồng quân nhân đảo chính trước khi các con bà Nhu lên máy bay ra nước ngoài và hội đồng chấp thuận. Sau những thẩm vấn đại loại như vậy, các tướng gác chuyện bà Nhu sang một bên và trao cho Trần Văn Đôn một danh sách dài thượt gồm tên họ các bà các cô và bảo: - Có phải đây là tên họ các nhân tình của anh? Chúng tôi nhận thấy anh thiếu tác phong. Chúng tôi nghỉ 15 phút để anh coi cho kỹ rồi trả lời.

Thật lạ lùng. “Hội đồng xét hỏi” đưa ra danh sách các bà các cô xem chừng chẳng dính dáng gì tới “nghi án chính trị”? Ông Đôn đọc qua; khi trở lại phiên họp, trả lời rằng “một số tên đúng” là nhân tình của ông ta, “một số tên chưa hề quen biết”, có thể là nhân tình của ai đó đang ngồi đây? Cả phòng họp cười ồ. Tướng Đỗ Cao Trí bảo hỏi chuyện đời tư nghe “xấu hổ quá” : - Nếu ngày nào tôi ngồi vào ghế của trung tướng Đôn thì không phải là một tờ giấy như vậy mà là chở một xe GMC!

Ý ông Trí bảo nếu có điều kiện như ông Đôn, danh sách tình nhân của ông ta chép trên giấy nhiều tới nỗi phải dùng xe quân sự loại lớn mới tải hết!

Ngoài “Đôn-Đính-Kim-Xuân”, tướng Nguyễn Văn Vỹ cũng bị xét hỏi, và kết quả rất chung chung cho 5 người là: “Chưa dứt khoát tư tưởng”, “thiếu lãnh đạo chỉ huy”, kèm theo mục bồ bịch lung tung gọi là “thiếu tác phong”. Rồi tuyên bố…trả tự do! Ưa thì bắt. Ưa thì thả. Chuyện như đùa, xét hỏi như đùa. Đôn than: “Tôi ngủ một đêm tự do sau 4 tháng “đi nghỉ mát” ở biển và cao nguyên. Qua ngày chủ nhật 31.5, tất cả gia đình tôi đoàn tụ ở Đà Lạt sau 4 tháng đen tối nhất của đời tôi”.

Vụ “nghi án” 5 tướng Đà Lạt “trung lập” khép lại hồ sơ từ đó. Đường binh nghiệp của họ cũng dần khép theo, một khung cửa hẹp mở ra để Trần Văn Đôn bước vào chính trường theo con đường khác, sau này…

Bộ sưu tập “ảnh lạ cao nguyên” xẻ làm ba mảnh, vì đâu?

Hoi ky, tuong ta, Sai Gon, Vinh Loc, cuoc tinh
Trung tướng Vĩnh Lộc
Không chỉ ông Đôn bị lôi chuyện bồ bịch đời tư vào “chương trình nghị sự” mà nhiều tướng tá Sài Gòn khác như “anh cả Trường Sơn” Vĩnh Lộc cũng bị vướng. Gọi “anh cả Trường Sơn” vì theo làng báo thời đó, ông Lộc tuy thuộc hàng VIP. KK nhưng có máu văn nghệ, bỏ tiền thực hiện bộ phim Anh cả Trường Sơn và nhảy vào đóng phim đó luôn!

Thuộc hoàng phái, từng làm việc trong văn phòng Bảo Đại, đến thời ông Diệm suốt 10 năm trong quân vụ ông chỉ lên được một cấp: trung tá chỉ huy trưởng một trung tâm huấn luyện nằm sát Sài Gòn. Chế độ Diệm đổ, thời Thiệu – Kỳ chớm lên, Vĩnh Lộc làm Tư lệnh Vùng II chiến thuật đóng tại “phố núi cao” Pleiku. Vĩnh Lộc thường sai viên sĩ quan tùy viên của mình về Sài Gòn rủ một số văn nghệ sĩ , ký giả, và dĩ nhiên vài “người đẹp hậu phương’ lên cao nguyên chơi vào cuối tuần. Qua sáng thứ  hai, dùng máy bay quân sự chở họ về Sài Gòn.

Những chuyến bay “văn nghệ tiền tuyến” đó nối chặt cuộc tình “anh cả Trường Sơn” với cô ca sĩ nổi tiếng của Sài Gòn thời đó: Minh H.

Ca sĩ H. là “người vợ không bao giờ cưới” của nhạc sĩ T.T.T, tác giả của các nhạc phẩm viết về chân trời tím, và tình thư của lính…

Khi mối tình vụng trộm của “anh cả” và ca sĩ H. chín mọng, vừa lúc Thiệu và Kỳ hục hặc nhau nặng và Thiệu muốn hất Kỳ thẳng tay. Vì vậy khi nghe em út dèm pha rằng nhóm văn nghệ sĩ hay lên Pleiku “giao duyên” với Vĩnh Lộc là nhóm của Kỳ, cánh Thiệu nhất định không để yên cho “sinh hoạt văn nghệ” đó. Họ tìm cách chụp lén hình tướng Lộc và ca sĩ H. ăn nằm âu yếm nhau góp lại làm một “sưu tập”. Sau đó chia làm 3 phần. Một phần đưa lên mặt báo. Một phần gửi cho người vợ lớn của ông Lộc có nhà nằm trong khu đất Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn. Phần còn lại gửi cho người chồng “chưa cưới” của ca sĩ H. là nhạc sĩ T.

Riêng hai phần sau có kèm theo mấy cuốn băng ghi âm những lời thề thốt “yêu ai yêu cả một đời” của họ. Việc gì xảy ra sau đó? Theo dân làng báo thời bấy giờ, sau khi xem ảnh và nghe xong băng, vợ “anh cả Lộc” nổi cơn ghen ngút trời. Nhạc sĩ T. lận súng lên tận biệt điện Phượng Hoàng đòi bắn  ca sĩ H. Chuyện còn dài nhưng xin ngừng nơi đây. Tờ Quật Cường do ông Thiệu cùng nhóm vây cánh của ông ta – phối hợp với các “diễn đàn” khác – bôi nhọ Vĩnh Lộc, triệt hạ uy tín những người bị nghi là thuộc phe Nguyễn Cao Kỳ, bằng cách moi móc chuyện phòng the làm cho phải ngượng nghịu trước “quân dân bốn vùng chiến thuật”.

Bộ sưu tầm ảnh phải “xẻ làm ba mảnh” vì như thế. Cũng cần nhắc việc xích mích giữa Vĩnh Lộc với cố vấn Mỹ Palmer mà chúng tôi có nói qua trong bài viết về chuyến hàng thuốc phiện ở sân bay Pleiku. Theo Vĩnh Lộc: “Ông Palmer trịch thượng, xem thường chức vụ của tôi. Nhiều khi ông ấy hành động như là muốn sai khiến tôi thế nào cũng được. Vì muốn giữ thể diện, nên đôi khi ông ấy làm quá, tôi phải tỏ thái độ”.

Nhưng Thiệu – Kỳ thì khác, họ muốn vâng lời, vâng lời và vâng lời đã! Vĩnh Lộc đã khều Nguyễn Chánh Thi ra xa Thiệu – Kỳ sau một cuộc họp tại cao nguyên và thẳng thừng mắng: “Tụi nó chó má chưa! Chỉ đi theo quan thầy thôi. Thôi thì trăm sự nhờ “ainé” cả”. Ông Thi xác nhận đó là nguyên văn lời Vĩnh Lộc. Nhưng một năm sau, trong nhóm “quan tòa” xử Nguyễn Chánh Thi ngoài Thiệu – Kỳ - Có – Viên trong chuyến máy bay chở thuốc phiện tháng 9.1965 có…Vĩnh Lộc ngồi chung, và là người đầu tiên cao giọng chỉ trích Thi! Ông Thi viết một cách cay đắng:

-          Bây giờ trong hàng ngũ quan tòa xử tội tôi, tôi chua chát thấy Vĩnh Lộc ngồi chung với bọn “chó má”. Giá ông ta không có thái độ gay gắt, có khi tôi vẫn tin rằng ông ta lẫn lộn với bọn “chó má” chẳng qua chỉ vì vạn bất đắc dĩ mà thôi”.

Thi bị gạt vào Sài Gòn họp và bị bắt giữ bất ngờ. Những người tưởng “tướng tá anh em” đã xử ông tội gì? (còn nữa...)

Mai Nguyễn

 

Một Thế Giới