Thừa nhận khó khăn, công ty của bầu Đức xin cơ chế nhập đường từ Lào
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 05:43, 04/05/2016
Công ty TNHH MTV Kinh doanh Xuất nhập khẩu Hoàng Anh Gia Lai, vừa có công văn gửi cơ quan hải quan về việc tháo gỡ khó khăn cho sản phẩm đường từ Lào về Việt Nam của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Công ty TNHH MTV Kinh doanh Xuất nhập khẩu Hoàng Anh Gia Lai là công ty thành viên thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), chuyên làm nhiệm vụ nhập các mặt hàng do HAGL đầu tư, sản xuất tại Lào và Campuchia về tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Vừa qua, Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan cho HAGL nhập sản phẩm đường mía do Tập đoàn này sản xuất tại Attapeu (Lào) về Việt Nam.
Tuy nhiên, công ty này cho biết, hiện đang gặp khó khăn khi xác định thuế nhập khẩu đường mía từ Lào về Việt Nam. Theo hướng dẫn của Cục Hải quan Gia Lai - Kontum thì để được hưởng thuế suất nhập khẩu 2,5%, công ty phải được cấp hạn ngạch nhập khẩu. Nếu không có hạn ngạch thì sẽ phải chịu thuế suất 85%.
“Việc nhập khẩu đường mía của công ty thực hiện theo Hiệp định thương mại biên giới Lào - Việt, do đó không cần phải cấp hạn ngạch vẫn được ưu đãi thuế suất nhập khẩu 0%”, văn bản cho hay.
Theo văn bản, do hiện nay chưa có Thông tư hướng dẫn của liên Bộ về thủ tục thực hiện thuế nhập khẩu đường mía theo Hiệp định thương mại biên giới nên Cục Hải quan Gia Lai - Kontum chưa có cơ sở áp dụng mức thuế 0% đối với mặt hàng đường mía do công ty nhập từ Lào. Cục Hải quan Gia Lai - Kontum vẫn yêu cầu HAGL phải nộp 85% thuế thì mới được thông quan.
“Hiện nay, tập đoàn HAGL đang gặp rất nhiều khó khăn về dòng tiền hoạt động đầu tư và kinh doanh. Vì vậy, trong khi chờ văn bản hướng dẫn, đề nghị Tổng cục Hải quan cho công ty thông quan mặt hàng này với thuế suất 0% hoặc tạm nộp thuế nhập khẩu 2,5%”, văn bản do Giám đốc công ty thành viên HAGL ký cho biết.
Theo Hiệp định thương mại song phương Việt - Lào ký tháng 3.2015, mặt hàng đường xuất xứ từ Lào được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu là 2,5%. Khi đàm phán Hiệp định thương mại biên giới Việt - Lào, phía Lào đề nghị dành ưu đãi thuế suất 0% cho mặt hàng này. Trước đề nghị đó, Bộ Công thương đã đề xuất lên Thủ tướng đưa mặt hàng đường từ Lào không phải chịu thuế nhập khẩu.
Lý giải cho đề xuất này, Bộ Công Thương từng cho biết, đến năm 2018 thuế suất mặt hàng đường sẽ bị xóa bỏ theo cam kết của ATIGA. Do vậy thời gian để đường từ Lào vào Việt Nam hưởng thuế 0% chỉ còn vài năm và xét theo mối quan hệ gắn bó của 2 quốc gia, việc bỏ thuế hiện nay là phù hợp.
Trong năm 2015, Bộ Công Thương đã có đề xuất lên Chính phủ cho nhập khẩu 50.000 tấn đường do HAGL sản xuất từ Lào vào Việt Nam với thuế suất 0%. Điều này từng làm dấy lên làn sóng phản đối trong Hiệp hội Mía đường Việt Nam bởi giá thành đường của HAGL sản xuất tại Lào chỉ bằng khoảng 1/4 giá của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc cho nhập đường từ nước ngoài về được xem là “phép thử” đối với ngành mía đường Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp trong ngành sẽ gặp khó khăn dẫn đến thua lỗ hoặc buộc phải cạnh tranh để nâng chất lượng và giảm giá thành.
Trao đổi quan điểm về vấn đề này, Bộ Công Thương từng cho rằng ngành đường thiếu sức cạnh tranh, chi phí sản xuất cao nên giá thành cao, nguyên nhân là do dựa vào bảo hộ. Trong khi đó, phía Hiệp hội Mía đường cho rằng chính sách xuất nhập khẩu đường có bất cập, chỉ phục vụ lợi ích nhóm, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.
Phương Dung - Dân Trí
Ảnh:Đầu tư vào nông nghiệp từ năm 2008, chỉ riêng mía đường, bầu Đức đã đầu tư khoảng 90 triệu USD (hơn 1.800 tỉđồng).