Còn chợ đen vũ khí, bóng ma IS còn đe dọa tấn công các nước

Quốc tế - Ngày đăng : 16:44, 16/11/2015

Báo Guardian (Anh) nêu bóng ma IS còn đe dọa tấn công Pháp nhiều nữa. Từ chuyện nhiều nơi ở Paris bị khủng bố đêm 13.11 cho thấy việc kiểm soát vũ khí của Pháp “có vấn đề”, cụ thể là không kiểm soát được chợ đen vũ khí.

Dù Pháp có luật kiểm soát vũ khí khá chặt, nhưng biên giới châu Âu nhiều “lỗ thủng” khiến Pháp khó thể kiểm soát dòng vũ khí tuồn lậu vào, do đó bọn tội phạm, khủng bố rất dễ kiếm súng lậu ở chợ đen.

Các loại súng tấn công đã được những băng đảng đường phố sử dụng, bọn cực đoan từng dùng súng tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng 1.2015, tấn công một trường học dành cho người Do Thái; hoặc vụ lính dù bắn loạn xạ ở thành phố Toulouse (miền nam Pháp) hồi năm 2012.

Bọn tấn công khủng bố vẫn có thể dễ dàng kiếm được áo đeo bom tự sát. Một cựu chỉ huy tình báo Pháp giấu tên nói: “Áo tự sát cần phải có chuyên gia về đạn dược. Để tạo một kiểu áo tin cậy và nổ hiệu quả thì không phải ai cũng có thể làm được”. 
Ông nói thêm: “Một chuyên gia đạn dược là người quen xử lý chất nổ, biết cách tạo bom, thu xếp để áo tự sát hoặc đai bom không quá chặt bởi chặt sẽ khiến kẻ đeo nó không thể di chuyển. Và quan trọng là nó không nổ ngoài ý muốn”.

Và kẻ làm bom có lẽ không tham gia vụ thảm sát vừa rồi, vậy thì hắn có thể lập thêm những vụ tấn công khác trong tương lai.   

Ông Alain Chouet, cựu Giám đốc Cục An ninh Pháp (DGSE, cơ quan phản gián Pháp) nói: ”Chuyên gia chất nổ rất hiếm. Hắn không bao giờ tham gia các cuộc tấn công, nên hắn ở quanh đâu đó thôi”.  

Ngay cả khi an ninh Pháp có thể truy ra tên tạo áo bom tự sát, họ cũng sẽ phải chịu thử thách là cắt dòng vũ khí tuồn lậu cho bọn  tấn công khủng bố.

Sau vụ đánh bom trạm xe điện ngầm và xe lửa ở Paris năm 1995, Pháp siết chặt kiểm soát vũ khí, rồi siết lần nữa năm 2012 khi gã Mohammed Merah bắn loạn ở Toulouse, giết 7 người gồm 3 học sinh Do Thái.

Súng quân dụng tấn công bị cấm ở Pháp, người dân muốn sở hữu súng ngắn hoặc súng săn đều bị kiểm tra kỹ về nhân thân và sức khỏe tâm thần.

Nhưng vài năm nay, chợ đen vũ khí nở rộ, số vũ khí lậu tăng với tốc độ chóng mặt trong nhiều năm, theo Cục Giám sát tội phạm quốc gia (lập năm 2003).

Sau vụ tấn công ở Toulouse, một phát ngôn viên cảnh sát nói với hãng tin Reuters: “Ở Marseille và vùng phụ cận, hầu hết những vụ thanh toán đều sử dụng súng quân dụng”. Ông nói thêm súng AK là vũ khí bọn chúng ưa thích: “Nếu bạn không có AK thì bạn như một kẻ thất bại”.

8 tên khủng bố IS tấn công Paris và vụ kẻ cuồng tín tấn công báo Charlie Hebdo đều dùng súng AK giết chết các nạn nhân. Số súng này có thể được nhập lậu từ Đông Âu.

Bọn tấn công tòa soạn Charlie Hebdo mua AK từ một tên buôn vũ khí ở Brussels (Bỉ, đã đầu thú với cảnh sát) và sau đó đem lén vào Pháp.

Vụ bắt một người đàn ông Montenegro ở nam nước Đức hồi đầu tháng 11 chỉ ra khả năng nguồn gốc súng của bọn tấn công Paris ngày 13.11.

Người đàn ông này bị nghi đã cung cấp súng cho bọn tấn công. Cảnh sát Đức phát hiện một khẩu súng ngắn khi chặn xe ông ta gần biên giới Áo. Họ còn phát hiện một địa chỉ ở Paris trên hệ thống định vị GPS của xe.

Từ đó, cảnh sát Đức phăng ra một tổ chức buôn lậu: súng tự động, thuốc nổ, lựu đạn, đạn dược, đều được giấu trong xe.

Miền tây Balkans là vùng đầy súng đạn từ các cuộc chiến những năm 1990, có khoảng 4 triệu khẩu súng không đăng ký ở vùng này, theo một  nghiên cứu mới đây của tổ chức Thăm dò vũ khí hạng nhẹ. 
Súng cũng có thể tuồn lậu từ Nga, theo một chuyên gia vũ khí. Kathi Lynn Austin, một chuyên gia về buôn lậu vũ khí, nói với kênh TV Al-Jazeera sau vụ báo Charlie Hebdo bị tấn công: “Một trong những lý do chúng ta thấy nhiều súng AK-47 ở chợ đen là Nga đã nâng cấp loại súng AK, do đó dư thừa nhiều súng cũ”.

Bảo Vĩnh (theo Guardian)

Một Thế Giới