Doanh nghiệp Việt bị dọa truy tố, doanh nghiệp Thái âm thầm lấn sân
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 10:00, 25/04/2016
Câu chuyện quán phở suýt bị truy tố ở quận Bình Chánh, TP.HCM gây xôn xao dư luận những ngày qua dường như đã lắng xuống sau khi có một cái kết không thể viên mãn hơn dành cho ông chủ quán đồng thời cũng là bị can oan trong vụ việc lần này. Dư luận xã hội hài lòng với cái kết thỏa đáng nơi người tốt được bênh vực còn người xấu thì bị phạt vì làm sai, mà dường như quên mất rằng vấn đề trong câu chuyện quán phở không chỉ dừng ở khía cạnh pháp luật và công lý. Nó còn ở khía cạnh kinh tế nữa. Một thực tế đau lòng qua câu chuyện lần này và hầu như chỉ được chia sẻ trong giới phân tích kinh tế với nhau, là trong khi doanh nghiệp Việt đang bị chính các cơ quan chức năng Việt dọa truy tố và bỏ tù vì thiếu một vài giấy phép kinh doanh thì các doanh nghiệp Thái tiếp tục âm thầm lấn sân ngay trên thị trường Việt Nam.
Câu chuyện quán phở bị truy tố vì thế cũng gần giống như thực trạng đáng báo động trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay, khi người Việt đang đầu độc lẫn nhau thông qua việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và trồng trọt rồi bán cho đồng bào của mình. Trong câu chuyện này, thì một lần nữa người Việt lại đang hại người Việt, chỉ khác về hình thức và cách thức tiến hành. Nếu như ở trong vấn đề an toàn thực phẩm thì đó là việc sử dụng hóa chất cấm, thì ở câu chuyện quán phở là lợi dụng những quy định của pháp luật để chèn ép và làm hại lẫn nhau một cách vô cảm. Sự vô cảm trong lĩnh vực kinh tế thương mại giữa người Việt với người Việt, mà chủ yếu là giữa các cơ quan chức năng với cộng đồng doanh nghiệp giờ đây đã là chuyện xảy ra như cơm bữa. Thực tế đã chỉ ra, khi người trong cùng một nước không ngần ngại làm hại lẫn nhau, thì chỉ có người ngoài là hưởng lợi.
Lần này cũng không phải là ngoại lệ. Trong khi dư luận xã hội cùng với các cơ quan cao nhất của Nhà nước và Chính phủ bận rộn với việc ông chủ quán phở ở TP.HCM bị đe dọa truy tố, thì các doanh nghiệp nước ngoài vẫn âm thầm tiếp tục xâm nhập và lấn sân sâu hơn trong thị trường nội địa Việt Nam, mà các doanh nghiệp Thái Lan là một ví dụ điển hình. Đã có khá nhiều những đánh giá và phân tích về những tác động của việc hàng hóa Thái Lan xâm nhập vào thị trường Việt Nam theo quy mô lớn và đang đánh bật hàng hóa Việt Nam tại khá nhiều kênh bán lẻ. Và một khi Việt Nam tiếp tục mất thời gian và công sức để giải quyết những vụ việc theo kiểu tự mình hại mình như vừa rồi mà xao lãng đi việc hàng hóa Thái Lan đang tiếp tục lấn sân, thì chỉ có người Thái hưởng lợi.
Dễ dàng nhận ra sự lấn sân theo một quy mô ngày càng tăng dần một cách chậm rãi và chắc chắn của hàng hóa Thái Lan ở thị trường Việt Nam thời gian qua. Ở hầu hết các hệ thống siêu thị bán lẻ trên toàn quốc hiện nay hầu như không nơi nào không có sự xuất hiện của hàng hóa nhập khẩu từ Thái. Mật độ xuất hiện của hàng hóa Thái Lan đang lớn nhất là ở khu vực phía Nam, khi hầu hết các siêu thị tại khu vực TP.HCM đều có sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan. Sự mở rộng quy mô và chiếm lĩnh thị phần của hàng hóa Thái đã bắt đầu lan đến các tỉnh miền Trung mà điển hình là Đà Nẵng. Ở khu vực phía Bắc tỷ lệ hàng hóa Thái thấp hơn, khi mới chỉ đạt khoảng 5% số hàng nhập khẩu tại các hệ thống bán lẻ lớn như Big C, nhưng trong tương lai thì miền Bắc sẽ là một thị trường trọng điểm của hàng hóa Thái Lan khi hệ thống siêu thị bán sỉ có quy mô hàng đầu ở miền Bắc là Metro đã thuộc về tay người Thái.
Vì thế, nếu không quá lời thì tình trạng hiện nay trong nền kinh tế Việt Nam không khác gì trong thời chiến, khi đối phương đe dọa và tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều trong khi nội bộ trong nước lại xáo trộn và lục đục. Dường như người Việt đã quên mất câu thành ngữ cổ truyền “khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.
Người Việt Nam hẳn sẽ còn thất vọng và lo âu hơn nữa nếu như nhìn sang Thái Lan ở thời điểm hiện tại, khi hầu hết các động thái cải cách về kinh tế của họ đều thể hiện có tầm nhìn và hiệu quả vượt trội so với các động thái tương tự ở Việt Nam. Thái Lan cũng vừa mới ban hành một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của nước này, cũng tương đối trùng khớp khi Việt Nam cũng vừa mới chính thức ra mắt quỹ phát triển DNNVV của mình. Dù thấp hơn Việt Nam về số vốn bỏ ra (quỹ hỗ trợ DNNVV của Thái có giá trị khoảng 2 tỉ baht tương đương hơn 1.200 tỉ đồng, trong khi quỹ phát triển DNNVV của Việt Nam có giá trị 2.000 tỉ đồng), nhưng kế hoạch của người Thái đang được đánh giá là sẽ mang lại hiệu quả cao hơn hẳn. Trong khi quỹ phát triển DNNVV của Việt Nam hướng đến những mục tiêu vừa dàn trải vừa mơ hồ, thì quỹ của Thái Lan rất cụ thể, theo đó Chính phủ và các tập đoàn lớn ở Thái Lan sẽ hỗ trợ các DNNVV hết sức có thể để giúp các doanh nghiệp này xuất khẩu hàng hóa sang các nước láng giềng, đặc biệt là thị trường 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar.
Đó là chưa kể, lãi suất mà quỹ hỗ trợ các DNNVV của Thái Lan cũng đang thấp hơn lãi suất mà quỹ phát triển DNNVV của Việt Nam đưa ra, của Thái chỉ là 4% còn Việt Nam thì về danh nghĩa là 5%, nhưng thực tế liệu các doanh nghiệp Việt Nam có thực sự được vay với lãi suất 5% hay không thì vẫn là điều chưa thực sự chắc chắn. Lãi suất thấp hơn, chi phí sản xuất cũng như gánh nặng thuế phí thấp hơn đang là những lý do khiến cho hàng hóa Thái Lan có chất lượng tốt gần bằng hàng hóa Nhật Bản nhưng lại có giá thành rẻ, chỉ hơn hàng Việt Nam không đáng kể, và dễ hiểu khi hàng hóa Việt Nam ngày càng lép vế trên chính sân nhà.
Điều tương tự cũng diễn ra trong lĩnh vực nông nghiệp. Cả Thái Lan và Việt Nam đều là những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, và cùng bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán thiên tai khốc liệt vừa qua. Tuy nhiên, dù sớm có sự chuẩn bị khi đã hoàn thành hệ thống thủy lợi đồ sộ để chống hạn khiến cho tác động từ hạn hán giảm đáng kể so với Việt Nam, thì Thái Lan cũng đang triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng quyết liệt hơn Việt Nam rất nhiều. Dù ít bị thiệt hại do hạn hán hơn nhiều so với Việt Nam, nhưng Thái Lan lại đang có số diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang các cây trồng khác lớn hơn nhiều so với Việt Nam.
Cụ thể, trong năm 2016 số diện tích trồng lúa của Thái Lan sẽ giảm gần 1 triệu ha, trong khi Việt Nam dù bị thiệt hại nặng nề hơn và bị xâm mặn lớn hơn và về lý thuyết phải giảm diện tích trồng lúa lớn hơn thì lại chỉ giảm khoảng 500.000 ha, trong đó 400.000 ha là chuyển đổi một cách nửa vời, để khi cần thiết vẫn có thể quay lại trồng lúa. Số diện tích trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách thực sự trên thực tế chỉ có khoảng 93.000 ha mà thôi.
Tất cả những điều này đang cho thấy một thực trạng đau buồn của Việt Nam ở thời điểm hiện tại, khi so với Thái Lan chúng ta đang kém hơn hẳn cả về tầm nhìn xa rộng lẫn sự đoàn kết nội bộ. Trong khi Chính phủ và các tập đoàn lớn của Thái đang hết sức hỗ trợ cho các DNNVV tràn vào thị trường Việt Nam, thì người Việt Nam lại đang đe dọa bỏ tù nhau vì thiếu giấy phép kinh doanh, đầu độc lẫn nhau bằng thực phẩm bẩn. Vậy thì một tương lai nào đang chờ đợi chúng ta đây?
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF)