Cảnh báo khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam đang gia tăng

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:36, 19/04/2016

Chạy theo tốc độ tăng trưởng sẽ khiến khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam gia tăng. Thực trạng này được xem như kết quả của một mô hình tăng trưởng lệch lạc mà Việt Nam đã theo đuổi trong nhiều năm qua.

Năm 2016 được kỳ vọng là thời điểm mà nền kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá bằng những cải cách sâu rộng và toàn diện trong nền kinh tế, đòi hỏi đó càng tăng lên sau khi những sự việc diễn ra trong 3 tháng đầu năm 2016 đã kéo tụt tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, bất chấp thực tế đó, dường như chúng ta vẫn đang tiếp tục đi theo con đường cũ là chạy theo tốc độ tăng trưởng hàng năm làm mục đích cao nhấtvà mọi cải cách mà Việt Nam đang nỗ lực tiến hành dường như cũng chỉ là để phục vụ cho mục đích này mà thôi.

Có vẻ như những hậu quả nghiêm trọng của chính sách sai lầm đó đang diễn ra sớm hơn nhiều so với dự kiến, khi nó đang làm tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Việt Nam. Nếu không nhanh chóng sửa đổi lại mô hình tăng trưởng, chắc chắn Việt Nam sẽ phải đối mặt với những bất ổn nghiêm trọng ngay từ bên trong.

Những kết quả khảo sát mới nhất đang cho thấy, những tác động tai hại từ việc lựa chọn sai mục tiêu phát triển cũng như sai mô hình tăng trưởng của Việt Nam, đang diễn ra sớm hơn dự kiến khá nhiều. Theo kết quả cuộc khảo sát PAPI 2015 (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và các đối tác thực hiện, trong số 14.000 người tham gia khảo sát ở 63 tỉnh thành trên cả nước, có tới 18,04% cho rằng đói nghèo đang là vấn đề đáng quan tâm nhất, sau đó mới đến các vấn đề khác như tham nhũng hay giao thông. Nó đang cho thấy một xu hướng là ngày càng có nhiều người quan tâm hơn đến vấn đề đói nghèo hơn, và đây được xem là một dấu hiệu cho thấy dù nền kinh tế vẫn tăng trưởng cao trong vài năm qua thì một thực tế là số người có nguy cơ rơi vào dạng đói nghèo đang ngày càng tăng lên.

Tình trạng bức xúc của người dân về tình trạng khoảng cách giàu nghèo gia tăng trong xã hội cũng được phản ánh trong kết quả của một cuộc khảo sát “Cảm nhận của người dân về Nhà nước và thị trường Việt Nam”, thực hiện vào tháng 7.2015. Trong đó 47% người dân được khảo sát cho biết họ bức xúc về tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng.

Kết quả từ hai cuộc khảo sát này đang cho thấy một thực trạng đáng báo động trong xã hội và nền kinh tế Việt Nam, đó là mô hình tăng trưởng kinh tế của chúng ta đang thiếu đi sự hài hòa và đồng đều, tạo nên sự phân bổ không hài hòa về các thành quả của tăng trưởng đối với các bộ phận người dân trong xã hội, người giàu càng giàu hơn và người nghèo ngày càng nghèo hơn. Nói cách khác, mô hình tăng trưởng của Việt Nam hiên nay đang ẩn chứa rất nhiều rủi ro về mặt xã hội, về lâu dài những hậu quả này tích tụ lại có thể gây nên những bất ổn sâu sắc trong xã hội Việt Nam.

Thực trạng này được xem như kết quả của một mô hình tăng trưởng lệch lạc mà Việt Nam đã theo đuổi trong nhiều năm qua. Trước hết, chúng ta đã quá chú trọng vào mục tiêu tốc độ tăng trưởng mà quên đi vấn đề phân bổ đồng đều thành quả của tăng trưởng kinh tế trong xã hội, trong khi đây chỉ là một chỉ số không thể hiện được gì nhiều. Việc quá chú tâm vào việc chạy theo tốc độ tăng trưởng khiến cho Việt Nam về cơ bản đã ưu ái và dung dưỡng cho hai khu vực kinh tế là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khiến cho hai bộ phận kinh tế này bành trướng quá mạnh trong nền kinh tế Việt Nam, trong khi đây là hai khu vực kinh tế mà theo các chuyên gia là có sự phân bổ các thành quả tăng trưởng trong xã hội thuộc diện kém nhất.

Ở khu vực DNNN, sự phân bổ kém này thể hiện ở chỗ số lao động làm việc tương đối ít, nhưng lại có mức lương trung bình tương đối cao. Còn ở khu vực FDI, sự phân bổ kém này thể hiện ngược lại, số lao động được sử dụng trong khu vực FDI lớn, nhưng lại có mức thu nhập trung bình tương đối thấp, do chủ yếu là lao động gia công đơn giản.

Nói cách khác, việc hai trong số các bộ phận lớn nhất trong nền kinh tế là khu vực DNNN và khu vực FDI có chỉ số phân bổ thành quả tăng trưởng thấplà một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự bất bình đẳng trong thu nhập và dẫn đến khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng gia tăng. Đây chính là một trong những nguy cơ tiềm tàng và nguy hiểm nhất đối với sự tăng trưởng bền vững trong tương lai của nền kinh tế Việt Nam, bên cạnh các hậu quả nghiêm trọng khác bắt nguồn từ nguyên nhân chủ đạo là một nền kinh tế có độ mở quá lớn của Việt Nam hiện nay.

Việc theo đuổi một nền kinh tế có độ mở quá lớn của Việt Nam hiện nay được các chuyên gia trong và ngoài nước cảnh báo đang ẩn chứa rất nhiều nguy cơ.

Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ trọng thương mại trên GDP của Việt Nam đang cao hơn nhiều so với Trung Quốcvà cao hơn mức trung bình của ASEAN,chỉ thấp hơn Singapore. Hiện Việt Nam đã có quan hệ kinh tế - thương mại với 220 nước và vùng lãnh thổ. Nói cách khác, Việt Nam là một nền kinh tế mở. Thậm chí là có mức độ mở hơi quá lớn nữa là đằng khác. Với một nền kinh tế mở, Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động hơn từ những biến động của nền kinh tế thế giớimà việc sụt giảm mạnh xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2016 vừa qua do nền kinh tế thế giới trì trệ là một ví dụ.

Nói cách khác, nếu như có một sự kiện tiêu cực như khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra, thì Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu thiệt hại nặng nhất vì độ mở quá lớn của nền kinh tế của mình.

Điều trớ trêu ở đây lànhững rủi ro mà Việt Nam phải gánh chịu khi chấp nhận việc nền kinh tế của mình có độ mở lớn đang tăng lên, nhưng những lợi ích mà việc này đem lại thì phần lớn lại không rơi vào tay người dân Việt Nam, nói chính xác hơn là không rơi vào tay phần lớn người dân Việt Nam, mà sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội là một ví dụ. Thành quả của tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, phần lớn sẽ rơi vào tay một thiểu số trong xã hội là những người làm việc trong khu vực DNNN và một số ít lãnh đạo cao cấp của các công ty thuộc khu vực FDI.

Xu hướng này chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, khi các hiệp định thương mại như TPP hay các FTA sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn. Đúng là họ sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân Việt Nam hơn, nhưng phần lớn là các công việc lao động gia công có thu nhập rẻ mạt, còn phần lớn lợi nhuận sẽ rơi vào tay các ông chủ nước ngoài. Và khoảng cách giàu nghèo trong xã hội sẽ tiếp tục được nới rộng.

Giải pháp cho vấn đề của nền kinh tế và tình trạng khoảng cách giàu nghèo gia tăng trong xã hội Việt Nam hiện nay chỉ có một, đó là thúc đẩy sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng của khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Trong ba loại hình doanh nghiệp là DNNN, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân, thì loại hình doanh nghiệp tư nhân nội địa là loại hình doanh nghiệp có mức độ lan tỏa thành quả tăng trưởng kinh tế rộng nhất và mạnh mẽ nhất. Vì số lượng lao động làm việc trong khu vực tư nhân lớn hơn trong khu vực nhà nước, đồng thời độ lan tỏa lợi nhuận của khu vực tư nhân lại lớn hơn của khu vực FDI. Sự phát triển mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân nội địa cũng sẽ làm giảm những rủi ro của tình trạng nền kinh tế quá mở của Việt Nam hiện nay, bằng cách khiến các doanh nghiệp nội địa làm đầu tàu kinh tế thay vì khu vực FDI vốn ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Vấn đề cốt lõi của Việt Nam hiện nay vì thế là, có thực sự quyết tâm để các doanh nghiệp tư nhân phát triển hay không mà thôi.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, The Saigon Times)

Ảnh minh họa

Nhàn Đàm