Nguy cơ Gia Lai cho thủy điện vào cả khu bảo tồn
Sự kiện - Ngày đăng : 19:20, 11/04/2016
'Vẽ' hoành tráng
Theo báo cáo tiền khả thi của Công ty 30-4 (TP.Pleiku, Gia Lai), đơn vụ đầu tư thực hiện khảo sát cho hay, cụm dự án gồm hai thủy điện Suối Say 1 và Suối Say 2 (thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, xã Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai), giáp ranh với địa giới tỉnh Bình Định. Tổng công suất thiết kế của hai thủy điện này là 40 MW. Tổng vốn đầu tư dự kiến thực hiện hơn 1.200 tỉ đồng. Nếu được phép đầu tư xây dựng thì dự án sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 25,8 ha đất rừng đặc dụng; doanh thu hằng năm khoảng 159 tỉ đồng, nộp ngân sách địa phương khoảng 26 tỉ đồng; tạo công ăn việc làm cho khoảng 80 lao động địa phương.
Theo báo cáo này, dự án được thực hiện sẽ góp phần xúc tiến phát triển du lịch sinh thái, sau khi có đường vào sẽ góp phần đi lại thuận tiện để phát triển các loại hình du lịch sinh thái trong khu bảo tồn như: tham quan hệ thống thác nước, cảnh quan thiên nhiên, rừng nguyên sinh, du lịch kết hợp nghiên cứu khoa học về rừng, đa dạng sinh học, du lịch nghỉ dưỡng…Trong thời điểm hiện tại, dựa trên kết quả nghiên cứu cụm dự án thủy điện này là công trình có tính khả thi rất cao, rất hiệu quả, diện tích chiếm đất thấp, tác động môi trường được nghiên cứu và giảm thiểu đến mức thấp nhất.
Ông Trịnh Viết Ty, Giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cho biết, khu bảo tồn được thành lập từ năm 2004 với tổng diện tích 15.210 hecta phần lớn là rừng giàu cấp độ 1, chỉ có một ít rừng trung bình.
Ông Ty cho biết, trước đây đã từng có 2 đơn vị đầu tư dự án thủy điện ở khu vực đó, giai đoạn thiết kế đã xong, tuy nhiên không thực hiện.
Nói về ảnh hưởng nếu 2 dự án thủy điện của công ty 30-4 được triển khai, ông Ty cho hay: “thứ nhất là mất xấp xỉ 26 ha rừng; trong đó 6,1 ha rừng thuộc khu bảo vệ nghiêm ngặt, còn 18 ha trong khu phục hồi sinh thái. Thứ hai là ô nhiễm nguồn nước. Thứ ba ảnh hưởng đến đất, gây xói lở, rửa trôi. Thứ tư là ảnh hưởng đến không khí, khói bụi. Thứ năm, ảnh hưởng đến động thực vật. Thứ sáu, trong công tác quản lý bảo vệ rừng sẽ rất phức tạp, dễ dẫn tới vô tình hoặc cố tình khai thác cây rừng, săn bắn thú”.
Tuy nhiên, ông Ty cũng cho rằng nếu dự án được xây dựng sẽ có 2 cái được đó làthêm lượng điện cho quốc gia, đóng góp vào ngân sách tỉnh. Đồng thời, công tác quản lý bảo vệ rừng cũng được công ty đầu tư hệ thống đường tuần tra, kiểm soát.
Tiếp tục nghiên cứu
Trao đổi với Báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Tấn Hữu, Trưởng phòng Quản lý điện năng Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết, cụm thủy điện Suối Say 1, 2 UBND tỉnh đang giao cho Sở chủ trì cùng một số sở ngành khác khảo sát để đánh giá. Hiện dự án cũng chỉ đang trong giai đoạn xem xét chứ chưa có cơ quan nào có ý kiến chính thức.
“Tôi vừa nhận được thông báo từ phía chủ đầu tư là cho tạm dừng việc khảo sát để tiếp tục nghiên cứu, nên chúng tôi cũng sẽ báo cáo lên tỉnh như vậy”, ông Hữu nói.
Về phía Sở Xây dựng Gia Lai, lãnh đạo Sở này cho hay, nếu dự án thủy điện nằm trong vùng cấm xây dựng thì sở không đồng ý. Hiện tại, các sở ngành đang đề nghị Sở Công thương xem xét lại vùng đất xây dựng của dự án trong khu bảo tồn như thế nào.
Xác nhận với PV, ông Nguyễn Sinh, Chủ tịch hội đồng thành viên công ty 30-4 nói: “Công trình chưa có gì hết. Chúng tôi đang trong giai đoạn xin chủ trương và thăm dò, nếu có hiệu quả kinh tế thì sẽ có đề nghị tỉnh Gia Lai xin Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch thủy điện, sau khi bổ sung rồi tỉnh sẽ cấp cho công ty làm báo cáo khả thi, đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rồi trình lên Thủ tướng duyệt”.
“Mọi thứ hiện nay chỉ dự kiến chứ chưa có một ý đồ và một chủ trương nào, cái này cũng chưa có trong quy hoạch. Nhưng các sở nói không khả thi thì phải nói rõ không khả thi mặt nào, còn nếu không đúng luật thì chúng tôi dừng thôi. Chính phủ cho phép 1 MW thủy điện được phá diện tích rừng không trên 10 ha, cụm thủy điện này 40 MW mà chỉ 26 ha thì chẳng có gì nhiều”, ông Sinh nói.
Ông Bùi Khắc Quang, Giám đốc Sở Công thương Gia Lai cho hay trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 8 công trình thủy điện lớn trực thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam, 35 thủy điện vừa và nhỏ. Đây được xem là tỉnh có nhiều công trình thủy điện nhất Tây Nguyên.
Lê Đình Dũng