Cơn ác mộng của người chuyển giới ở Hong Kong
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 00:42, 07/09/2014
Bị đối xử như những bệnh nhân tâm thần, Eliana Rubashkyn, một phụ nữ chuyển giới gốc Colombia, chia sẻ những tháng ngày tị nạn như trong địa ngục của mình ở Hong Kong trên CNN.
"Tôi là Eliana Rubashkyn, sinh ra ở thủ đô Bogotá, Colombia. Tôi là dược sĩ và nói thành thạo năm ngôn ngữ. Gần đây, tôi giành được suất học bổng thạc sĩ về Quản lý sức khỏe ở Đài Loan. Trước đây, tôi từng là một người đàn ông.
Năm ngoái, tôi tới Hong Kong làm lại hộ chiếu vì giới tính thay đổi. Hong Kong là nơi có Lãnh sự quán Colombia gần nhất, chỉ cách Đài Loan một giờ bay. Tôi không biết rằng, cuộc đời mình sẽ "lên bổng xuống trầm" khi quyết định lên chuyến bay ấy.
Sự bối rối và thái độ thù địch
Tới sân bay quốc tế của Hong Kong, nhân viên nhập cảnh vừa bối rối lại vừa bực mình sau khi nhìn vào hộ chiếu của tôi. Tôi xuất hiện trước mắt họ với hình hài của một phụ nữ trong khi hộ chiếu lại ghi giới tính nam. Ngay lập tức, tôi bị từ chối nhập cảnh và có nguy cơ bị trục xuất.
Tôi bị tạm giữ trong một căn phòng chật hẹp tại sân bay và chỉ được phép vào phòng vệ sinh nữ mặc dù tôi liên tục đề nghị được dùng toilet nam. Một bức thư trục xuất nhanh chóng được gửi đến cho tôi và điều này có nghĩa, giới chức Hong Kong đang buộc tôi phải rời khỏi đây. Tôi sợ phải quay về Colombia bởi ở đó, tôi phải chịu đựng sự phân biệt và bị bạo hành chỉ vì là người chuyển giới.
Sau nhiều giờ khóc lóc, van xin những người bạn trên Facebook qua điện thoại, các tổ chức bảo vệ quyền của người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới (LGBT) ở Hong Kong đã liên lạc và thỉnh cầu nhân viên ở sân bay cho phép tôi nhập cảnh.
Không được nước nào công nhận là công dân
Trong khi quá trình trở thành một người tị nạn có thể mất nhiều năm thì trong trường hợp này chỉ tốn 12 ngày. Cuối tháng 11 năm ngoái đánh dấu ngày tôi trở thành một người "vô chính phủ" (không được nước nào công nhận là công dân). Tôi đã từ bỏ quốc tịch của mình một cách hiệu quả.
Tôi vẫn giữ lá thư trục xuất của Hong Kong. Tôi sợ bị trục xuất tới một nơi mình không được phép là mình và nơi thể hiện bản thân có thể khiến mình chết. Tôi buộc phải đề nghị tái định cư với Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) và quên đi cuộc sống từng có ở Đài Loan.
Bản dạng giới tính
6 tuổi, tôi nhận ra giới tính sinh học của mình không đồng nhất với bản dạng giới tính bên trong. Vậy là, tôi cứ thế lớn lên trong hình hài của một người khác.
Thời niên thiếu, tôi từng nhiều lần sống là chính mình trong phòng riêng khi bí mật mặt quần áo của mẹ. 20 tuổi, tôi bắt đầu come-out (thuật ngữ chỉ những người đồng tính lộ diện với gia đình, bạn bè). Tôi cần phải dũng cảm bước ra đường với hình hài của Eliana (tên nữ của tôi) dẫu rằng mối nguy hiểm ở thành phố giống như Bogotá vẫn tồn tại.
Colombia là quốc gia nơi sự ghê sợ đồng tính luyến ai, chuyển giới trở thành thâm căn cố đế trong xã hội. Theo ILGA, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Geneva về người đồng tính, song tính, liên giới tính và chuyển giới quốc tế, năm 2008, Colombia chiếm khoảng 12 % trong tổng số 643 trường hợp người chuyển giới bị giết.
Tôi nhận thấy, Đài Loan an toàn cho bản thân và là nơi tôi vừa thực hiện giấc mơ làm Eliana, vừa hoàn thành việc học. Thời gian trôi qua, tôi có thể trông thấy và cảm nhận cơ thể mình thay đổi. Tôi trở thành một phụ nữ chỉ sau một năm tiêm hormone ở Đài Loan.
Sự thử thách mang tên Hong Kong
Hoàn cảnh của những người tị nạn ở Hong Kong rất phức tạp. Chúng tôi bị ép phải sống trong những điều kiện tồi tệ, không được làm việc hay học tập. Chính quyền Hong Kong chỉ cho chúng tôi khoảng 150 USD mỗi tháng để mua đồ ăn cùng nhiều nhu yếu phẩm khác.
Mức lương tối thiểu được luật pháp ở đây quy định cho một nhân viên làm việc 40 giờ một tuần là 620 USD một tháng. Tháng 10 năm ngoái, tôi ngất xỉu trên đường vì không được điều trị thuốc cần thiết cho quá trình chuyển giới. Tôi được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nữ hoàng Elizabeth. Khi nhận ra tôi là ai, họ điều trị qua loa rồi chuyển tôi vào một căn phòng có lót đệm ở khu điều trị bệnh nhân tâm thần.
Một lần nữa, Cầu vồng (chỉ các nhóm hoạt động vì quyền của nhóm LGBT) đã cứu tôi. Nhóm này đã đến xin bệnh viện cho tôi ra viện.
Sau 9 tháng ở Hong Kong, tôi tới New Zealand và ở trong một trung tâm tái định cư. Cuộc đấu tranh giành quyền cho những người như tôi vẫn tiếp diễn và hy vọng không lúc nào nguội lạnh. Khi không có một lý do rõ ràng nào để tiếp tục đấu tranh thì cuộc đời tôi vẫn có ý nghĩa, là chính mình và là Elina.
Bình Minh (Theo Ngôi sao)