'Sếp không phản đối mà còn tạo điều kiện cho tôi chuyển giới nữa'

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:00, 10/11/2014

Một trong những nỗi lo sợ lớn nhất của người chuyển giới khi quyết định phẫu thuật thay đổi giới tính chính là mất việc làm. Cơ hội nghề nghiệp cho nhóm người này tại Việt Nam thật sự là rất thấp. Tuy nhiên, may mắn thay là điều đó đã không xảy ra với cô Long - một người chuyển giới hiện đang là pha chế tại một quán ăn ở Sài Gòn.
Nhận diện bản thân
Suốt 7 năm mưu sinh ở Sài Gòn, điều khiến Phi Long tự hào nhất là cô luôn làm những công việc trong sạch, tử tế, dù đồng lương ít ỏi và tính chất công việc cực nhọc, để chắt chiu từng đồng thực hiện ước mơ chuyển giới.
chuyen gioi
 Phi Long
Phi Long ý thức muốn làm con gái từ khi còn rất nhỏ. “Hồi đó mình có một mong ước rất kỳ lạ, là đêm nằm ngủ sẽ gặp bà tiên để được bà hóa phép biến thành con gái”. Đến năm lớp 9, Phi Long nhận thức rất rõ về tính cách thực sự của mình, khát khao một cơ thể người con gái ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, cuộc sống vùng quê ở miền Tây không giúp Phi Long tiếp cận được nhiều thông tin để hiểu rõ về vấn đề chuyển đổi giới tính. Một hình hài con gái chỉ như giấc mơ cổ tích đối với Phi Long.
Đến một ngày, Phi Long vô tình đọc được những bài báo về cuộc đời nữ ca sĩ Cindy Thái Tài và cuộc phẫu thuật chuyển giới của cô: "Đó là lần đầu mình nhận ra cơ hội để thực sự trở thành con gái. Khi đó mình cảm thấy hạnh phúc và có thêm hi vọng vì biết rằng ước mơ hoàn toàn cơ sở để thực hiện".  
Chưa kịp mừng hẳn thì những lo nghĩ lại ùa tới. "Mình đọc trên báo thấy chị Cindy kể chi phí giải phẫu rất đắt tiền. Một đứa con gia đình nông dân và đông anh chị em làm sao có đủ kinh phí mà chuyển giới?". Ước mơ phải tạm gác lại nhưng không hề nguội lạnh mà cứ âm ỉ như than hồng trong bếp lửa.
Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2007, Phi Long không chọn những con đường phổ biến ở quê nhà Trà Vinh như làm ruộng, làm công nhân, hoặc học nghề. “Công việc dưới quê không nhiều, thu nhập lại không bao nhiêu, nên mình quyết tâm lên phải lên Sài Gòn tìm việc làm để thực hiện ước mơ chuyển giới”, Long nói.
Ban đầu, lúc nghe Phi Long thưa chuyện, ba, má không thuận vì thương đứa con trai gầy gò, thấp bé, sợ con vất vả khi một thân một mình nơi xa lạ. Tuy nhiên, ý chí của Phi Long đã thuyết phục được bậc phụ huynh.
Hành trình cơ cực chốn quê người
chuyen gioi
 Nhờ tính chịu khó học hỏi, Phi Long đảm nhận được rất nhiều vị trí trong công việc
Mùa hè năm 2007, Phi Long đặt chân lên đất Sài Gòn cùng một khoản tiền ít ỏi mà ba, má dằn túi để cậu lo nơi ăn, chốn ở trong những ngày tìm việc. Công việc đầu tiên của Phi Long là làm thợ bánh ở một tiệm bánh mì Lúc đó, cậu vẫn để tóc ngắn, mặc đồ đơn giản như bao người con trai khác. Lương khởi điểm chỉ 800.000 đồng nhưng tiền thuê phòng trọ đã chiếm tới một nửa. “Khi đó giá tô hủ tíu gõ chỉ có 5.000 đồng, mì Hảo Hảo thì 2.000 đồng/gói nên mình thường xuyên ăn mì gói, có bữa thì ngủ luôn cả ngày để nhịn”, Phi Long kể. Sau vài tháng làm việc, quản lý nâng lương cho Phi Long lên 1.200.000 đồng, rồi 1.600.000 đồng.
Làm việc tại cửa hàng một thời gian, Phi Long muốn sống thoải mái hơn chứ không “giấu mình” nữa, và cậu bắt đầu để tóc dài. Người đầu tiên lên tiếng về sự thay đổi của Phi Long là quản lý cửa hàng. Trái ngược với suy đoán, chị quản lý tỏ ra cởi mở nhưng vẫn nhắc nhở nhẹ nhàng. “Chị nói rằng ‘Em muốn để tóc thế nào hay chọn cách sống ra sao là quyền của em và chị không can thiệp. Nhưng em nên cột tóc cao hơn để gọn gàng, giữ vệ sinh trong lúc làm việc’. Mình thấy lời khuyên này rất đúng nên làm theo”, Phi Long nói.
chuyen gioi
 Phi Long luôn vui vẻ với đồng nghiệp
Phi Long miệt mài với lò bánh mỳ đến hơn 2 năm, rồi cậu phải từ bỏ công việc vì quá nặng nhọc (thời gian làm việc của thợ bánh từ 23 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau). Sức khỏe suy yếu do làm việc rất cực mà ăn uống không đảm bảo, Phi Long phải về quê để dưỡng bệnh một thời gian. 
Nghỉ ngơi được vài tháng, Phi Long tiếp tục khăn gói quay lại Sài Gòn. Lần này, cậu không che giấu mái tóc dài, chọn kiểu thời trang phong cách hơn, mặc quần bó sát và đi tìm việc. Vì sức khỏe không cho phép tiếp tục công việc làm thợ bánh mỳ, nên Phi Long muốn xin công việc ở vị trí phục vụ trong các nhà hàng. Tuy nhiên, trong lòng cậu thấp thỏm lo sợ vì “không biết chỗ nào sẽ chấp nhận mình ăn mặc, ‘làm lộ’ như thế này”.
chuyen gioi
 Ban đầu, Phi Long rất e ngại ngoại hình và giọng nói của mình sẽ ảnh hưởng đến khách tới nhà hàng
Không ngoài suy tính của Phi Long, cậu “rớt từ vòng gửi xe” ở khoảng 5 nhà hàng đầu tiên. “Họ chỉ nhìn mình rồi lắc đầu, nói khéo rằng ‘chỗ của anh/chị đủ người rồi. Thậm chí có chỗ mình còn không được gặp quản lý, mà bị bảo vệ đuổi luôn”, Phi Long kể.
Không nản chí, Phi Long tiếp tục đến xin việc tại nhà hàng Cơm tấm Mộc và được vào phỏng vấn cùng quản lý. Trong buổi phỏng vấn, Phi Long vẫn xin vào vị trí phục vụ. Rút kinh nghiệm những lần trước, ngay khi nắm bắt được thái độ e dè và dường như không muốn nhận của quản lý, cậu nói như van nài: “Hồi đó mình nói, ‘Chị ơi, em biết ngoại hình của em như vậy có thể không được lòng nhiều người. Nên nếu chị thấy em không hợp với công việc phục vụ bên ngoài thì em xin thử sức ở công việc bên trong bếp được không ạ”.
Nhờ câu nói này và thái độ tha thiết, chân thành của Phi Long nên nữ quản lý nhà hàng đồng ý nhận cậu vào vị trí phụ bếp trong nhà hàng. "Nhà hàng đã từng có nhân viên thuộc cộng đồng LGBT nên đồng nghiệp và quản lý có lẽ quen rồi, họ không tỏ thái độ gì khác với mình", Phi Long cho biết. Sau một thời gian làm phụ bếp, Phi Long xin chuyển sang làm tại quầy bar, nhận việc pha chế. Vừa học vừa làm, công việc không khó khăn quá nên Phi Long tiếp thu nhanh. 
chuyen gioi
 Phi Long rất khéo tay
chuyen gioi
 
Thời gian và công việc tại Cơm tấm Mộc không quá khắc nghiệt như lúc trước nên Phi Long sắp xếp làm tăng ca và nhận thêm việc tạp vụ tại công ty decor khác. "Hàng ngày, mình thức dậy sớm, đạp xe từ phòng trọ bên quận 4 sang quận Phú Nhuận từ sáng để ghé công ty làm việc, như quét dọn, lau nhà, chùi nhà vệ sinh, chăm sóc cây cảnh. Xong lại chạy về Cơm tấm Mộc tiếp tục công việc của mình".
chuyen gioi
Mỗi ngày Phi Long làm việc 14 tiếng, chỉ nghỉ một ngày cuối tuần. Sống xa gia đình, nhiều lần tủi thân vì kiếm đồng tiền vất vả quá, nhưng Phi Long chưa bao giờ có ý định buông xuôi hoặc bỏ về quê với ba, má. “Mình không thể phí hoài những năm trời ròng rã, chỉ có một động cơ duy nhất để vượt qua khó khăn, là phải ráng làm lụng để tiết kiệm tiền thực hiện chuyển giới”.
Ước mơ thành sự thật
Phi Long cứ miệt mài làm việc cho đến cuối năm 2011, khi cậu đã tiết kiệm được một khoản tiền để phẫu thuật. Vì vẫn còn thiếu một phần nhỏ nên Phi Long gọi điện về cho gia đình. “Khi đó mình chỉ nói ngắn gọn là ‘Má ơi, con muốn đi phẫu thuật để làm con gái. Má giúp con một số tiền được không’. Chỉ cuộc điện thoại như vậy thôi, nhưng gia đình cũng ráng giúp con. Ba bán một phần ruộng, má đi gom hụi, rồi còn đi vay thêm người quen nữa. Mãi đến gần đây (năm 2014) gia đình mới trả hết nợ. Ba, má cũng đoán biết là mình muốn làm con gái rồi từ khi mình còn nhỏ rồi, nên gia đình cũng thương và ủng hộ quyết định của con”, Phi Long tâm sự.
Phi Long cùng một người chị bạn bay sang Thái Lan để tiến hành phẫu thuật bộ phận sinh dục trước tiên. Tỉnh dậy sau cuộc phẫu thuật là nỗi đau không sao tả xiết, “nhưng cùng lúc đó là một cảm giác hạnh phúc tràn ngập, vì mình đã chạm rất gần đến giấc mơ được thành con gái”.
Sau cuộc phẫu thuật đầu tiên, Phi Long về Việt Nam nghỉ khoảng nửa năm. “Lúc mới về mình phải mặc đầm thường xuyên chứ chưa mặc quần được. Mẹ luôn chăm sóc tận tình vết thương và thức ăn để con bồi bổ, ba xách nước cho mình đi tắm. Anh, chị em trong nhà tuy không nói gì nhưng đều tỏ ra chấp nhận hình hài mới của mình. Hàng xóm thỉnh thoảng qua nhà hỏi han”.
Gia đình Phi Long có 4 anh, chị em. “Ba nói hồi xưa nhà có có 2 trai, 2 gái, bây giờ thành 3 gái, 1 trai rồi. Anh ba đã lập gia đình và có con rồi nên mình yên tâm hơn để chuyển giới”.
Sau khi vết phẫu thuật lành lại, Phi Long trở lại Sài Gòn vào năm 2012 và tiếp tục được nhận vào làm tại Cơm Tấm Mộc ở bộ phận pha chế. Mọi người bắt đầu gọi cô một cái tên mới, “cô Long”. 
chuyen gioi
Phi Long tại nhà hàng Chilli Thái
"Những lúc bưng món ăn cho khách, mình rất ngại họ sẽ tỏ thái độ với mình mà chê trách nhà hàng. Cho nên mình cố gắng làm nhanh nhất có thể và hạn chế gây phiền hà cho khách. Tuy nhiên, có lần một bé gái đi theo gia đình bỗng nói lớn: Mẹ ơi, sao cô này nói chuyện giống con trai vậy làm mình cũng sững sờ một chút, rồi cười trừ rồi lại lui vào bếp" - Phi Long kể - "Cũng may, khách đến nhà hàng vẫn đông đều, chắc họ cũng chỉ thấy mình lạ chứ không ghét bỏ gì".
Đầu năm 2014, cô Long lại dành dụm một khoản tiền và sang Thái Lan làm cuộc phẫu thuật cuối cùng để hành trình trở thành con gái được trọn vẹn. Chuyến hành trình của cô Long lần này nhẹ nhàng và thanh thản hơn trước, vì cô hoàn toàn tự lực mọi chi phí chứ không mang cảm giác tạo gánh nặng cho ba má. 
chuyen gioi
 Cô đã làm việc rất chăm chỉ để có thể hoàn thành được những tâm nguyện của mình
chuyen gioi
Sau khi đã hoàn thành ước mơ lớn nhất cuộc đời, cô Long trở lại Sài Gòn và làm việc tại nhà hàng Chilli Thái từ tháng 11/2014. Lần này, cô Long bắt đầu một cuộc sống mới với cơ thể phụ nữ đúng như hằng mong ước. Mục tiêu tương lai của cô Long là nỗ lực làm việc để chăm lo cho tốt cho bản thân, phụ giúp gia đình. 
“Trước mắt mình sẽ ráng tiết kiệm vài triệu mang về biếu ba, má dịp Tết. Trong tương lai, mình mong là pháp luật sẽ quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa cho người chuyển giới,  đầu tiên là cho phép tụi mình được đổi tên và giới tính mới trong giấy tờ hiện tại. Mình đã suy nghĩ sẵn một cái tên rất nữ tính rồi, Phi Phụng”, cô Long tâm sự.

Chị Trương Nữ Hương Duyên, Đại diện nhà hàng Chilli Thái và Mộc Group, cho biết:

“Các nhà hàng của Mộc Group không quan trọng chuyện giới tính của nhân viên, chúng tôi chỉ đánh giá các tiêu chí năng suất làm việc, thái độ cũng như đạo đức nghề nghiệp. Chúng tôi là một nhà tuyển dụng công bằng, không phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục của nhân viên mà chỉ xem xét hiệu quả thực tế. Bên cạnh cô Long là người chuyển giới, tại nhà hàng cũng còn có một vài người cũng thuộc cộng đồng LGBT. Yêu cầu của chúng tôi dành cho họ không hề có gì khác so với những nhân viên còn lại. Tôi có thể khẳng định lại một điều. Khi nhà hàng vẫn còn nhu cầu tuyển dụng thì dù người xin việc có thuộc cộng đồng LGBT hay không cũng không hề ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng của chúng tôi”.

Cảnh Toàn - Ảnh Nguyên Trương

Một Thế Giới