Cần cẩn trọng khi làm phim về người thiểu số
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:41, 17/12/2014
'Để Mai Tính 2' tuy đã đem về doanh thu hàng chục tỷ đồng nhưng cũng vấp phải sự phản đối từ một bộ phận không nhỏ những người thuộc cộng đồng LGBT (Đồng tính, song tính & chuyển giới). Sự việc này đặt ra một câu hỏi: 'Liệu những nhà làm phim có nên cẩn trọng hơn trong việc làm phim về người thiểu số?'.
Chúng ta cần hiểu một người chuyển giới nữ luôn nghĩ mình là nữ, thể hiện ra ngoài như người nữ, và mong muốn mọi người thừa nhận mình là nữ. Nữ không có nghĩa phải theo đúng khuôn mẫu nữ tính truyền thống thùy mị, nết na, ăn nói nhỏ nhẹ, và e thẹn trước đàn ông. Nữ cũng có thể mạnh mẽ, quyết đoán, thành công và chủ động trong quan hệ yêu đương. Nói cách khác, nam cũng như nữ có quyền là chính mình, theo hay không theo chuẩn mực giới do xã hội áp đặt.
Các chi tiết "ẻo lả, mê trai" hay những lời thoại chua ngoa lại dễ bị cho là những định kiến và là hành động bôi bác hình ảnh người chuyển giới bởi vì nhân vật Hội thuộc cộng đồng chuyển giới và khi nghĩ đến người chuyển giới người ta nghĩ đến Hội. Trong văn học, nghệ thuật hay điện ảnh, một nhân vật thường trở thành "biểu tượng" của một cộng đồng, tầng lớp và những đức tính đó gắn với cộng đồng/tầng lớp đó. Nếu nhân vật Hội được khắc họa là một phụ nữ miền Tây hoặc một người Thanh Hóa thì chắc chắn bộ phim cũng nhận được sự phản đối của người miền Tây hoặc người Thanh Hóa. Không có phụ nữ miền Tây hoặc Thanh Hóa nào muốn xem một bộ phim miêu tả mình với mong muốn được giam cùng phòng với đàn ông, hay ngó của quý đàn ông khi họ đi tiểu.
Trên thực tế, tính cách của người chuyển giới rất đa dạng, cũng như một xã hội thu nhỏ. Nhiều người chuyển giới chia sẻ, chính vì bị áp bức, đánh đập, sỉ nhục mà họ trở nên chai lì với những bất bình đẳng diễn ra hàng ngày. Họ luôn có tính phản kháng trong mình, và sẵn sàng “làm quá” khi đối diện với những kỳ thị và định kiến trong xã hội. Sự nổi loạn trong họ có nguyên nhân sâu xa từ sự bất công họ phải chịu đựng. Khi xây dựng hình ảnh người chuyển giới coi sự làm quá đó là tự nhiên, là bình thường cũng có nghĩa tạo ra khuôn mẫu và định kiến trong xã hội, che mờ những nỗi đau mà người chuyển giới đang phải nhận.
Nhiều người cũng nói đây chỉ là phim hài thôi, đâu phải là phim tài liệu mà lo khán giả nhập tâm và định kiến người chuyển giới. Có lẽ, cần phải biết rằng đa số khán giả đến rạp xem phim với mục đích giải trí và đó là một mục đích chính đáng. Họ cười vui khi xem các chi tiết "làm quá" nhưng chính sự nhẹ nhàng đó cũng tạo ra định kiến một cách vô thức với người chuyển giới. Khán giả không phải là các nhà xã hội học, các nhà bảo vệ nhân quyền, hay những người giám sát xã hội để bắt họ phải phân tích tác hại của phim.
Phải thừa nhận rằng các nhà sản xuất phim và đạo diễn là những người có quyền lực. Họ có thể cho nhân vật tính cách tốt xấu, cảm xúc vui buồn, hay số phận sướng khổ. Họ có thể làm người xem tức giận với bất công, thương xót thân phận bất hạnh, hay ủng hộ các giá trị nhân văn. Trong cuộc sống, các nhóm thiểu số thường đang chịu những phân biệt đối xử rồi, nếu phim ảnh không tinh tế sẽ vô tình khoác thêm định kiến lên họ. Để thành công, ngoài tài năng cần cả sự thấu hiểu và sự nhạy cảm của người nghệ sĩ. Ví dụ, nếu làm phim về cộng đồng LGBT thì đạo diễn ít nhất cần phân biệt được sự khác nhau giữa người chuyển giới và người đồng tính, những vấn đề họ gặp phải, và những định kiến kỳ thị họ đang đối mặt để tránh không làm khắc sâu nó. Đây là lý do tại sao khi làm phim về các nhóm thiểu số, dù là người chuyển giới hay đồng tính, người dân tộc thiểu số hay người khuyết tật đạo diễn cần cẩn trọng.
Hội đã tính những gì chắc chỉ có đạo diễn và ê kíp làm phim mới biết. Nhưng có một điều nhãn tiền, để Hội gây cười thì đạo diễn càng ngày càng phải cường điệu tính cách của nhân vật, ví dụ như phải phóng tác những cá tính cực đoan của người chuyển giới, hay tập hợp sự ghê gớm của người đồng tính. Cực đoan hóa cái gì cũng không tốt vì nó sẽ tạo ra định kiến và kỳ thị. Để tránh gây hại thêm, có lẽ ê kíp làm phim nên tính trước khi để Hội tính nữa.
Theo Thu Hiền (DN)