Kỳ 3: Dự luật số 8 và DOMA: Thời khắc quyết định đã đến
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 04:00, 10/07/2015
Ngày 26.06.2015, nước Mỹ chính thức công nhận hôn nhân đồng giới trên toàn lãnh thổ cùng với sự vỡ òa của cộng đồng LGBT và người ủng hộ. Mặc dù vậy, có lẽ ít ai biết được rằng, để đi được đến đoạn cuối con đường, cộng đồng LGBT ở Mỹ đã phải trải qua 46 năm đấu tranh chống lại sự kỳ thị và phân biệt đối xử.
Đọc thêm:
Kỳ 1: Stonewall - Khởi đầu cho một giấc mơ của LGBT Mỹ
Kỳ 2: Chiến thắng đầu tiên mang tên Massachusetts
Dự luật số 8
Sau khi Massachusetts trở thành tiểu bang đầu tiên công nhận hôn nhân giữa các cặp đôi đồng giới, phong trào quyền LGBT tại Mỹ đã trầm lắng trong một khoảng thời gian dài. Bên cạnh, các đạo luật cấm người đồng tính kết hôn cũng đã tiếp tục được nhiều tiểu bang thông qua.
Tuy nhiên, giữa năm 2008 đã diễn ra một sự kiện mang tính bước ngoặc: Tòa án Liên bang ở California bất ngờ đưa ra phán quyết công nhận hôn nhân đồng giới. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tiến trình vận động quyền cho cộng đồng LGBT Mỹ. Bởi vì với số dân đông nhất trên cả nước, tiểu bang California luôn sở hữu một sức ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề chính trị lẫn xã hội tại đây.
Chiến dịch kêu gọi phản đối Dự luật số 8 |
Gần như ngay lập tức, "Dự luật số 8" đã được phe đối lập soạn thảo với mục đích tái định nghĩa hôn nhân là giữa một nam và một nữ vào trong Hiến pháp tiểu bang tương tự như trường hợp của các tiểu bang khác, đồng thời yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn tiểu bang. Kết quả của cuộc trưng cầu ý dân cho thấy tỉ lệ người ủng hộ "Dự luật số 8" đạt 52,24%. Điều này đồng nghĩa với việc nó chính thức có hiệu lực và đóng lại cánh cửa hôn nhân dành cho người đồng tính tại tiểu bang California.
Mặc dù vậy, cộng đồng LGBT tại California đã không chịu khuất phục trước dự luật đầy tính bất công này. Họ cùng nhau đệ đơn kiện lên Tòa án Liên bang với hy vọng Tòa sẽ lật ngược lại phán quyết dựa trên sự vi phạm Hiến pháp Liên bang về quyền bình đẳng của đạo luật này.
Vào ngày 26 tháng 6 năm 2013, Tòa án Tối cao phán quyết rằng những người kháng án không đủ tư cách để kiện. Hôn nhân đồng tính lập tức được hợp pháp hóa tại California. Chiến thắng của cộng đồng LGBT tại California được nhận định là một chiến thắng vĩ đại, thể hiện được khát khao được tự do yêu thương và được đối xử bình đẳng.
Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân (DOMA)
Ở cấp độ liên bang, Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân (Defense of Marriage Act - DOMA) là một trong những trở ngại lớn cho tiến trình bình đẳng của cộng đồng LGBT Mỹ.
DOMA được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1996. Đạo luật này đã đưa ra định nghĩa: "Hôn nhân là sự kết đôi giữa một người nam và một người nữ" và được xem là rào cản rất lớn cho cộng đồng LGBT trên con đường tìm đến hôn nhân bình đẳng.
Trong suốt hàng chục năm, DOMA là cơ sở để chính quyền các tiểu bang đưa ra nhiều đạo luật cấm hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, những lùm xùm xung quanh "Dự luật số 8" đã làm dấy lên câu hỏi rằng liệu DOMA có còn phù hợp với xã hội và nền chính trị nước Mỹ nữa hay không?
Edith Windsor - nguời đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao Mỹ với mục đích lật đổ đạo luật DOMA và bà đã thành công |
Ngay sau khi lên nhậm chức vào năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã xác định sẽ đưa DOMA ra Tòa án để xem xét tính hợp hiến của đạo luật này. Phán quyết cuối cùng của Tòa án Tối cao vào tháng 06.2013 khẳng định DOMA đã vi phạm Tu chính án (điều khoản sửa đối) thứ 5 của Hiến pháp Liên bang. Điều đặc biệt là trong cùng một ngày 26.06.2013, Tòa án Liên bang đã đưa ra hai phán quyết cho cả "Dự luật số 8" và DOMA. Đây là một trong những ngày không thể quên của cộng đồng LGBT tại Mỹ.
Cộng đồng LGBT vui mừng khi nghe phán quyết của Tòa án Tối cao |
Ngay khi DOMA đã không còn tác dụng, cộng đồng LGBT tại các tiểu bang đã nhanh chóng đệ trình đơn kiện hàng loạt các đạo luật cấm hôn nhân đồng giới lên các Tóa án Liên bang. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, các phán quyết tương tự "Dự luật số 8" đã được Tòa tuyên án.
Một năm sau, 10 tiểu bang đã tiếp tục công nhận hôn nhân đồng giới dưới phán quyết của Tòa và 20 tiểu bang khác đang trong giai đoạn tranh tụng. Chưa bao giờ, mọi người lại cảm thấy sự bình đẳng đến rất gần như thời điểm đó. Sự sụp đổ của "Dự luật số 8" và DOMA như là một hồi chuông thông báo vang rằng: "Giờ G đã điểm, và nước Mỹ đã sẵn sàng!".
Anh Khang