Đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn gây nức lòng cộng đồng LGBT

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:30, 02/06/2014

Sáng nay, hàng triệu thí sinh trên cả nước đã bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 bằng môn bắt buộc đầu tiên: Ngữ văn. Ngoài phần phân tích nghị luận xã hội nói về vấn đề biển đảo và lòng yêu nước thì phần phân tích tác phẩm với chủ đề "Con người cần được sống là chính mình" đã gây một bất ngờ lớn cho cộng đồng LGBT (Đồng tính nam-nữ, song tính và chuyển giới).
Đây là lần đầu tiên đề thi kết hợp giữa nghị luận xã hội và phân tích tác phẩm trong cùng một câu. Nguyên văn câu 7 điểm như sau:
Trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ có đoạn:
Hồn Trương Ba: Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!
Đế Thích: Sao thế? Có gì không ổn đâu!
Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.
Đế Thích: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông. Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu!
Hồn Trương Ba: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!
(Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, tr. 149)
Phân tích khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn trích trên. Từ đó, trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: con người cần được sống là chính mình.
De thi tot nghiep mon Ngu van gay nuc long cong dong LGBT
 
Đề thi môn Ngữ văn năm nay được nhận định là rất hay và kích thích sự sáng tạo cho các thí sinh). Nguồn ảnh: Báo Tuổi Trẻ.
Nhận định về đề thi, anh Lê Duy (Sinh viên năm 3, ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: "Đề thi năm nay hoàn toàn vừa sức đối với các thí sinh và hạn chế được tối đa việc ‘học tủ’, ‘học vẹt’. Ngoài phần đọc hiểu 3 điểm nói về Biển đảo và lòng yêu Tổ quốc cùng với sự kiện Trung Quốc hạ đặt dàn khoan HD981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì tôi cũng rất ấn tượng đối với phần làm văn 7 điểm khi nhắc đến tác phẩm Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt . Ở câu này, học sinh sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi không bị bắt bí hoàn toàn. Bởi vì nếu học sinh không nắm rõ tác phẩm thì có thể dựa vào đoạn trích để suy luận. Bên cạnh đó, nội dung phần này rất mở, khuyến khích sự sáng tạo và tính nhân văn cho học sinh (con người cần sống là chính mình). Nhìn chung đây là một đề rất hay có tính thẩm mỹ và tính giáo dục.”
Ngoài ra, khi được hỏi về khả năng có mối liên hệ giữa vấn đề người đồng tính, song tính và chuyển giới trong xã hội Việt Nam với đề thi Ngữ Văn năm nay hay không, anh Lê Duy cho rằng: "Chủ đề sống là chính mình là một vấn đề rộng. Giữa kỳ vọng của xã hội, kỳ vọng của người khác; giữa các hoàn cảnh khác nhau buộc con người phải thích nghi thì đâu là bản chất thật sự của con người. Và đồng tính, song tính hay chuyển giới cũng là một khía cạnh của vấn đề. Sống giữa định kiến của số đông thì cộng đồng những người này cần phải làm gì để được sống là chính mình, sống như mình mong muốn. Và tại sao phải cần sống là chính mình? Nó có ý nghĩa quan trọng như thế nào?
Theo tôi nghĩ việc các thí sinh đề cập đến nhóm người đồng tính, song tính và chuyển giới là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của đề. Đó là một hướng học sinh có thể đi vào phân tích, miễn sao nêu đầy đủ các lập luận và dẫn chứng để bảo vệ chính kiến của bản thân là được. 
Tuy nhiên thể loại đề mới mẻ thế này sẽ là một thử thách cho cả người làm đáp án lẫn người chấm. Mở với thí sinh nhưng cũng mở với giám khảo. Tôi nghĩ rằng hơn ai hết các giám khảo, những thầy cô giáo, sẽ phải là người cần mở rộng tấm lòng của mình ra để đón nhận chính kiến của các em một các chân thành, rộng lượng nhất. Bất kỳ định kiến nào của người chấm cũng sẽ tạo ra những bất công.”
 
De thi tot nghiep mon Ngu van gay nuc long cong dong LGBT
 
‘Được là chính mình’ đôi khi chỉ là ước mơ xa với với rất nhiều người đồng tính, song tính và chuyển giới trong xã hội. Ảnh: Maika Elan (Bộ ảnh: Yêu là Yêu)
De thi tot nghiep mon Ngu van gay nuc long cong dong LGBT
 Anh Huỳnh Minh Thảo
 Anh Huỳnh Minh Thảo, giám đốc truyền thông của Trung tâm ICS, Tổ chức bảo vệ quyền cho người LGBT cũng có nhận xét về đề thi tốt nghiệp Ngữ văn năm nay: “Khi đọc được đề thi này, chúng tôi cảm thấy rất xúc động. Nhiều người bảo rằng, cộng đồng LGBT nhạy cảm quá, chứ nhu cầu được sống là chính mình có phải chỉ là nhu cầu của người LGBT đâu mà vội vin vào mình. Đúng, nó chính là quyền con người, quyền mà mỗi cá nhân bất kỳ lẽ ra phải được thụ hưởng. Nhưng người LGBT Việt Nam thì chưa được vậy, họ vẫn chưa có quyền là mình khi công khai với bố mẹ và bị họ dẫn đi chữa trị đồng tính, họ vẫn chưa có quyền là mình khi chỉ cần một người nam mà mặc đồ nữ đã bị xem là ‘biến thái’, thậm chí chỉ cần một đứa con gái mà cắt tóc ngắn thì đã trở thành dị hợm trong mắt những người còn lại. 
Chưa lúc nào, quyền được là mình lại trở nên cấp thiết như lúc này. Khi mà xã hội đang ngày một phẳng và cởi mở thì cái ‘truyền thống’ nào đó mà một số người vịn vào để biện minh cho sự kỳ thị của họ thì vẫn còn tồn tại và được duy trì một cách vô thức trong xã hội. Học văn để trở thành một con người sống nhân văn và hữu ích hơn, biết tư duy và ý thức được điều đúng nên làm, cũng như bài trừ, thay đổi những định kiến ăn sâu trong tiềm thức mà nhiều người vẫn đang xem là ‘văn hóa’, là ‘truyền thống’. Và đề thi văn năm nay, cũng sẽ một lần nữa nhắc nhớ về quyền của mỗi cá nhân trong xã hội này, để được sống là mình, để được tự do thể hiện mình... Đó chẳng phải là điều quý giá nhất mà mỗi cá nhân luôn hướng đến?!”
Tóm lại, mặc dù tác phẩm "Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt" và đề thi Ngữ văn năm nay không đề cập trực tiếp đến vấn đề sống thật của người đồng tính, song tính và chuyển giới thế nhưng rõ ràng rằng nó đã làm nức lòng cộng đồng LGBT. Bởi vì điều này đã chứng tỏ được một điều: Việt Nam đang dần có cái nhìn cởi mở và bao dung hơn đối những nhóm người thiểu số và yếu thế trong xã hội.
Anh Khang

Một Thế Giới