Nên tôn trọng quyền con người của người chuyển giới
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:33, 21/04/2015
Có quyền được sống với giới tính thật
Trước những tồn tại của việc nếu không chấp nhận cho phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở Việt Nam, ông Nguyễn Huy Quang cũng cho rằng những ảnh hưởng của việc không công nhận việc chuyển giới đến xã hội nhiều hơn là tác động đến cá nhân, vì thế ông ủng hộ xu hướng vì lợi ích của cộng đồng.
"Về việc nếu được pháp luật cho phép, những người chuyển giới chịu ảnh hưởng trước tiên, về chính sức khỏe của họ. Vì khi chuyển giới, họ sẽ phải sử dụng các hóc- môn thường xuyên, liên tục trong suốt cuộc đời dẫn tới bệnh tật, trong đó có ung thư. Các nhà khoa học cũng đã khẳng định, khi chuyển giới, chấp nhận liệu trình sử dụng hóc-môn hàng ngày, người chuyển giới đã phải tự tước thời gian được sống của mình do tuổi thọ của người chuyển đổi giới tính giảm 20 năm. Chưa kể họ sẽ không được thỏa mãn về tình dục, không thể có con khi quan hệ thông thường. Nếu có con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cũng là bi kịch lớn, liên quan đến nhận thức, quan niệm, đạo đức xã hội.... Tất cả những thiệt thòi đó tác động trực tiếp đến cá nhân người chuyển giới, nhưng họ vẫn chấp nhận, vẫn muốn được sống thực với giới tính mong muốn của mình. Vì thế, tôi cho rằng họ có quyền được sống thật với giới tính của mình. Họ khao khát sống thực đến mức không cho phép vẫn “vượt rào” chuyển giới dù tiềm ẩn vô cùng rủi ro”.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang |
Phải có quy định chặt chẽ
Tiến sĩ Đỗ Kim Sơn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng chia sẻ: "Đây là quyền của con người, mình không tôn trọng quyền đó nên mới sinh ra các hệ lụy như chuyển giới chui. Nếu pháp luật công nhận thì sẽ mở con đường sống cho họ rộng rãi hơn, lúc đó họ mới sống thực với con người họ. Tuy nhiên, khi đã đưa vào luật pháp thì phải có những quy định chặt chẽ chứ không để kẽ hở để bị lạm dụng".
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Phương (Viện nghiên cứu Văn hóa) bày tỏ, người chuyển giới đang sống ngoài vòng pháp luật do không có chứng minh nhân dân, không sử dụng tên khai sinh, không được thừa nhận thực tế sau phẫu thuật. Họ dễ trở thành nhóm bị tổn thương nhất. Nếu một người là chuyển giới nam sang nữ mà bị đàn ông hiếp dâm sẽ không được pháp luật bảo vệ do trên chứng minh nhân dân vẫn là nam. "Không có cơ sở y tế nào giúp đỡ, người chuyển giới phải chịu nhiều rủi ro vì tự tiêm hóc-môn vào người. Một người tôi quen biết khát khao có được cơ thể phụ nữ đã tự tiêm hormone và phải trả giá bằng cái chết", tiến sĩ Quỳnh Phương chia sẻ.
Theo ĐS&PL