Mỹ chính thức hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới trên toàn lãnh thổ
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 21:36, 26/06/2015
Sáng ngày 26.06 (giờ địa phương), Tòa án Tối cao Mỹ đã chính thức hợp pháp hóa hôn nhân bình đẳng tại 50 tiểu bang và Quận Columbia với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống từ 9 vị thẩm phán. Một chiến thắng mang tính lịch sử cho cộng đồng LGBT Mỹ.
Quyết định này được xem là một chiến thắng mang tính lịch sử đối với các nhà hoạt động quyền đồng tính đã chiến đấu trong nhiều năm tại những Tòa án thấp hơn. Cách đây vài giờ, hôn nhân bình đẳng chỉ hợp pháp hóa tại 37 tiểu bang và Quận Columbia của nước Mỹ. 13 tiểu bang còn lại cấm nhưng sự ủng hộ của công chúng đã đạt con số kỷ lục.
Những người ủng hộ đứng bên ngoài Tòa án |
Các thẩm phán cho rằng theo Tu chính án thứ 14, tất cả các tiểu bang phải ban hành giấy chứng nhận kết hôn cho các đôi bạn đời đồng giới và công nhận những cặp đôi tương tự từ tiểu bang khác.
Chân dung 5 vị thẩm phán đã bỏ phiếu thuận trong số 9 vị thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ |
Một trong những nguyên đơn chính của vụ kiện - ông Jim Obergefell - muốn được công nhận như là người bạn đời hợp pháp còn sống từ người chồng đã qua đời. Năm 2013, Obergefell kết hôn với bạn đời của mình - ông John Arthur - sau hai thập kỷ yêu nhau. Arthur bị bệnh ALS và mất vào tháng 10 cùng năm, chỉ 3 tháng sau khi họ đệ đơn kiện lên Tòa án.
Obergefell là một trong số hành chục nguyên đơn là người đồng tính đến từ tiểu bang Michigan, Ohio và Tennessee. Họ đã chiến đấu dũng cảm để tình yêu của mình được chính quyền thừa nhận.
Quan điểm của công chúng Mỹ về hôn nhân đồng giới đã chuyển biến tích cực từ năm 2004 sau khi Massachusetts trở thành tiểu bang đầu tiên cho phép các cặp đôi đồng tính kết hôn. Năm 2013, Tòa án tối cao Mỹ đã đưa ra một quyết định quan trọng khi tuyên bố dự luật bảo vệ hôn nhân DOMA là vi hiến, gián tiếp đẩy mạnh tiến trình thừa nhận hôn nhân đồng giới tại quốc gia này. Năm 2012, Barack Obama trở thành vị Tổng thống đương nhiệm đầu tiên công khai ủng hộ hôn nhân đồng giới.
Thông tin trên đến trong thời điểm sự ủng hộ của người Mỹ dành cho các đám cưới đồng giới lên đến mức kỷ lục. Hồi tháng 5, cuộc thăm dò của hãng nghiên cứu Gallup (Mỹ) cho thấy 60% dân Mỹ ủng hộ hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và 37% phản đối. Trong khi đó, vào năm 1999, chỉ có 27% người được hỏi ủng hộ kết hôn đồng giới.
Phán quyết này được cho là một cột mốc pháp lý ngang với sự kiện diễn ra vào năm 1967, khi Tòa án tối cao cho phép các cặp đôi khác chủng tộc được kết hôn. Một số người bảo thủ đã ủng hộ cho một nỗ lực bất tuân dân sự chống lại việc này. Tuy nhiên, các quan chức ở nhiều tiểu bang cho rằng họ đã chuẩn bị sẵn tinh thần để ban hành giấy chứng nhận hôn nhân trung tính ngay lập tức.
Thẩm phán Kennedy của Tối cao Pháp viện Mỹ chính là người đã viết bình luận cho phán quyết vụ kiện hôn nhân bình đẳng. Ông là người mà trong 12 năm qua đã trực tiếp viết bình luận cho 3 vụ kiện lịch sử liên quan tới hôn nhân giữa các cặp đôu đồng tính.
Bình luận của Thẩm phán Kennedy cho phán quyết ngày 26.06 mở đầu như sau:
"Hiến pháp của chúng ta hứa hẹn sự tự do cho tất cả những người nằm trong tầm với của nó, một sự tự do bao gồm cả những quyền cụ thể cho phép một người, trong một phạm vi hợp pháp, có quyền định nghĩa và thể hiện bản dạng của mình. Những người đệ đơn vụ kiện này tìm kiếm sự tự do đó bằng cách kết hôn với người cùng giới tính và làm cho cuộc hôn nhân của mình trở nên hợp pháp với cùng một điều khoản và điều kiện như các cuộc hôn nhân giữa những người khác giới tính."
Và kết thúc bằng những dòng đầy xúc động:
"Không có một sự kết hợp nào sâu thẳm như hôn nhân, bởi vì nó là hiện thân của những lý tưởng cao nhất về tình yêu, lòng chân thành, sự hiến dâng, đức hy sinh, và gia đình. Trong hình dáng của một sự kết hợp hôn nhân, hai con người trở thành một điều gì đó lớn hơn chính bản thân họ đã từng. Như những gì mà các nguyên đơn trong vụ kiện này đã chứng tỏ, hôn nhân chất chứa một tình yêu mà có thể kéo dài cả sau cái chết. Là một sự hiểu lầm cho những con người này khi nói rằng họ không tôn trọng khái niệm hôn nhân. Lời biện hộ của họ là họ tôn trọng, cực kỳ tôn trọng hôn nhân sâu sắc đến độ họ quyết định đi tìm sự hoàn thiện của hôn nhân cho chính bản thân mình. Sự hy vọng của họ là không bị ép buộc phải sống trong sự cô độc, bị loại trừ ra khỏi một trong những thiết chế dân sự cổ xưa nhất. Họ yêu cầu một phẩm giá bình đẳng trong con mắt của pháp luật. Hiến pháp đã trao cho họ quyền như vậy.
Phán quyết của Tòa án Thượng thẩm Vùng kinh lý Số Sáu bị đảo ngược.
Tòa tuyên án."
Minh Chánh (Theo Huffington Post)