Sách cẩm nang cho rằng 'đồng tính là đi ngược truyền thống dân tộc'
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:06, 28/08/2015
'Đồng tính đi ngược với truyền thống dân tộc, phản tự nhiên, ảnh hưởng đến đạo đức con người và nhất là duy trì nòi giống', đây là một phần nội dung được trích cuốn 'Cẩm nang tuổi teen' do NXB Hồng Đức phát hành.
Trong cuốn sách Cẩm nang tuổi teen của do NXB Hồng Đức phát hành, ở phần giải đáp thắc mắc về các hiện tượng tâm sinh lý, tác giả Vĩnh Thuyên cho rằng các phụ huynh cần phân tích cho con em mình biết và nhận thức được "đồng tính là đi ngược với truyền thống dân tộc, phản tự nhiên, ảnh hưởng đến đạo đức con người và nhất là duy trì nòi giống"..
Cuốn sách này cũng có những nhận xét có thể gây tranh cãi về người đồng tính. Chẳng hạn, tác giả cho rằng, đồng tính "Xảy ra nhiều nhất ở các nam sinh trường nội trú". Cuốn sách nhận định, các bạn trẻ đồng tính "Sẽ khó mà hiểu được tâm sinh lý của mình", "Những chuyện đồng tính chỉ nhất thời thôi, một khi có quan hệ khác giới tính thì các chuyện đó sẽ được thay thế".
"Mình đọc sách mà ngỡ ngàng vì những thông tin trong sách cứ như được lấy ra từ sách báo thập niên 1990, lúc LGBT còn chưa được công nhận rộng rãi. Dù có thể chỉ là thiểu số, nhưng những cuốn sách như thế sẽ khiến các phụ huynh e dè hơn và các teen không còn dám come out (công khai đồng tính) nữa", Ngọc Hà, ĐH KHXH&NV TP HCM bức xúc.
Chia sẻ về những thông tin được phản ánh trong sách, anh Lương Thế Huy, cán bộ Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE cho rằng, những kiến thức trong quyển sách này mang nặng tính quan điểm cá nhân và không có cơ sở khoa học.
"Đồng tính được khoa học xem là một xu hướng tính dục mang tính bền vững, bình thường, tự nhiên của con người, không phải là bệnh. Cũng giống như dị tính (thích người khác giới), bạn không thể dễ dàng thay đổi xu hướng tình cảm của mình. Tất cả những thứ mà chúng ta hay gán ghép như đồng tính là lây lan, làm tuyệt chủng đều là những lập luận không có căn cứ", anh Huy khẳng định.
Anh Huy cho rằng, với các bậc cha mẹ có con là người đồng tính, các nhà tư vấn tâm lý sẽ tư vấn cách để cha mẹ chấp nhận con cái. Họ nên đồng hành cùng con mình vượt qua định kiến, kỳ thị để có một cuộc sống hạnh phúc, là chính mình chứ không phải ép buộc con cái sống trong giả tạo, bất hạnh và đau khổ. "Với lập luận đồng tính là vi phạm đạo đức , anh nghĩ rằng khái niệm đạo đức là một khái niệm riêng tư của mỗi người", anh Huy chia sẻ.
Anh Huy cũng nêu quan điểm cá nhân: "Đã là người viết sách hay cầm bút lập ngôn, thì nên có trách nhiệm với những gì mình viết, đừng khiến nhiều cuộc đời phải lao đao hơn vì sự kỳ thị được khắc sâu hơn. Trước khi muốn phán xét một ai đó, hãy tìm hiểu thông tin về họ".
Theo anh Lương Thế Huy, thông tin sai lệch về LGBT hiện nay tại Việt Nam vẫn còn không ít, nhưng điều đáng mừng là thông tin đúng và khoa học đã hiện diện rất phổ biến, dễ tiếp cận hơn. Các bạn nên tìm đến những nguồn thông tin từ các tổ chức chính thức. Quan trọng hơn là kiến thức, thái độ khoan dung sẽ giúp chúng ta tự tin ngay cả khi mình chưa hiểu quá sâu về LGBT, để có thể trả lời những lập luận phản đối.
"Đơn giản thì LGBT chỉ là sự đa dạng của cuộc sống, nếu họ cảm thấy hạnh phúc và không ảnh hưởng gì tới chúng ta, không có lý do gì để cố gắng gạt bỏ họ ra khỏi cuộc sống này cả", anh Huy cho biết.
LGBT là viết tắt của cộng đồng người đồng tính nam (gay), đồng tính nữ (lesbian), song tính (bisexual) và chuyển giới (transgender). Ngày 17.5.1990, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Năm 2011, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết đầu tiên công nhận quyền LGBT, được theo dõi và báo cáo bởi Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về tình trạng vi phạm nhân quyền đối với cộng đồng người LGBT, bao gồm tội ác kỳ thị, hình sự hóa đồng tính luyến ái và phân biệt đối xử.
Kể từ ngày 26 tháng 6 năm 2014, Liên Hợp Quốc đã chính thức công nhận hôn nhân đồng giới, bao gồm các hình thức "hôn nhân" và "kết hợp dân sự" đồng tính đối với hơn 43.000 nhân viên thuộc tổ chức này trên toàn cầu.
Theo VNE