'Cô gái Đan Mạch' và cái giá của sự hoa mỹ
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:26, 19/01/2016
Bộ phim Cô gái Đan Mạch (The Danish Girl) đang là tác phẩm được nhiều khán giả Việt yêu thích tại thị trường phim chiếu rạp Việt Nam hiện nay.
Đây là trường hợp hiếm hoi mà một bộ phim có hơi hướm hàn lâm, được làm ra gần như đặt để cho giải Oscar lại có thể tiệm cận đến với sở thích của công chúng trong nước đến vậy.
Được ủng hộ nhiệt liệt
Xét ở khía cạnh phát hành, đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy người yêu phim Việt Nam đang dần nâng cao tiêu chuẩn thưởng thức phim hơn, biết để mắt đến những tác phẩm nghệ thuật thay vì chỉ có nhu cầu giải trí, vui cười, cháy nổ như vài năm trước. Còn xét ở khía cạnh nội dung, Cô gái Đan Mạch cũng đã phần nào tạo nên nguồn cảm hứng và thúc đẩy khán giả biết cách tôn trọng hơn những giá trị của sự khác biệt đa dạng trong cuộc sống, thấu hiểu hơn về LGBT (Đồng tính, song tính và chuyển giới) nói chung và những người chuyển giới nói riêng.
Câu chuyện của nhân vật chính Einar Wegener (sau này đổi tên thành Lili Elbe) vừa ám ảnh lại vừa gây xúc động đến người xem, tạo ra hàng loạt những hiệu ứng truyền miệng tích cực giúp bộ phim đạt được mức doanh thu khá tốt ngay trong vài ngày ra mắt đầu tiên. Bên cạnh đó, diễn xuất tài tình của nam diễn viên từng đoạt giải Oscar Eddie Redmayne cũng làm dấy lên một làn sóng ngưỡng mộ và phấn khích nơi khán giả, bởi màn hóa thân gần như xuất thần của anh với nhân vật Lili Elbe. Dù là một người dị tính, Eddie vẫn có thể hoàn toàn từ bỏ bản thân mình để trở thành một người phụ nữ chuyển giới duyên dáng, mạnh mẽ và cũng tràn đầy nghị lực. Và thành công của anh đã được chứng minh bằng một đề cử cho giải Oscar ở Hạng mục "Nam chính xuất sắc nhất" vừa được công bố mấy ngày vừa qua.
Nhưng vẫn gây tranh cãi
Tuy nhiên, đằng sau những lời tung hô và tán thưởng nồng nhiệt của công chúng dành cho Cô gái Đan Mạch, nhiều nhà phê bình, những khán giả khó tính ở Việt Nam đã bắt đầu có những phản ứng trái chiều, tỏ ra không mến mộ lắm tác phẩm này. Điều này cũng dễ hiểu, bởi bản thân chính bộ phim dù được làm ra gần như dành riêng cho Oscar nhưng lại cũng không được lòng giới chuyên môn quốc tế. Cộng đồng trên trang IMDb chấm Cô gái Đan Mạch chỉ ở mức khoảng 6,7 điểm, còn các nhà phê bình của Rotten Tomatoes chỉ bầu chọn ở mức 71%, những con số không quá thấp nhưng rõ ràng là không đột phá. Vậy thực sự, điều gì đã khiến một bộ phim có câu chuyện đầy cảm hứng, diễn xuất tuyệt vời như vậy lại bị hắt hủi bởi nhiều người yêu điện ảnh, đặc biệt là khi nó không hề góp mặt trong danh sách đề cử Phim hay nhất của Oscar năm nay.
Nam diễn viên từng đoạt giải Oscar Eddie Redmayne hóa thân xuất thần vào nhân vật Lili Elbe - Ảnh: CGV cung cấp |
Lý do đầu tiên, và có lẽ trước hết, chính là sự dụng công quá mức của đạo diễn Tom Hooper. Cần phải nhớ, Tom Hooper vốn là một đạo diễn ưa chuộng sự màu mè với những thủ pháp làm phim đậm chất điện ảnh, đầy tính kỹ thuật và luôn trau chuốt, chỉn chu đến từng khung hình. Ông từng thành công khi tạo ra bộ phim hay nhất năm 2010 là The King’s Speech (Diễn văn của nhà vua, thắng 4 trong số 12 đề cử Oscar) và Les Misérables (Những người khốn khổ, thắng 3 trong số 8 đề cử). Tuy nhiên, trong lần trở lại sau 3 năm kể từ ngày Les Misérables này, Tom Hooper chỉ gom được vỏn vẹn 4 đề cử cho bộ phim của mình.
Có lẽ, việc làm ra một bộ phim như muốn nói “tôi làm phim này cho Oscar” đã khiến các thủ thuật của Tom Hooper bị phản tác dụng. Từng khung hình, câu thoại, trang phục, góc quay cho đến thiết kế bối cảnh của Cô gái Đan Mạch đều bị trau chuốt quá mức. Sự duy mỹ này làm được một điều là khiến người xem thích mắt nhưng nó lại vô tình làm mất đi cái chất chân thật trong tổng thể bộ phim. Cô gái Đan Mạch được kết nối từ những chi tiết thực sự hoàn hảo và trọn vẹn, nhưng khi kết nối lại với nhau nó lại trở nên hơi lủng củng, thừa thãi và chọi nhau chan chát. Điều này cũng giống như việc một nữ minh tinh mặc bộ trang phục dát vàng toàn bộ lên thảm đỏ, khi ấy, sự chú ý của người xem bị mất tập trung và hậu quả là việc bị chê trách là điều khó tránh khỏi.
Bên cạnh đó, việc bi kịch hóa bộ phim khi thay đổi khá nhiều số phận của nhân vật Lili Elbe (một người có thật trong lịch sử) cũng khiến niềm tin của khán giả bị đổ vỡ ít nhiều khi thưởng thức bộ phim. Việc quá chú trọng khắc họa nội tâm đau khổ của nhân vật để tạo đất diễn cho diễn viên đã khiến thân phận của Lili Elbe bị mất cân bằng. Xem đến cuối tác phẩm, bất kỳ ai khó tính cũng đều nhận ra được bộ phim là một bức tranh bị tô vẽ quá sặc sỡ và gay gắt, những mảng màu thanh bình, dịu mát bị lột hẳn đi mất để chừa lại cho những trường đoạn gai góc. Cũng dễ hiểu thôi vì chỉ có vậy thì Eddie Redmayne mới có thể giành được thêm một đề cử Oscar, nhưng rốt cuộc bộ phim lại trở thành một tác phẩm xoay quanh mục đích cá nhân thay vì cất lên được tiếng nói của riêng nó, truyền nhiều cảm hứng hơn đến với đại chúng thay vì chỉ dành sự ưu ái cho Eddie Redmayne và người hâm mộ của anh.
Và cuối cùng, dẫu cho có được đặt để đến cỡ nào, diễn xuất của Eddie Redmayne vẫn để lại nhiều tranh cãi trong giới phê bình. Sự cố gắng nhập vai của anh là điều đáng được công nhận, nhưng cách mà Eddie hóa thân vào một người phụ nữ trong hình hài nam giới muốn tìm lại nhân dạng bản thân mình chưa thực sự thuyết phục với một số người. Cách lẫn lộn và pha trộn khái niệm giữa xu hướng, giới và giống đã bị phác họa nhập nhằng trong tác phẩm này khiến cả chính bản thân của Eddie cũng không hiểu nhân vật mình muốn gì. Và đó chính là lý do vì sao dù được đề cử Oscar, nhưng nhiều nhà chuyên môn vẫn dự đoán khả năng thắng giải của Eddie rất thấp.
Nhìn chung, việc Cô gái Đan Mạch được làm ra vẫn là một điều đáng mừng cho cả nền điện ảnh Hollywood vì câu chuyện đầy cảm hứng của người phụ nữ chuyển giới đầu tiên đã được kể lại, một cách đẹp mắt và trọn vẹn. Chỉ đáng tiếc là, giá như đạo diễn Tom Hooper tinh tế hơn, dung dị hơn và ít phô trương hon, có lẽ chúng ta đã có một Cô gái Đan Mạch được đề cử Oscar Phim hay nhất, hay thậm chí là thắng luôn cả giải thưởng danh giá này.
Tiêu Nhiên/ Theo TNO