Bài 29: Sài Gòn: “Con rồng đỏ” lên ngôi
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 05:45, 09/11/2013
Phan Xích Long (Phan Phát Sanh 1893 – 1916) sinh tại Chợ Lớn, tự xưng là Đông cung thái tử – con vua Hàm Nghi – lên ngôi ban yến và rải truyền đơn khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Bình Tây kêu gọi dân chúng nổi dậy đánh Pháp. Lá cờ lịnh của Phan Xích Long được dựng lên với dòng chữ “Nam Kỳ, Chánh nguyên soái, Phục quốc”. Đoàn quân của “hoàng đế đỏ” mang theo các lá cờ khác nhỏ hơn ghi: “Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, Lục nhâm, Lục giáp, Lục đinh, Ngũ quỷ, Thất sắc, Bát quái, Cửu thiên, Thập phương”. Dưới đây chúng tôi giới thiệu một số tài liệu để bạn đọc tham khảo về một nhân vật lừng lẫy trên miền đất hưng long này, đã chiêu mộ dưới trướng những tay anh chị trong giới giang hồ mã thượng để chống Pháp chấn động một thời…
Phan Xích Long là “Hoàng Đế thống trị Trung Hoa”?
Nguyễn Thanh Tiến, trong bài “Góp thêm ý kiến về hội kín Phan Xích Long”, (Tạp chí Xưa và Nay, số 282 IV-2007), viết: “Bên cạnh tư tưởng thần bí, hội kín Phan Xích Long còn thể hiện tư tưởng tôn quân. Phan Xích Long tự xưng là thái tử, con của vua Hàm Nghi và luôn mang bên mình chiếc khánh có chữ “Đông cung”. Sau đó, Phan được người trong hội kín tôn lên làm hoàng đế với đầy đủ áo, mão, gươm, ấn…. Cây gươm của Phan có khắc dòng chữ “Tiên đả hôn quân, hậu trảm loạn thần” (trước đánh hôn quân, sau chém loạn thần). Cái ấn có hình đầu rồng trên cái ngù, phía dưới khắc dòng chữ “Đại Minh quốc, Phan Xích Long hoàng đế, thiên tứ ngọc tỉ” (Nước Đại Minh, hoàng đế Phan Xích Long, ấn ngọc trời ban). Ngoài ra, Phan còn có cái khánh khắc tên Phan Xích Long (Xích Long nghĩa là con rồng đỏ) và cái xuyến đeo tay.
Ở phía ngoài chiếc xuyến có dòng chữ “Đại Minh quốc, Phan Xích Long hoàng đế thống trị Trung Hoa”. Tất cả những món đồ này đều làm bằng vàng, trị giá đến “ba bốn ngàn đồng bạc lớn”. Chính Hai Trí và hương sư Tài đã đặt cho hai người thợ bạc là Võ Văn Giàu và Năm Kiểu làm các món đồ vàng ấy. Để tăng phần oai nghiêm cho hoàng đế, những người chủ chốt trong hội còn bày ra việc cúng lễ. Chỗ Phan Xích Long ngồi được họ trang trí đèn hoa rực rỡ. Khi mọi người vào lạy thấy Phan ngự trên ngai vàng “hào quang sáng loáng, sánh dường một vị trời sai xuống đánh cùng người Lang Sa mà lấy lại nước cho trăm họ được nhờ”. Rõ ràng, “hoàng đế” Phan Xích Long đã được thần thánh hóa nhằm mục đích động viên người dân tham gia hoạt động cứu nước.
Phan Xích Long mặc hoàng bào
Ở đây có một điều đáng lưu ý là tại sao cái ấn và xuyến đeo tay của Phan Xích Long lại khắc dòng chữ “Đại Minh quốc…” và “Phan Xích Long hoàng đế thống trị Trung Hoa”? Chúng ta nhớ rằng, Phan đã xưng mình thuộc dòng dõi Hàm Nghi – một vị vua yêu nước của Việt Nam.
Vậy tại sao chữ trên ấn không phải là “Đại Nam quốc” hay “Việt Nam quốc”? Ba chữ “Đại Minh quốc” khiến ta dễ liên tưởng đến Thiên Địa hội của người Hoa với tôn chỉ “Phản Thanh phục Minh”. Bản thân Phan Xích Long cũng có lúc nhận mình thuộc dòng dõi của vị vua lập nên triều Minh. Phải chăng đây là cách che dấu mục đích thật sự của hội kín trước chính quyền thực dân? Hay do được tổ chức theo kiểu Thiên Địa hội Trung Quốc nên hội kín Phan Xích Long đã dùng luôn khẩu hiệu “Phản Thanh phục Minh” để làm lớp vỏ ngụy trang?”
Sơn Nam với tài liệu về Phan Xích Long và Thiên Địa Hội
Sơn Nam trong cuốn biên khảo “Phong trào Duy Tân ở Bắc Trung Nam – Miền Nam đầu thế kỷ 20 – Thiên địa hội và cuộc Minh Tân” (NXB Trẻ 2003, trang 140-141) kể: “Đêm 23, rạng 24 tháng 3 dương lịch 1913, nhà cầm quyền Pháp phát giác 8 quả bom, bốn quả gài ở Sài Gòn, bốn quả gài ở Chợ Lớn, nhưng không trái nào nổ cả. Bốn ngày sau, nhiều toán nông dân ước lượng là 600 người (theo G. Coulet) mặc đồng phục mang bùa tìm cách đột nhập vào Chợ Lớn từng toán nhỏ để chờ hoàng đế Phan Xích Long xuất thế nhưng âm mưu nầy thất bại. Phan Xích Long bị bắt ở Phan Thiết, giam vào Khám Lớn Sài Gòn.
Khám Lớn Sài Gòn, nơi các hội viên hội kín tổ chức tấn công giải cứu Phan Xích Long, năm 1916
Đêm 14 rạng ngày 15 tháng 2 dương lịch 1916, cuộc khởi nghĩa bùng nổ tại chợ Sài Gòn, với qui mô khá to, sau nầy được gọi là cuộc phá Khám Lớn Sài Gòn để giải cứu cho hoàng đế Phan Xích Long (bị bắt từ 1913). Ghe xuồng phía Chợ Lớn (tỉnh Chợ Lớn) kéo đến Sài Gòn từ hồi 3 giờ khuya, đổ bộ khoảng giữa cầu Ông Lãnh và cột cờ Thủ Ngữ, chừng 300 người mặc đồng phục quần trắng áo đen, khăn bịt đầu, mang gươm giáo với ý định phá Khám Lớn, đánh chiếm dinh quan Thống đốc Nam kỳ, phá nhà đèn, chiếm kho đạn, giết người Pháp. G. Coulet đã ghi ra một số tên người, tên địa phương do chánh quyền thực dân Pháp đã phát giác ra cho rằng liên quan đến Thiên Địa hội”.
Ở một đoạn khác, Sơn Nam cho biết khi xông trận, những người thuộc Thiên Địa hội “mang theo trong mình và ngậm hai lá bùa ghi chữ Lục đinh và Lục giáp. Lục giáp tại tả (bên trái) tiêu biểu cho Dương, Lục đinh tại hữu (bên mặt) tiêu biểu cho Âm. Gặp cơn nguy, hội viên thỉnh Lục đinh và Lục giáp tới tiếp cứu, tức thời đá bay cát chạy, hóa ra cảnh tối tăm khiến cho đối phương không thấy đường. Lục đinh và Lục giáp là bùa để bảo thân (xuất quân bảo thân phù).
Gặp lúc an lạc, làm chủ tình hình không sợ nhà cầm quyền theo dõi thì hội sở trang hoàng khá xinh đẹp, nào tranh vẽ bát tiên, nào là câu đối. Người “đại ca” ung dung hút thuốc phiện với hầu thiếp, uống trà rượu; trên vách dán câu đối biểu lộ phong độ chủ nhân: Phước địa hữu trần, phong tự tảo / Đức môn vô sự nhựt thường khai. Nơi đất phước, nếu có bụi thì gió quét bụi, nhà có đức thì không bao giờ xảy ra chuyện phiền muộn, ánh nắng chiếu vào sáng sủa. Đúng là phong vị Lão – Trang”.
Vương Hồng Sển với những trang về “Con rồng đỏ”
Cụ Vương Hồng Sển trong “Sài Gòn năm xưa” cũng viết: “Phan Xích Long bị cò Tây bắt tại Phan Thiết, còng giải về Sài Gòn. Đồng đảng, cả thảy bị bắt một trăm mười một người, đem ra Tòa Áo Đỏ xử tử mồng năm đến mười hai tháng mười một dương lịch 1913, tha bổng năm mươi bốn ngườu, kêu án năm mươi bảy người: Phan Xích Long, Nguyên Tri và Nguyễn Hiệp, án hiện diện, còn ba người Nguyễn Màng, Trương Phước và Nguyễn Ngọ trốn thoát không bắt được, bị án khiếm diện. Ba người này bị giam Khám Lớn Sài Gòn, làm chấn động giới giang hồ mã thượng. Qua năm Bính Thìn (1916), giữa trận Âu châu đại chiến 1914-1918 bên trời tây, Tây thua xiểng liểng thì đêm mười hai tháng giêng âm lịch, đảng kín “Thiên địa hội” tổ chức cuộc phá khám định cứu các “đại ca” ra khỏi vòng lao lý.
Ban đầu rất nhiều thuyền ghe nhỏ tứ xứ đến đậu chen nhau dưới gầm cầu móng Khánh Hội, đến ba giờ khuya là khởi sự. Dưới khẩu hiệu “đại ca”, các đồng đảng thảy đều uống bùa, cổ mang phù chú, tay cầm gươm mác, kéo lên phá Khám Lớn Sài Gòn (…). Ba mươi tám người bị xử tử tại Đông tập trận và bắn ngày hai mươi tháng hai năm 1916, mười ba người bị xử bắn ngày mười sáu tháng ba năm 1916, kể luôn hai người đêm phá khám tử chiến tại trận tiền và bốn người bị hạ sát tại Xóm Dầu, thì cuộc phá khám 1916 đã khiến năm mươi bảy vị “anh hùng” tên ghi vào sử nhưng thây thì bị chôn vùi “Đất Thánh Chà” đường Hiền Vương (Võ Thị Sáu), cho đến mới đây nghĩa địa nầy bị ban phá ra bình địa xây xóm nhà anh em lao động tài xế, đô thành, mồ mả xiêu lạc mất tích luôn, nhưng danh thơm còn mãi trong trí óc người yêu nước”.
Đường Phan Xích Long hiện nay
Hiện ở TP. HCM có một con đường mang tên Phan Xích Long chạy dài qua vùng đất của các phường 1, 2, 3 thuộc quận Phú Nhuận, dài 490m kéo từ đường Nguyễn Đình Chiểu (không phải đường Nguyễn Đình Chiểu ở quận 3 và quận 1) tới đường Vạn Kiếp. Nguyên con đường này là đường đất lúc mới lập vào cuối thời Pháp, gọi là đường Hương Mão. Từ thập niên 1940, sau đổi thành đường Thái Lập Thành từ thời Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống miền Nam, đường mang tên Phan Xích Long được gọi từ sau năm 1975 với lộ giới mở rộng đến hơn 35m. Người qua lại tấp nập hàng ngày chắc hẳn còn nhớ cuộc nổi dậy của “hoàng đế đỏ” vang dội năm nào…
Theo Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam – Bài: Giao Hưởng – Ảnh: Nguyên Trương, Tư liệu