Nghiêm cấm báo chí đưa tin về bí mật đời tư cá nhân

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 19:36, 05/04/2016

Với 89,47% số đại biểu tán thành, sáng nay 5/4, Quốc hội đã thông qua Luật Báo chí (sửa đổi).

Luật Báo chí (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1.1.2017 với 6 chương và 61 điều, trong đó quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án; thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng; kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Luật cũng quy định đối tượng được thành lập cơ quan báo chí gồm: Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên.

Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ; bệnh viện do cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên quản lý… được thành lập tạp chí khoa học.

Cũng theo Luật Báo chí sửa đổi, công dân có quyền tự do ngôn luận trên báo chí như: Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và thành viên của các tổ chức đó.

Trước đó, tại phiên họp chiều ngày 21.3, các đại biểu quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

Về cơ bản, các ĐBQH tán thành với nội dung của dự thảo luật và cho rằng dự thảo luật đã tiếp thu ý kiến của ĐBQH tại kỳ họp trước. Đồng thời, các ĐBQH cũng đóng góp thêm ý kiến vào các điều khoản cụ thể của dự thảo luật.

Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Có ý kiến cho rằng khoản 1, điều 12 dự thảo luật quy định cơ quan báo chí phải đăng, phát kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân là khó khả thi.

Giải trình của UBTVQH cho rằngquyền góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân trên báo chí là thuộc quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đã được hiến định. Báo chí là diễn đàn để công dân thực hiện quyền đó.

Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tính khả thi của luật, khoản 1 điều 12 dự thảo luật quy định cơ quan báo chí đăng, phát kiến nghị, phê bình của công dân phù hợp với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí đó, chứ không phải đăng phát mọi kiến nghị, phê bình do công dân gửi đến.

Về ý kiến của ĐBQH đề nghị bổ sung quy định phóng viên, nhà báo không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trái với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, UBTVQH nhận thấyđây là quyền tự do ngôn luận của công dân đã được hiến định nên không thể đưa nội dung này vào dự thảo luật.

Trường hợp thấy cần thiết phải quản lý những hoạt động trên, cơ quan báo chí có thể quy định nội dung này tại quy chế hoạt động của cơ quan báo chí đó.

Cũng trong ngày hôm nay, với 89,88% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em sửa đổi.

Theo VGP News

Chú thích ảnh:Các ĐBQH bấm nút thông qua Luật Báo chí (sửa đổi) vàLuật Trẻ em (sửa đổi). Ảnh: VGP

VGP News