Anh ra tay cứu ngành công nghiệp thép bị Trung Quốc 'ép chết'
Quốc tế - Ngày đăng : 12:51, 04/04/2016
Để vực dậy ngành công nghiệp thép đang gặp khủng hoảng, chính phủ Anh cam kết sẽ nới lỏng các quy định để các doanh nghiệp thép trong nước có thể giành được các hợp đồng dự án xây dựng công. Cam kết này được đưa ra sau khi Tata Steel - tập đoàn thép lớn nhất Ấn Độ và lớn thứ sáu thế giới, công bố kế hoạch bán lại các nhà máy thép tại Anh vì thua lỗ 2,8 tỉUSD. Kế hoạch này của Tata sẽ khiến cho hàng ngàn người lao động Anh mất việc.
Vì Liên minh châu Âu cấm các hành động can thiệp trực tiếp từ phía nhà nước nên để có thể cứu ngành thép, chính quyền Anh đã quyết định đưa ra một bộ quy định mới với các điều khoản đã được nới lỏng để giúp các doanh nghiệp thép muốn tham gia đấu thầu các dự án đầu tư công. Theo bộ quy định này, ngoài giá cả và chất lượng, khả năng tạo ra việc làm cho người lao động và khả năng thúc đẩy kinh tế trong nước cũng sẽ được xem xét để quyết định xem liệu doanh nghiệp có thể thắng thầu dự án hay không.
Bên cạnh nới lỏng các quy định để cho phép doanh nghiệp tham gia đấu thầu dự án công, chính quyền nước này cũng đang ráo riết tìm người mua lại các nhà máy mà Tập đoàn Tata đang rao bán. Về việc này, Thủ tướng Anh David Cameron đã cho biết sẽ không có chuyện nhà nước mua lại các nhà máy này mà sẽ tìm kiếm một doanh nghiệp tư nhân.Hiện tại, các nhà máy của Tata tại Anh đang tạo ra việc làm cho 15.000 người lao động tại đây.
Theo ông Sajid Javid, Thư ký Tài chính nhà nước, “bằng cách thay đổi các quy định cho đấu thầu các dự án cơ sở hạ tầng, ngành công nghiệp thép Anh sẽ được cứu, các doanh nghiệp thép trong nước sẽ có nhiều cơ hội thắng thầu hơn và sẽ cạnh tranh hiệu quả hơn với các doanh nghiệp nước ngoài”.
Reuters dẫn lời của phát ngôn viên Bộ Kinh doanh, Đổi mới và Kỹ năng Anh (BIS) cho biết, sẽ phải mất từ 6 đến 9 tháng để giới thiệu các quy định mới cho các doanh nghiệp.
Theo nhiều nhà phân tích nhận định, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng thép tại Anh, bao gồm xu hướng mở cửa thị trường khiến chính phủ nước này không thể bảo vệ ngành thép nội địa bằng cách áp thuế cao với thép nhập khẩu; sự cạnh tranh của thép Trung Quốc giá rẻ; các quy định cứng nhắc của EU ngăn cản việc cứu ngành thép và sự phản ứng quá chậm chạp của chính phủ Anh.
Cẩm Bình (theo IB Times)