Giàu trong xót xa
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:39, 07/04/2016
>> Kỳ 1: Trâu tìm về Giàng, người tìm khánh kiệt
>> Kỳ 2: Ngày tàn của những 'xóm biệt thự'
>> Kỳ 3: Giai thoại về những 'Công tử Bạc Liêu núi'
Không được tiêu tiền, ăn lá ngón tự tử
Đó là câu chuyện của gia đình anh Đinh Văn Ghen (thôn Nước Đốp, xã Sơn Long, Sơn Tây, Quảng Ngãi). Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch xã Sơn Long cho hay, gia đình Ghen nhận gần 3 tỉ đồng từ đền bù thủy điện Đăkđrinh và tái định cư tự do tại chỗ.
Không ăn tiêu như những người khác, ngoài gửi tiền ngân hàng hiện khoảng 700-800 triệu, Ghen mua két sắt về để trong nhà, đúc vàng thỏi, cột tiền cọc bỏ trong đó. Nhiều cán bộ thôn bản và người dân vẫn kể, Ghen chỉ cất vậy chứ không tiêu, lâu lâu lại mở két sắt ra ngắm.
“Nhà Ghen vẫn còn rừng rẫy bát ngát, 3 đứa con và một người vợ”, ông Vượt cho hay. Nhưng có tiền lại là bi kịch đối với vợ Ghen. Mua con cá, sắm cái quần, chi tiêu cái gì vợ cũng phải thông qua ý kiến của Ghen. Chán nản vì có tiền mà chồng không cho tiêu, tháng 10.2015, vợ Ghen ăn lá ngón tự tử. Vợ chết, Ghen làm đám tươm tất; giờ vẫn một mình nuôi 3 đứa con và hằng ngày ngắm két sắt.
Xót xa nhìn người thân
Ở khu tái định cư A Nhoi 2, xã Sơn Long; anh Đinh Văn Công nổi lên là một tấm gương biết làm ăn của người đồng bào Kadong.
Trước khi lên tái định cư, chồng đi lái xe tải chở keo, vợ ở nhà túc tắc nuôi 3 đứa con. Đi khỏi lòng hồ, gia đình anh Công nhận được hơn 1 tỉ tiền đền bù. Ngoài xây nhà, anh dồn tiền mua 20 con bò, 6 con dê, 15 ha rừng; anh còn bàn với vợ bán chiếc xe tải chở keo đi, thêm tiền mua lại một chiếc xe ô tô con để vừa cho gia đình đi lại, hàng xóm ai đau ốm hay có nhu cầu thì nhờ chở dịch vụ.
Đến nay, đàn bò đã đẻ thêm được nhiều con; lũ dê cũng đã tăng thành viên. Anh bán bớt bò, mua hàng tấn lưới B40 về rào quanh rừng lập trang trại. Ngày ngày, vợ ở nhà chăm con học hành, chồng vào rẫy chăn gia súc, cuộc sống khá giả dần lên.
Vợ anh Công, chị Đinh Thị Hợi khiêm tốn: “Trước khi nhận đền bù khổ lắm, giờ đỡ hơn rồi”. Chị Hợi là chị gái ruột của Đinh Văn Thiên, một trong những vị ‘công tử’ trác táng nức tiếng Sơn Long. Cha chị, ông Đinh Văn Điền nhận đền bù hơn 2 tỉ đồng nhưng đứa em trai phá sạch. Chán con, còn bao nhiêu tiền ông Điền xuống xã kế bên mua đất dựng nhà sinh sống, bỏ hoang ngôi nhà biệt thự ở khu tái định cư.
Chị Hợi kể: “Những ngày nó phá phách, 3 chị em gái tập trung tới khuyên bảo nó và cha mẹ; rằng nó là con trai duy nhất trong nhà, tuổi còn trẻ, còn tí đất nào rồi thì cũng của nó nên đừng phá nữa. Vậy mà nó chỉ dạ chứ không nghe, nó không biết thương bản thân nó”.
“Ông bà già lúc đầu cũng không nghe, cho rằng mấy đứa con gái ghen tị với thằng Thiên, ông bà thương nó nên để nó phá hết của cải mới nhận ra. Giờ ông già cấm tiệt nó vào nhà, nó xin tiền không cho. Vợ nó chịu không nổi đi lấy người khác. Nó lang thang ở đâu không biết nữa. Ngày trước, không xin được ai nữa thì nó về đây xin, anh Công cho vài triệu tiêu. Nhưng rồi miết không đủ cho nữa. Mấy đợt gần đây nó lại về, áo quần chỉ độc một bộ, hôi hám; nhưng cũng không thể cứu vãn được, chỉ cho nó vài trăm uống nước rồi thôi”, chị buồn bã.
Giờ nhắc đến Thiên thì anh Công, chị Hợi chỉ biết lắc đầu thương xót cho một giọt máu ruột thịt. “Từ nhỏ đến giờ nó không biết làm cọng cỏ chết, không biết lao động. Ông bà già chiều nó để rồi thành như hôm nay. Giờ chỉ mong nó tu chí lại mới được. Còn không thì nhờ Giàng thôi”.
Mong có chính sách đặc thù hỗ trợ dân TĐC
Chủ tịch xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt thở dài: “Đa phần những người nhận tiền đền bù tái định cư đang đối mặt với khó khăn. Chỉ một vài người có ý thức tiết kiệm làm giàu”.
Trong 33 hộ dân ở khu tái định cư A Nhoi 2 thì 3 hộ bỏ nhà hoang chưa ra ở vì không thích ứng với cuộc sống mới. 18 hộ còn đất sản xuất ở chỗ cũ nhưng đường sá xa xôi nên phần lớn cũng ở lại làm rẫy cả tháng. 15 hộ thay vì được cấp 10 ngàn m2 đất rừng thì quy đổi thành 4.000 m2 đất lúa nước/hộ. Tuy nhiên, do tập quán bà con chưa quen làm lúa, đất cải tạo còn mới nên năng suất không có. Chúng tôi đang phải vận động bà con chuyển đổi cây lúa sang trồng bắp, trồng mì để phù hợp đất trồng.
“Tiền người dân nay hết rồi, phần lớn phải đi làm thuê mướn. Nên chúng tôi rất cần có chính sách hỗ trợ đặc thù riêng cho người dân khu tái định cư ngoài các chương trình đã có như 30a. Có như vậy mới hỗ trợ được cơ bản đời sống người dân; trước mắt là về kinh tế và miếng ăn, rồi mới tính tới việc thay đổi nhận thức, tập quán…”, ông Vượt mong muốn.
Kỳ tới: Nơi trẻ em mang bầu đi học
Lê Đình Dũng