Ông bán vé số đốt đôla giả xả xui: Tiền giả hay vàng mã?

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:51, 25/05/2015

Thông tin mới nhất cho thấy ông bán vé số dạo không chỉ giữ đôla giả đốt xả xui mà còn đưa cho bạn tình đi đổi ở tiệm vàng...
Không xử lý số đôla âm phủ
Đại tá Nguyễn Thị Vịnh (Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp) cho biết: Sau khi quan hệ tình dục với một phụ nữ, Lượng đưa cho người này một tờ 100 USD để đến tiệm vàng đổi thì bị tiệm vàng phát hiện là đôla giả.
Từ đó cơ quan chức năng đã truy ra Lượng. Khám xét trong người Lượng, cơ quan chức năng phát hiện thêm 34 tờ đôla loại mệnh giá 100 USD ghi năm phát hành 2009 cùng 11 tờ đôla âm phủ ghi dòng chữ “Ngân hàng địa phủ”. Kết quả giám định cho thấy 34 tờ đôla loại mệnh giá 100 USD ghi năm phát hành 2009 là giả.
Đại tá Vịnh khẳng định cơ quan điều tra chỉ xử lý Lượng về hành vi tàng trữ, lưu hành 35 tờ đôla giả loại mệnh giá 100 USD (được làm giả y như tờ 100 USD thật) chứ không phải về số đôla âm phủ mà người dân vẫn thường sản xuất, mua bán, sử dụng để đốt vàng mã theo phong tục. Việc Lượng mang theo người số đôla âm phủ này chỉ nhằm che mắt mọi người với chiêu “đốt xả xui”.
Đã có hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả
Về mặt pháp lý, TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét: Điều 180 BLHS quy định bốn tội là làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả. Theo Nghị quyết 02/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì tiền giả tại Điều 180 BLHS bao gồm tiền Việt Nam đồng giả và ngoại tệ giả. Văn bản này cũng định nghĩa tàng trữ tiền giả là hành vi cất giữ tiền giả ở bất cứ đâu như trong người, trong nhà, nơi làm việc...; lưu hành tiền giả là hành vi đổi chác, mua bán, tặng cho, cho vay tiền giả... Bất cứ ai làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả với bất cứ số lượng nào cũng đều thỏa mãn dấu hiệu của tội này và mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc để định tội.
Trong vụ việc trên, khi cơ quan chức năng khám xét thì phát hiện trong người Lượng đang giữ 11 tờ đôla âm phủ và 34 tờ đôla mệnh giá 100 USD. Ở đây, theo hướng dẫn trong Nghị quyết 02/2003 thì 11 tờ tiền âm phủ không phải là tiền giả, chỉ có 34 tờ đôla mệnh giá 100 USD (cùng với một tờ tương tự mà Lượng đưa cho bạn tình để đem ra tiệm vàng đổi) mới là tiền giả.
Theo TS Tuấn, Lượng đã có hai hành vi phạm tội là tàng trữ tiền giả (với 34 tờ đôla giả mệnh giá 100 USD mà cơ quan chức năng thu giữ trong người Lượng) và lưu hành tiền giả (với một tờ đôla giả mệnh giá 100 USD mà Lượng đưa cho bạn tình để đem đi đổi tại tiệm vàng). Do đó, quyết định khởi tố của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp là chính xác.
Cũng theo TS Tuấn, hai hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả có liên quan chặt chẽ với nhau nên cơ quan tố tụng chỉ xử lý về một tội danh là tàng trữ, lưu hành tiền giả. Về mặt lý luận hình sự thì trường hợp này được gọi là tội ghép. Theo hướng dẫn trong Nghị quyết 02/2003, nếu tiền giả có giá trị tương ứng từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng tiền Việt Nam thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 180 BLHS.
Ở đây Lượng tàng trữ, lưu hành 35 tờ đôla loại mệnh giá 100 USD giả, theo tỉ giá quy đổi hiện nay là hơn 76 triệu đồng, thuộc trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều 180 BLHS (khung hình phạt từ năm năm tù đến 12 năm tù). Ngoài ra, Lượng còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản theo khoản 4 Điều 180 BLHS.
Đồng tình, luật sư Lưu Văn Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) bổ sung: Riêng về hành vi lưu hành tiền giả, dù Lượng khai chỉ giữ đôla giả để đốt xả xui nhưng quá trình xác minh cho thấy Lượng biết đó là tiền giả mà vẫn đưa cho người khác đi đổi. Điều này thể hiện ý thức phạm tội rất rõ, đó là ý thức chủ động đưa tiền giả vào lưu thông nhằm lừa người khác để tư lợi.
Chỉ giữ tiền giả để sưu tầm có phạm tội?
Từ vụ việc trên, một vấn đề mà nhiều bạn đọc thắc mắc là giả sử một người chỉ giữ tiền giả để làm kỷ niệm hay sưu tầm, không đem số tiền giả đó đi giao dịch như đổi chác, mua bán, tặng cho, cho vay... thì có phạm tội tàng trữ tiền giả hay không?
ThS Nguyễn Đình Thắm (khoa Tội phạm học và điều tra tội phạm Phân hiệu Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM) cho biết tội tàng trữ tiền giả theo quy định tại Điều 180 BLHS là tội có cấu thành hình thức, tức chỉ cần có hành vi tàng trữ tiền giả, không cần biết tàng trữ để làm gì hay đã gây ra hậu quả gì hay chưa cũng đều có thể bị khởi tố. Điều luật không quy định mức định lượng tối thiểu để xử lý hình sự, tức tàng trữ bao nhiêu tiền giả thì phạm tội. Nghị quyết 02/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng chỉ hướng dẫn nếu tiền giả có giá trị tương ứng dưới 10 triệu đồng tiền Việt Nam thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 180 BLHS (cấu thành tội phạm cơ bản, khung hình phạt từ ba năm tù đến bảy năm tù).
Như vậy, chỉ cần một người có hành vi tàng trữ tiền giả, không cần biết trị giá bao nhiêu, để làm gì cũng đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, tùy trường hợp cụ thể mà cơ quan tố tụng sẽ cân nhắc khởi tố hay áp dụng khoản 4 Điều 8 BLHS để xử lý (những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác).

Chiều 22-5, VKSND tỉnh Đồng Tháp đã phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt tạm giam Lượng về tội tàng trữ, lưu hành tiền giả. Lượng khai số USD giả mang trong người mua ở An Giang, mỗi khi bán vé số dạo ế thì Lượng lấy ra đốt xả xui. Những lần đầu đốt thấy có “hiệu nghiệm” nên Lượng mua nhiều đôla giả mang theo.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 8-5, Lượng có mặt ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) cưa cẩm rồi “quan hệ” với một phụ nữ tại phòng trọ. “Xong việc” Lượng thập thò để bạn tình thấy mình có USD. Khi cô này kêu đưa tiền trả tiền thuê phòng, Lượng nói không có tiền Việt, bảo bạn tình trả trước, lát đi ăn sẽ trả lại. Khi đi ăn, Lượng đưa tờ 100 đôla để bạn tình đem đi đổi thành tiền Việt và hứa sẽ thưởng. Cô gái cả tin, đem tờ 100 đôla đó tới một tiệm vàng để đổi thì bị phát hiện là đôla giả…
Trước lúc bị bắt, Lượng nhiều lần xuất hiện ở Lấp Vò và lân la làm quen với nhiều phụ nữ. Vào thời điểm bị khám xét, trong người Lượng có khoảng 5 triệu đồng tiền Việt.
Theo Gia Tuệ - Thanh Tùng
(Pháp luật TP.HCM)


Một Thế Giới