Trót nợ xã hội đen thì giám đốc cũng phải tự sát
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:32, 10/09/2015
Là một giám đốc công ty bán máy tính ở TP.HCM nhưng số phận ông L. lại kết thúc bằng cái chết trong tư thế treo cổ cùng bức thư tuyệt mệnh. Từ việc vay 300 triệu đồng để kinh doanh, ông L. đã trở thành con nợ với số tiền lên tới hàng tỉ đồng.
Theo VNN, khoảng cuối năm 2013, vợ chồng ông L có vay số tiền 100 triệu đồng với thỏa thuận 1 tháng sau trả tổng cộng 120 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Sau đó, vợ chồng ông tiếp vay khoảng 300-400 triệu đồng. Lúc đầu, vợ chồng ông trả góp 12 triệu đồng/ngày, sau đó, do không trả nổi nên ông xin giảm dần xuống theo mức 50-40-35 triệu đồng/10 ngày.
Mặc dù trả lãi suất gấp nhiều lần so với số tiền gốc vay nhưng chỉ trong thời gian ngắn ông L. không trả được, “lãi mẹ đẻ lãi con” và đến nay số nợ lên đến 1,2 tỉ đồng.
Phía chủ nợ ép vợ chồng ông L. bán nhà với giá 2,5-2,7 tỉ đồng cho họ, trong khi căn nhà này đã có người đặt cọc mua 3 tỉ đồng. Do không đồng ý, ông đã bị đối tượng tín dụng đen đe dọa, yêu cầu ký vào giấy nợ 1,2 tỉ đồng. Và tối hôm đó, ông L. đã treo cổ tự tử.
Nếu không trả nợ thì có thể sẽ bị như câu chuyện của anh M. (huyện Thanh Trì, HN) vì cần vốn làm ăn, cách đây không lâu đã vay tiền của một số người. Việc làm ăn không thuận buồm xuôi gió, khiến anh lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Tháng 6.2015, anh M. bị các đối tượng ép lên taxi tới quận Hà Đông. Tại đây, anh đã bị các đối tượng hành hạ, đánh đập đến ngất đi. Sau khi đưa nạn nhân đi cấp cứu, nhóm đối tượng trên đã ép nạn nhân viết giấy nợ 800 triệu đồng rồi mới thả.
Các kiểu cho vay của tín dụng đen phổ biến là cho vay tháng với lãi suất từ 3-5%/tháng (khoảng 36 đến 54%/năm), vay ngày với lãi suất từ 0,3-0,5 có khi là 1%/tháng, tương đương từ 180-360%/năm. Lãi suất đáo hạn của tín dụng đen là 5.000 đồng/triệu/ngày, có khi lên tới 10.000 đồng/triệu/ngày, gọi theo cách của các chuyên gia trường hợp này là “uống thuốc độc để tồn tại”.
Theo An ninh Thế giới, nếu là con nợ thuộc dạng "chất rắn", bọn chúng sẽ bố trí cho vài tên đàn em theo dõi người thân trong gia đình của con nợ, như: vợ chồng, con cái, cha mẹ hay anh chị em... Nhưng, điều đặc biệt là khi theo dõi, bọn chúng thường cố ý cho người bị theo dõi phát hiện ra chuyện... mình đang bị theo dõi. Chúng làm điều này là bởi, giang hồ chuyên nghiệp cũng chỉ mong chuyện đòi nợ diễn ra êm thấm, càng ít người biết càng tốt, và nếu hăm dọa có thể xong việc thì đó chính là chuyện mà dân giang hồ đều hy vọng "cầu được, ước thấy". Và khi cách thức này không được, bọn chúng mới gây án..
Phong Vũ (tổng hợp)