TP.HCM quyết di dời “chợ tử thần” Kim Biên

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:43, 04/12/2014

Chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM) nổi tiếng là đầu mối cung cấp nhiều loại hóa chất, trong đó có nhiều phụ gia thực phẩm. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, các cơ quan chức năng không thể cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho những hộ kinh doanh nơi đây. UBND TP.HCM cùng các cơ quan chức năng đã có chủ trương quyết tâm di dời các hộ kinh doanh hóa chất đến khu chợ mới.
Tồn tại nhiều bất cập trong chợ
Chợ Kim Biên bắt nguồn từ một chợ tự phát chuyên bán USD vào khoảng năm 1960. Sau năm 1975, chợ trở thành nơi buôn bán các mặt hàng hóa chất công nghiệp, hóa chât độc hại, phụ gia thực phẩm. Theo ông Trần Ngọc Hiệp - Trưởng Ban Quản lý (BQL) chợ Kim Biên, sau khi được xây dựng từ một chợ xập xệ lên thành bán kiên cố vào năm 2007, chính quyền Q.5 đã có chủ trương không tăng số lượng sạp hiện có buôn bán mặt hàng này. Do đó, từ 50 hộ kinh doanh mặt hàng hóa chất, hương liệu phụ gia thực phẩm trong hàng trăm sạp tại chợ, hiện nay giảm dần chỉ còn 17 hộ.
Tuy nhiên, nhận thấy an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) chưa được đảm bảo khi mỗi sạp bày bán đủ loại hóa chất với diện tích chỉ 2m2 đặt san sát nhau và nhiều hệ lụy từ việc kinh doanh các mặt hàng hóa chất nhạy cảm, UBND TP.HCM từ lâu đã có chủ trương di dời những hộ kinh doanh mặt hàng này sang một địa điểm mới. Trung tâm Thương mại Phương Đông (số 40 Kim Biên, ngay đối diện chợ) - nơi chuyên buôn bán hóa chất, phụ gia thực phẩm, công nghiệp của Tập đoàn hóa chất Việt Nam, được chọn là địa điểm mới để di dời 17 sạp này.
Một bất cập khác là việc các hộ kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm từ năm 2013 đến nay vẫn không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Do đó, Sở Công thương TP.HCM đã ban hành thông báo về kế hoạch tăng cường kiểm soát, quản lý hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố nói chung, chợ Kim Biên nói riêng. Và hơn 1 năm nay, BQL chợ liên tục kiểm tra để đảm bảo các hộ kinh doanh này không kinh doanh các mặt hàng sai quy định của pháp luật.
Trong thông báo số 6859/TB-SCT ban hành ngày 15.7.2014, Sở Công Thương đã có đề nghị UBND Q.5 làm việc với CTCP Sản xuất và Thương mại Phương Đông (đơn vị quản lý Trung tâm Thương mại Phương Đông) có chính sách ưu đãi, nhất là về tiền thuê sạp để tiện cho các tiểu thương di dời. Chính quyền Q.5 cùng với BQL chợ theo đó đã nhiều lần tổ chức lấy ý kiến, vận động di dời 17 hộ kinh doanh hóa chất tại chợ qua Trung tâm Thương mại Phương Đông. Tuy nhiên, phần đông tiểu thương chợ Kim Biên không đồng tình với chủ trương này.
Khó khăn trong việc vận động di dời
Kim Bien
Các sạp bán hóa chất nằm san sát nhau hứng ánh nắng mặt trời rất dễ xảy ra nguy cơ cháy nổ
Theo quan sát của chúng tôi, tình hình buôn bán ở ngôi chợ được mệnh danh là “chợ tử thần” này khá phức tạp. Bên hông chợ, hàng chục ki-ốt và cửa hàng bày bán các sản phẩm hóa chất độc hại, nguy hiểm. 
Diện tích gian hàng nhỏ hẹp nhưng số lượng hàng hóa là hóa chất, hương liệu thì có thể lên tới gần 100 mặt hàng, từ nguyên phụ liệu giặt tẩy, chống ẩm mốc, hút ẩm đến hương liệu để tạo mùi thực phẩm, hương liệu tẩm ướp….
Đa số tiểu thương kinh doanh hóa chất ở đây theo kiểu “cha truyền con nối”, ít người được đào tạo căn bản hiểu biết nhất định về hóa chất, do vậy, người bán những mặt hàng “nhạy cảm” này cũng không có đủ kiến thức về tính chất, chuẩn dùng của những mặt hàng mình kinh doanh. Điều này dễ gây nguy hại khi các tiểu thương hướng dẫn cho người mua, người tiêu dùng cách sử dụng như thế nào.
Như thông tin ban đầu, các tiểu thương bán hóa chất tại chợ Kim Biên tới đây sẽ có chủ trương di dời về Trung tâm Thương mại Phương Đông. Theo Phòng Y tế Q.5, UBND quận đã vận động các cơ sở này tập trung về buôn bán hóa chất tại địa điểm mới nhưng đến nay, các tiểu thương vẫn chưa đồng ý di dời.
Những lý do từ chối được đưa từ phía các tiểu thương như tiền thuê mặt bằng cao hơn so với tiền thuê sạp hiện nay; vị trí kinh doanh hiện nay của các tiểu thương ngay mặt đường Vạn Tượng nên thuận lợi với người buôn kẻ bán và không ít tiểu thương cho rằng, khi vào trung tâm thương mại, kinh doanh sẽ gặp khó khăn(?!).
Trưởng Ban quản lý chợ Kim Biên cho biết: “Thời gian đầu tiểu thương chuyển qua khu thương mại, chúng tôi sẽ hỗ trợ mức giá thuê bằng với hiện tại để họ yên tâm và làm quen với nơi kinh doanh mới”.
Tuy nhiên, dường như thông tin này vẫn không làm người kinh doanh cảm thấy yên tâm hơn. Chị Mai, chủ một tiệm kinh doanh hóa chất tại đây, cho biết: “Tôi có nghe thông tin sẽ di dời nhưng không biết thế nào. Nói chung, 17 sạp chợ chúng tôi không ai mong muốn bị dời đi cả. Một lần dời là một lần khó. Ở đây buôn bán đã ế, nếu dời vào trong đó chắc bán càng không được hàng”.
Một tiểu thương khác ở sạp kế bên tỏ ra khá bức xúc chia sẻ: “Chúng tôi luôn chấp hành nghiêm túc các quy định của BQL chợ, từ việc đóng thuế, giữ vệ sinh đến việc dời sạp từ trên lầu xuống đây, giờ kêu chúng tôi dời nữa thì tội chúng tôi quá. Chúng tôi ở đây hơn hai chục năm rồi, ổn định như vậy, thay đổi là điều chúng tôi không mong muốn”.
Trong khi đó, chủ cửa hàng Ngọc Diễm tỏ ra bình tĩnh đón nhận thông tin hơn: "Khi nào có quyết định chính thức của BQL chợ thì tôi tính tiếp. Giờ hàng ngày tôi lo buôn bán như bình thường. Nếu có di dời thì sẽ tính sau..."
Việc lo lắng khi chuyển địa điểm kinh doanh khiến tình trạng ế ẩm thêm nghiêm trọng của các tiểu thương chợ Kim Biên, rõ ràng đang là vì lợi ích riêng. Trong khi đó, sẽ rất thuận lợi cho công tác quản lý hóa chất, hương liệu thực phẩm khi các cửa hàng đều quy về một mối. Dù vị trí không nằm ở mặt tiền, nhưng với những khách hàng có nhu cầu tìm mua thì dĩ nhiên cách duy nhất là họ vẫn vào khu thương mại để mua sản phẩm.
Độc giả đồng tình với chủ trương di dời chợ của UBND TP.HCM
Thông tin di dời chợ Kim Biên “râm ran” từ giữa tháng 11 nhận được không ít ý kiến đồng tình của độc giả. Anh Nhân Khánh (32 tuổi, ngụ tại Q.8, TPHCM) cho biết: “Rất nên dời khu chợ hóa chất đến nơi thuận tiện cho việc PCCC. Đồng thời, phải quản lý tận gốc nguồn hàng chứ cứ để tự do buôn bán hàng hóa nhập lậu độc hại thì giống như đánh bùn sang ao mà thôi”.
“Chính quyền Q.5 cần làm kiên quyết, vừa tuyên truyền vận động vừa bắt buộc, phải di dời khu chợ này ra xa khu dân cư càng tốt. Thứ nhất là dễ quản lý, thứ hai là tránh những rủi ro không đáng có. 
Chỉ sau thời gian ngắn thì khách hàng cũng sẽ quen địa điểm mới và việc buôn bán bình thường trở lại. Cuối cùng là phải xử lý nghiêm cả người bán lẫn người mua nếu có hiện tượng mua bán “chui” tại chợ cũ. Có như thế mới mong dẹp được ngôi chợ “tử thần” này” - anh Tuấn (47 tuổi), một người dân sống gần khu chợ, chia sẻ.
Theo Đời sống & Tiêu dùng

Một Thế Giới