Hà Nội: Nông dân méo mặt vì cam rụng quả hàng loạt trước Tết

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 03:42, 17/12/2014

Những tháng giáp Tết nguyên đán 2014, một số huyện ngoại thành của Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức… bỗng xuất hiện tình trạng cam rụng quả hàng loạt khiến cho nông dân lo lắng. Biểu hiện ban đầu của cam là vàng lá, sau đó, quả nứt, rụng. Nhiều gia đình đã phải phá bỏ để trồng các loại cây ăn quả khác như táo, ổi…

Nhổ cam trồng táo, ổi…

Hầu hết các hộ nông dân trồng cam ở Thanh Oai, Hoài Đức…đều mắc chung một chứng bệnh, đó là cây cam đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch bỗng vàng lá, rụng quả. Người dân đã dùng đủ mọi cách từ phun thuốc kích thích ra rễ, trừ sâu bệnh…nhưng vẫn không cứu được, nhiều hộ đã phải phá bỏ đi để chuẩn bị trồng ổi, táo…

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn cam, bà Nguyễn Thị Thành (59 tuổi) ở thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai xót xa cho biết: “Cam rụng nhiều quá mà không cách nào cứu chữa chú à. Năm nay, nhà tôi trồng hơn 5 sào cam mà năng suất thu hoạch không bằng một nửa năm trước”.

Từ đầu tháng 10 đến nay, gia đình bà Thành đã thu nhặt gần 3 tạ cam rụng, trong đó đa phần là cam bị nứt rụng, song, có nhiều cây quả không bị nứt, quả lành lặn vẫn rụng. Mặc dù, gia đình bà đã mua rất nhiều loại thuốc về phun cho cam nhưng tình trạng cam vàng lá, rụng quả vẫn không ngừng diễn ra.
cam-rung-qua-hang-loat-hinh-anh-1
Nhiều diện tích cam không ra quả hoặc bị rụng người dân đã chặt bỏ để trồng cây ăn quả khác. 
Cùng cảnh với gia đình bà Thành, gia đình ông Lê Văn Nếp (66 tuổi) ở thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai có hơn 6 sào cam cũng đang rụng quả hàng loạt. Dù đã có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng cam nhưng ông Nếp vẫn không thể hiểu được vì sao cam vườn nhà mình năm nay lại mất mùa.

Cầm mấy quả cam rụng trên tay, ông Nếp tâm sự: “Đầu vụ, thấy cam ra hoa, đậu nhiều quả, 2 vợ chồng tôi mừng lắm, nhưng đến khi quả to bằng đầu đũa thì bắt đầu bị rụng hàng loạt. Tôi đã đi hỏi khắp nơi những cũng không rõ bệnh, mua đủ loại thuốc phun, chữa trị nhưng vẫn không cứu được cam”.

Ông Nếp cho biết thêm, ngoài diện tích cam đang vào mùa thu hoạch bị rụng quả, vườn nhà ông còn nhiều diện tích cam mới trồng đến mùa vào quả cũng bị bệnh vàng lá, không ra quả khiến gia đình ông phải phá bỏ đi khá nhiều. “Vụ cam năm nay có khi mất trắng, gia đình tôi nguy cơ mất Tết vì thiệt hại nặng quá”, ông Nếp ngậm ngùi.

Gia đình ông Nguyễn Văn Khuê ở thôn Tràng Cát cũng rơi vào hoàn cảnh thê thảm khi vừa phải nhổ đi hơn 3 sào cam mà 2 vợ chồng ông phải chăm sóc mấy năm trời. Hàng trăm triệu đồng tiền vốn đầu tư vào mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu… nay đều mất trắng.

“Hơn 2 năm trời đội nắng, đội mưa chăm sóc, đến giờ cam bị bệnh lạ vàng lá, không cho quả, 2 vợ chồng tôi đành phải phá bỏ đi để chuẩn bị trồng ổi, táo hoặc cây gì đó có thu nhập chứ cứ để cây cam lại vừa thất thu lại vừa hại đất”, ông Khuê chia sẻ.
cam-rung-qua-hang-loat-hinh-anh-2
Người dân đang tiến hành trồng táo, ổi...để thay thế những cây cam bị bệnh, không năng suất.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Một Thế Giới, ông Đỗ Hùng Cường – Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Kim An cho biết: Toàn xã hiện có hơn 60 ha cam canh, với trên 400 hộ trồng, trong đó diện tích cho thu hoạch hơn 40ha. Tuy nhiên, trong vụ cam 2014 này, diện tích cam bị nhiễm bệnh nhiều, chiếm 2/3 diện tích. Hiện có một số diện tích bị bệnh nặng không ra quả đã được bà con phá bỏ đi để tránh lây lan sang các ruộng khác.

Theo khảo sát của phóng viên, ngoài diện tích trồng cam của xã Kim An bị các bệnh trên mà tại các diện tích cam của các xã như  Cao Viên (Thanh Oai), xã Đắc Sở (Hoài Đức)…cũng không tránh khỏi tình trạng trên.

Cam rụng do lỗi kỹ thuật khi trồng?

Theo ông Cường, mỗi năm, xã Kim An tổ chức 4 lớp tập huấn kỹ thuật trồng và phòng chống sâu bệnh trên cây cam cho khoảng 400 học viên là bà con nông dân trồng cam.

“Bà con nông dân đều đi học đông đủ cả, song khi về lại thường không áp dụng kiến thức đã học vào trồng mà chủ yếu vẫn làm theo ‎ý mình. Họ trồng tự phát, tham trồng dày, phun thuốc trừ sâu bừa bãi…không theo quy định, dẫn đến dịch bệnh bùng phát, khó kiểm soát”, ông Cường cho hay.

Ông Cường dẫn chứng, theo quy định hưỡng dẫn canh tác 1 sào đất chỉ trồng từ 40 đến hơn 45 cây, nhưng một số hộ dân ở xã Kim An trồng đến hơn 400 cây/1 sào (gấp 10 lần quy định) cùng với đó là tình trạng nông dân chăm sóc, bón phân, phun thuốc trừ sâu không hợp l‎ý dẫn đến cây trồng còi cọc, không đủ dinh dưỡng để phát triển, sâu bệnh nhiều, phức tạp khó kiểm soát. Ngoài ra, nguyên nhân về giống kém chất lượng và thời tiết thất thường cũng khiến cho cam bị các bệnh trên.

Bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Hà Nội) cho biết: Diện tích trồng cây ăn quả của toàn Hà Nội là khoảng 16.000ha, trong đó, diện tích cam canh có gần 800ha phân bố chủ yếu tại các huyện như Hoài Đức, Thanh Oai…

“Có thể nói, cam là một cây trồng khó tính, cần chế độ chăm sóc phù hợp, tuy nhiên, tại các vùng trồng cam, người dân vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, tự phát không chịu đưa khoa học - kỹ thuất vào làm, dẫn đến nhiều diện tích cam bị bệnh nhiều, kém năng suất”, bà Thoa khẳng định.

Ông Cao Văn Chí – Trưởng phòng chuyển giao (Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây có múi (Viện nghiên cứu rau quả) cho biết: “Sau khi đi kiểm tra các diện tích cam mắc bệnh ở một số huyện ngoại thành Hà Nội, chúng tôi xác định cam mắc bệnh chủ yếu là do người dân trồng chưa đúng kỹ thuật và chữa trị cho cam cũng chưa đúng phương pháp nên dẫn đến tình trạng cam rụng quả hàng loạt như vậy”.

Để chữa trị các các diện tích cam đang bị bệnh vàng lá (Greening), ông Cao Văn Chí cho biết: Đối với vườn mới trồng, bà con cần loại bỏ cây bị  bệnh, trồng lại cây sạch bệnh. Đối với vườn đang cho quả, bà con cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm và cưa bỏ cành bệnh. Khi vườn cây bị bệnh nặng, không còn hiệu quả kinh tế phải chặt bỏ cả vườn, trồng cây khác vài năm sau đó mới trồng lại cam.

Đối với bệnh tàn lụi (Tristeza) cách phòng trừ, bà con cần chọn gốc ghép kháng bệnh hoặc chịu bệnh để sản xuất  cây giống. Tạo điều kiện tốt ngay từ đầu để cây sinh trưởng khoẻ, tăng khả năng chống chịu bệnh. Phòng trừ  triệt để rệp Toxoptera sp - môi giới truyền lan bệnh. Loại bỏ sớm những cây bệnh để hạn chế lây lan trên diện rộng.

Triệu Quang

Một Thế Giới