11 cách chống nóng ít tốn kém cho căn nhà chật hẹp
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:13, 02/06/2015
Chống nóng cho nhà vào những dịp nóng kỷ lục như thế này là mối quan tâm của nhiều người, nhất là những nhà chật hẹp, bức bối.
Dưới đây là một số cách chống nóng hữu hiệu cho những căn nhà chật hẹp:
1. Đối với những ngôi nhà có diện tích nhỏ, một trong những yếu tố giúp giảm cảm giác ngột ngạt, nóng bức ngày hè đó là bài trí đồ nội thất hợp lý. Đồ dùng trong nhà xếp càng gọn gàng thì càng thông thoáng. Nhà diện tích nhỏ nên tận dụng các tủ tường để đồ đạc, tiết kiệm không gian.
Đồ nội thất chọn các loại có màu sắc mát mẻ (xanh dương, xanh lá...), chi tiết đơn giản để tránh gây cảm giác nặng nề, giảm độ thông thoáng của căn nhà.
2. Nếu cần sử dụng điều hoà không khí chống nóng cho nhà, các phòng nên được bố trí sao cho ngôi nhà chia thành các khu vực độc lập. Mỗi khu vực có thể được làm mát tới một nhiệt độ theo ý người sử dụng.
3. Một căn phòng nên có hai cửa sổ không cùng phía để giúp lưu thông gió. Nhà nhỏ, để có thẩm mỹ mà vẫn đảm bảo lưu thông gió, bạn chỉ cần tạo những ô cửa sổ nho nhỏ, loại cửa kéo một bên hoặc dùng cửa cánh kéo lên, hạ xuống. Tránh bố trí cửa gió vào, và gió ra cùng 1 phía, gió sẽ quẩn, không lưu thông được.
4. Nếu có thể, nên hạn chế dùng cửa nhôm kính vì khả năng gây bức xạ nhiệt rất cao. Nếu dùng cửa nhôm kính nên dùng giấy dán chống nóng hoặc dùng kính chống bức xạ. Tuy nhiên, chi phí cho vật liệu chống nóng này khá đắt.
5. Nhà ống, nhà chật hẹp hay bị nóng, không khí kém lưu thông nên rất cần lỗ thông gió.
6. Đối với các nhà đô thị có diện tích nhỏ không thể bố trí giếng trời hoặc hồ nước để làm mát nhà, bạn có thể thiết kế mặt nước theo chiều đứng bằng các mảng tường có vòi phun và rãnh thu nước nhỏ bên dưới, hoặc sử dụng kính nước lạ mắt.
Nếu các không gian quá nhỏ, không thể làm kính nước, bạn có thể dùng các chậu đất nung hoặc bể nhỏ, thả hoa hoặc các loại cây thủy sinh, dùng đài phun nước mini để tạo cảm giác dịu mát cho ngôi nhà.
7. Sử dụng các vật liệu chống nóng cho mái (tôn, gạch, tấm nhựa). Chú ý về các vật liệu chống nóng giá rẻ như xốp, tuy hạn chế nhiệt nhưng không có khả năng chống cháy, biến dạng khi gặp nhiệt cao.
8. Khi xây nhà, có thể sử dụng vật liệu cách nhiệt như gạch rỗng, tấm cách nhiệt cho tường, nhất là phía tường hứng ánh nắng gay gắt.
9. Giảm độ phát xạ của bề mặt công trình bằng cây cối, nhưng để tiết kiệm diện tích nên trồng các loại dây leo trên tường (dùng dây treo hoặc lưới thép để cố định cây), thiết kế vườn rau sạch hoặc cây cảnh trên mái để giảm nhiệt.
10. Sử dụng các loại mành treo, bạt hạn chế ánh sáng mặt trời. Có thể phun nước lên mành để ngăn hơi nóng.
11. Khi xây dựng, bạn cũng có thể bố trí các phòng chặn nắng. Nếu được chọn, nên thiết kế phòng ngủ nên đặt hướng Đông để tránh ánh nắng chiều. Phòng để đồ, phòng tắm nên đặt ở hướng Tây để ngăn nóng. Phòng nghỉ, phòng tiếp khách nên đặt ở hướng Bắc vì ánh sáng chiếu vào buổi trưa ít nhất.
Theo Kiến Thức