Thịt bẩn ngày càng tràn lan thị trường
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:00, 22/10/2015
Hàng loạt thông tin về việc thịt bẩn ngày càng tràn lan thị trường, như heo sử dụng chất cấm, gà bị nhuộm vàng da bằng bột sắt... đang khiến người tiêu dùng lo ngại về mối nguy cho sức khỏe.
Theo báo cáo mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tính hết 9 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã thanh tra và phát hiện một số chỉ số an toàn thực phẩm chưa được cải thiện so với năm 2014.
Cụ thể, có 16% mẫu thịt phát hiện có Salmonella, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng, 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng và vượt ngưỡng cho phép.
Qua thanh tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và xử lý 5 công ty sử dụng chất cấm không có trong danh mục cho phép để sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thuốc thú y.
Tình trạng heo sử dụng chất cấm ngày càng tăng (Ảnh minh họa: Phan Diệu) |
Từ cuối tháng 9 đến nay, hàng loạt những sự việc về thịt heo sử dụng chất cấm như tiêm thuốc an thần, tăng trọng… ở TP.HCM đang khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại về chất lượng thịt. Nguy hiểm hơn là với những cách nhận biết thịt tươi ngon trước giờ so với “công nghệ” ngày càng tinh vi hiện nay, thì những đơn vị sản xuất hoàn toàn có thể “qua mặt” được người tiêu dùng một cách dễ dàng.
Theo Chi cục Thú y TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2015 đơn vị này đã kiểm tra 222 mẫu nước tiểu từ các đàn heo của 8 tỉnh có lượng thịt lợn lớn nhập vào TP.HCM là Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng và ở cả TP.HCM.
Kết quả phát hiện ra 31 mẫu là dương tính với việc heo sử dụng chất cấm beta-agonist (chất tạo nạc, tăng trọng cho heo). Trong đó, lượng heo xuất xứ từ Đồng Nai chiếm lượng tồn dư chất cấm “áp đảo” với 20/31 mẫu, Long An 3/31 mẫu, Tiền Giang 8/31 mẫu.
Người tiêu dùng khó phân biệt được thịt heo sạch với heo sử dụng chất cấm (Ảnh: Phan Diệu) |
Chi cục Thú y T.HCM cũng cho biết năm 2013-2014 việc sử dụng chất cấm trong heo có dấu hiệu giảm, tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2015 lại tăng đột biến. Ở TP.HCM, hiện chưa có hiện tượng này song phải chịu ảnh hưởng do nguồn cung từ các tỉnh khác đổ về. Đây là một vấn đề rất đáng lo ngại bởi nguy cơ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe người tiêu dùng.
Cơ quan chuyên môn tại TP.HCM cũng đã phát hiện người kinh doanh đã dùng bột sắt để nhuộm da cho gà. Việc tẩm ướp hóa chất tràn lan có thể giúp cho thịt gà có được sắc vàng óng ánh, thu hút được sự quan tâm và ủng hộ của người tiêu dùng. Loại bột này chỉ cần bỏ một lượng nhỏ là đã có thể nhuộm được khoảng trên dưới 100 con gà.
Việc tẩm ướp hóa chất tràn lan có thể giúp cho thịt gà có được sắc vàng óng ánh, thu hút được người tiêu dùng. (Ảnh: Phan Diệu) |
Qua kiểm tra của Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, loại bột nhuộm vàng da gà là một loại màu dùng trong công nghiệp sản xuất polymer, thuốc nhuộm tóc, cao su, mực in... Loại bột nhuộm da gà này tuyệt đối cấm sử dụng trong thực phẩm bởi nó là một dạng độc tố, khi tích lũy trong cơ thể con người có khả năng gây tổn hại cho gan và thận, gây ung thư da, ung thư bàng quang…
Chưa kể, ngoài việc sử dụng hóa chất công nghiệp để bảo quản thịt gia súc gia cầm thì qua kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN-PTNT) còn phát hiện việc lạm dụng các hoóc môn kích thích tăng trưởng như Sallbutamol, Clenbuterol... trộn vào trong thức ăn chăn nuôi ở nhiều trang trại. Đây đều là những chất bị cấm sử dụng vì nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người.
Với những thông tin thịt bẩn tràn lan như hiện nay, nhiều người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin vào thịt nội (Ảnh: Phan Diệu) |
Như vậy, với những thông tin thịt bẩn tràn lan thị trường như hiện nay, nhiều người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin vào thịt nội.
Tới đây, khi Việt Nam chính thức gia nhập vào Cộng đồng chung ASEAN hay Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực, thịt ngoại nhập vào sẽ ngày càng nhiều sau khi các dòng thuế dỡ bỏ. Lúc đó, khả năng người tiêu dùng sẽ ưu tiên chọn các loại thịt ngoại bởi độ an toàn và chất lượng của nó. Do đó, nếu muốn cạnh tranh với thị trường thịt ngoại thì ngành chăn nuôi buộc phải nâng cao chất lượng sản phẩm nếu như không muốn thị trường ngoại “đè bẹp”.
Phan Diệu
>>Vì sao Thái tử Anh không dự dạ yến cùng Chủ tịch Tập Cận Bình?
>>Quốc hội nghỉ họp sớm buổi sáng vì ít đại biểu phát biểu
>>Mỗi người dân được đăng ký 5 hay 25 số điện thoại di động trả trước?
>>MC Kỳ Duyên lần đầu làm giám khảo tại Việt Nam
>>Lấy lại túi xách cho kiều nữ, cụ ông cụt chân nhặt ve chai bị bỏ tù
>>Lời hoang đường về diễn viên Nhật ký Vàng Anh sau khi chia tay Mạc Hồng Quân