Người Thái vẫn đang 'tấn công'
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 06:14, 20/09/2014
Chỉ trong vòng 4-5 ngày vào trung tuần tháng 9, các doanh nghiệp, hàng hoá và dịch vụ của Thái Lan liên tục xuất hiện tại các sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng ở TP.HCM.
Cụ thể, tại hội chợ quốc tế về thực phẩm, đồ uống và bao bì quốc tế Vietfood diễn ra từ ngày 10.9 đến 13.9, doanh nghiệp Thái có đến 7 gian hàng với đầy đủ các loại sản phẩm phục vụ khách tham quan.
Trong đó phần nhiều là sản phẩm mới lần đầu ra mắt, mục tiêu là hướng tới thị trường Việt Nam thông qua việc tìm kiếm đại lý, nhà phân phối.
Còn tại hội chợ du lịch quốc tế, Thái Lan cũng góp mặt với một gian hàng thông tin đầy đủ, cùng 2 nhân viên thực hiện massage miễn phí tại nơi cho khách tham quan, chỉ nhận tiền tip của khách chứ không thu phí.
Không kém cạnh, từ ngày 12.9 đến 14.9, triển lãm trái cây và thực phẩm Thái Lan thu hút đến 80 doanh nghiệp Thái Lan tham gia.
Tại đây, sản phẩm được trưng bày và buôn bán là trái cây, thực phẩm khô, mỹ phẩm, dược phẩm, quần áo thời trang... Các mặt hàng có mẫu mã bắt mắt, giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền nên thu hút lượng người đến tham quan và mua sắm rất lớn.
Đặc biệt, triễn lãm này chỉ mất hơn 1 tháng chuẩn bị trong khi thông thường một triển lãm như vậy phải mất 5-6 tháng mới xong. Tình cờ gặp chúng tôi tại hội thảo về xúc tiến thị trường xuất khẩu ngày 13.9 tại TP.HCM, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam cho biết đã hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp Thái hoàn thành triển lãm này.
Chị Nguyễn Thị Đoan Trang, ngụ quận 3, nói: “Không khó để tôi có thể tìm mua các sản phẩm của Thái Lan. Tôi không thể phủ nhận được sức hút khó cưỡng của các mặt hàng này. Tôi nghĩ nếu muốn cạnh tranh với hàng Thái thì hàng Việt mình cần đầu tư nhiều cho mẫu mã, chất lượng và giảm giá xuống”.
Trái ngược với lo lắng của nhiều người, ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Rạng Đông, khẳng định rằng doanh nghiệp Việt đã chuẩn bị sẵn sàng và không lo lắng nhiều trước sự lấn sân này.
Có mặt tại hội thảo về thị trường xuất khẩu nói trên, ông Lam cho báo giới biết: “Mặt hàng gia dụng hiện nay của Việt Nam có đủ sức để cạnh tranh với các nước trong khu vực, kể cả là hàng Thái Lan. Việc hàng Thái Lan chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, cạnh tranh với doanh nghiệp Việt Nam là chuyện cách đây đã khá xa rồi. Các doanh nghiệp nằm trong lĩnh vực hàng gia dụng đã chuẩn bị và đầu tư chiều sâu rất tốt, từ khâu khuôn mẫu, thiết kế và kể cả là các kênh phân phối. Hiện nay, hàng gia dụng của chúng ta chiếm tỉ trọng rất cao trong thị trường nội địa.
Không cần phải lo lắng tới mức chúng ta sẽ bị mất thị trường. Thị trường sẽ quyết định sẽ mua hàng Việt Nam hay hàng nước khác nhập vào. Quan trọng là sản phẩm chúng ta đưa ra đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người Việt mình hay không. Tôi tự tin rằng các nhà sản xuất của Việt Nam, đặc biệt trong hàng tiêu dùng đã đủ lực để cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng đã lấn sang thị trường Thái Lan, ta đã có những siêu thị cũng cấp hàng Việt Nam ở đó và cả các nước trong khu vực. Tất nhiên, qua sự hội nhập này, doanh nghiệp nào chưa chuẩn bị chu đáo và không có nội lực thực sự thì cũng sẽ bị đào thải thôi!”.
Theo cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương), nếu năm 2000 chỉ có 1 tỉ USD, nhưng vào năm 2013, kim ngạch thương mại 2 nước Thái Lan và Việt Nam là 9,4 tỉ USD. Sáu tháng đầu năm 2014, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Thái Lan khoảng 3,1 tỉ USD, trong khi đó Việt Nam chỉ xuất qua Thái Lan 1,65 tỉ USD. Vài số liệu như vậy để thấy, Việt Nam đang nhập siêu so với Thái Lan. Và sau hàng Trung Quốc, nỗi lo hàng Thái không phải là không có cơ sở.
Anh Thư - Phan Diệu