Hàng trăm ngàn con bò tại miền Tây điêu đứng vì hạn mặn

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:04, 15/03/2016

Người dân Bến Tre đang sống trong cảnh khốn khó với trận xâm nhập mặn lịch sử trong vòng 100 năm. Nước ngọt không có sử dụng phải mua với giá 150.000 đồng/m3; gần 19.700ha lúa đông xuân chết trắng… Và đến con bò nuôi, cũng khốn khổ vì hạn mặn!
Ông Võ Văn Chắc, ấp Tân Phước, xã Tân Thanh (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) chia sẻ: “Con bò là tài sản duy nhất để nông dân Bến Tre hy vọng bám víu sau trận xâm ngập mặn này. Nhưng muốn bảo vệ con bò thì cần phải có nguồn rơm và nước ngọt cho bò uống. Đây là 2 vấn đề đang làm cho nông dân gặp nhiều khốn khó”.
Những ngày qua, do lúa nhiều nơi chết khô, nên nguồn rơm cũng khan hiếm. Bà con phải chạy đôn chạy đáo mua dự trữ với giá 26.000 đồng/cuộn. Ông Chắc nói: “Để có vốn sản xuất tôi đã vay ngân hàng 100 triệu đồng đầu tư 2 con bò sinh sản. Phương án trả nợ ngân hàng cũng đã tính là thu hoạch lúa đông xuân bán lúa trả ¼ vốn vay, số còn lại khi bò sinh sản bán trả thêm một phần nữa.
xam nhap man 
Đống rơm này 1 con bò ăn chỉ vài ngày là hết
Thế nhưng mọi tính toán phát triển sản xuất đã bị thiên tai làm mặn đắng. Toàn bộ sản lượng lúa đông xuân khoảng 3 tấn đã mất trắng. Lúa và vốn đầu tư mất thì từ từ làm kiếm lại nhưng mất nguồn rơm nuôi bò là điều mà gia đình lo nhất. Cái bụng người không lo đói mà chi sợ không chạy kịp tiền mua rơm cho bò ăn no”.

Bình quân 1 con bò đang mang thai trong 1 giờ nhai khoảng 1kg rơm. Với giá rơm 2.000 đồng/kg thì bình quân 1 con bò/tháng tiêu khoảng hơn 1 triệu đồng, chưa kể nước uống phải mua nước ngọt với giá đắt!

Ông Nguyễn Văn Lương, cùng ấp với ông Chắc, nói: “Gia đình tôi có 2 nhân khẩu nên không phải lo cho cái bụng mà nặng gánh nhất là lo tiền mua rơm cho bò ăn. Nguồn rơm vụ lúa thu đông dự trữ là đủ cho 2 con bò sinh ăn đến vụ giáp hạt đông xuân. Thế nhưng giờ xâm nhập mặn khiến không còn cọng rơm nào cho bò ăn.
xam nhap man 
Ruộng lúa đông xuân bị xâm nhập mặn khô nẻ đất nên nguồn rơm cạn kiệt

Hiện tại, gia đình vừa tích cóp được 1,3 triệu đồng mua 50 cuộn rơm về dữ trữ. Với lượng rơm trên thì 2 con sinh sản cộng với 2 nghé ăn trong vòng 1 tháng là sạch. Hiện tại, gia đình chưa biết cách tìm đâu ra tiền để mua rơm cho bò ăn đến khi có rơm vụ lúa hè thu”.

Ông Nguyễn Văn Tha, ở gần đó, kể rằng, hiện tại, 5 nhân khẩu trong gia đình không sợ đói vì có 30 cây dừa bán trái ăn gạo hàng tháng. Cái chính là lo cho 4 con bò sinh sản vì lượng rơm còn lại bò nhai khoảng 1 tháng nữa là hết.

Bây giờ muốn tận dụng nguồn rơm thì phải thuê nhân công cắt gom 4 triệu đồng/ha, máy gặt 1 triệu đồng/ha nhưng cũng không đủ, cũng phải mua thêm. “Bây giờ ai kêu làm thuê là tui làm ngay để kiếm tiền về mua rơm lo cho 4 con bò. Còn bò là tài sản duy nhất còn lại sau trận thiên tai này, không lo được rơm cho bò ăn, nước ngọt cho bò uống lỡ xảy ra dịch bệnh là gia đình tôi sẽ có khả năng tái nghèo trở lại”, ông nói.

Ông Đỗ Văn Bình, ấp Tân Phước, xã Tân Thanh (Giồng Trôm, Bến Tre) nói rằng: “Tôi năm nay đã 61 tuổi và ông cha tôi nói là chưa bao giờ sống trên mảnh đất Tân Thanh này lại cảnh xâm nhập mặn nặng nề như năm 2016 này. Nó đang làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của cư dân nông thôn.

xam nhap manRơm đắt như tôm tươi
Lo nhất là giá bò hơi đang bị thương lái vịn theo xâm nhập mặn ép giá, do họ biết có hộ không có tiền mua rơm, phải giảm đàn để duy trì cuộc sống. Hiện tại, bò thịt đã giảm giá từ 10-15%/con, bò sinh sản giảm khoảng 30% so với những ngày sau tết”.

Thống kê của Sở NN&PTNT Bến Tre, tổng đàn bò Bến Tre khoảng 155.000 con thì mỗi ngày cần hơn 10 tấn rơm. Nguồn rơm tại chỗ đã bị nước mặn làm tiêu sạch nên buộc lòng người nuôi bò phải mua rơm dự trữ. Đáng lo nhất là hộ nghèo và cận nghèo có nuôi bò thì đang phải chạy đôn chạy đáo mượn tiền mua rơm hoặc giảm đàn để mua rơm nuôi những con còn lại.

An Bình

Một Thế Giới