TS. Lưu Bích Hồ: DN Nhật Bản khá đàng hoàng nên không cần ngại!
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 05:00, 07/05/2015
Nhật Bản là đối tác đầu tư rất lớn với nước ta, trước nay họ đã đầu tư khá nhiều vào Việt Nam ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Gần đây, chính sách về nông nghiệp có phần cởi mở hơn nên Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực này cũng là điều dễ hiểu. Nhất là khi họ có nguồn vốn, có năng lực, công nghệ…
Tất nhiên là mục đích họ đầu tư vào là để kiếm lợi nhuận, nên họ sẽ đầu tư vào những nơi có thể sinh lời chứ không phải đầu tư dàn trải. Chẳng hạn như công nghiệp chế biến, Nhật Bản có trình độ sản xuất cao và có thương hiệu mạnh trên thế giới.
Ví dụ như chỉ với sản phẩm khoai lang, từ củ khoai sau thu hoạch, họ chế biến thành sản phẩm đóng gói đã có giá cao hơn nhiều chục lần, thu về nguồn lợi nhuận rất lớn.
Công nghệ chế biến nông sản của Nhật thuộc hàng đâu thế giới nên họ sẽ tập trung đầu tư vào công nghiệp chế biến, nhất là vùng nông thôn.
Hơn nữa, Việt Nam là nước còn lạc hậu về trình độ sản xuất cũng như chế biến nông sản. Chúng ta đang rất cần công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, trong khi phía Nhật Bản lại rất mạnh về điều này. Việc sử dụng kinh tế tri thức trong nông nghiệp Nhật Bản không kém cạnh nước nào.
Khi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, họ sẽ nâng cao được trình độ sản xuất nông nghiệp cho chúng ta. Tóm lại thì Nhật hay bất kì nước nào khác, thấy có lợi ích thì họ sẽ đầu tư. Đầu tư vào Việt Nam cũng là cách để họ có được sản phẩm một cách rẻ hơn, phong phú hơn so với sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, Nhật Bản họ có tiềm lực thật sự, họ cũng quan tâm đến nhiều chính sách ưu đãi của mình. Hơn nữa, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản hiện nay vẫn rất tốt đẹp và ngày càng được tăng cường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nhật Bản họ làm ăn khá đàng hoàng và chuyên nghiệp.
Vậy thực tiễn sản xuất nông nghiệp ở Nhật Bản có gì khác so với Việt Nam, thưa ông?
Nông nghiệp Nhật Bản khác với Việt Nam rất nhiều cả về phương pháp canh tác lẫn tỷ lệ canh tác trong nông nghiệp. Nhật Bản sản xuất nông nghiệp với trình độ rất cao và có quy hoạch rõ ràng, liên kết chặt chẽ, điều này trái ngược hoàn toàn với Việt Nam.
Hiện nay Nhật Bản chỉ có một tỷ lệ rất ít người sản xuất nông nghiệp, giá trị nông nghiệp trong GDP của họ cũng chiếm rất ít.
Theo đó, họ tạo ra một sự chênh lệch rất lớn giữa giá nông sản và giá sản phẩm công nghiệp. Vì thế, họ phải hỗ trợ rất nhiều cho giá nông sản thì mới có thể duy trì được sản xuất nông nghiệp không có nông dân Nhật Bản sẽ bỏ nông nghiệp đi làm việc khác.
Đơn cử như giá gạo ở Nhật đắt gấp 5 lần so với thế giới nhưng họ vẫn chấp nhận, vì nếu không như vậy thì nông dân sẽ bỏ nông nghiệp.
Chúng ta cũng có thể liên hệ sang việc đàm phán TPP, có một sự căng thẳng giữa Mỹ và Nhật Bản, một trong những lý do là việc trợ cấp trong nông nghiệp của Nhật Bản.
Theo chủ trương của Hiệp định thì cần phải tự do hóa chứ không thể bao cấp nhiều như vậy, nhưng Nhật Bản thì chưa chịu nên việc đàm phán cũng vì thế mà có thêm khúc mắc.
Theo ông, khi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam, chúng ta sẽ có được lợi ích gì?
Chúng ta có rất nhiều lợi ích khi Nhật đầu tư bởi chúng ta hiện đang rất cần đầu tư vào nông nghiệp. Mà đầu tư vào nông nghiệp cần nhất là nâng cao trình độ khoa học trong sản xuất nông nghiệp. Trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, đầu vào của chúng ta còn cao và đầu ra cũng chưa hợp lý, lợi nhuận nông dân thu được rất ít.
Chúng ta đầu tư trong nước là chính nhưng cũng không thể thiếu đầu tư nước ngoài. Mặt trận nông nghiệp vẫn là nơi mà Nhà nước chúng ta cần quan tâm hàng đầu.
Bên cạnh đó là chúng ta có được công nghệ sản xuất tiên tiến hơn nhiều trong nông nghiệp. Bởi vì Nhật Bản là nước có công nghệ sản xuất và chế biến nông nghiệp rất cao, tạo ra giá trị sản phẩm chế biến gấp hàng trăm lần so với sản phẩm khi thu hoạch.
Thị trường tiêu thụ cũng như giá cả cho nông sản Việt Nam sẽ ổn định hơn, nông dân không phải phập phồng lo lắng biến động. Tất nhiên, số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào nước ta cũng chưa nhiều.
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển |
Thực sự thì chúng ta cũng chẳng có rủi ro gì lớn lắm, vì nước ngoài cũng chưa đầu tư vào nông nghiệp của Việt Nam nhiều. Họ đầu tư chủ yếu vào các doanh nghiệp nông nghiệp, phần lớn là các doanh nghiệp chế biến.
Số lượng doanh nghiệp này mới chiếm 1% trong số các doanh nghiệp của Nhà nước nên chúng ta cần khuyến khích nhiều hơn nữa.
Phải đưa được doanh nghiệp về nông thôn, phục vụ cho ngành nông nghiệp. Rủi ro chủ yếu ở công nghiệp và dịch vụ chứ nông nghiệp thì không có nhiều rủi ro.
Theo ông, tại sao cho đến thời điểm hiện nay ngành nông nghiệp Việt Nam mới thu hút được các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực này?
Có nhiều lý do dẫn đến việc này. Đó là hạ tầng ở nông thôn Việt Nam còn quá kém, giao thông chưa đồng bộ, môi trường đầu tư, thủ tục hành chính nhiêu khê. Bên cạnh đó, làm thế nào để có lợi nhuận nói chung cho nhà đầu tư thì còn phải tính toán kĩ họ mới dám đầu tư.
Đầu tư vào nông nghiệp, lợi nhuận thấp, nhiều điều kiện khó khăn khiến họ phải dè chừng. Nhiều chính sách còn chưa hợp lý, và hiện nay,Chính phủ cũng đang điều chỉnh.
Cung cách làm ăn ở lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam cũng còn khá nhiều hạn chế, thiếu bài bản, chiến lược.
Hơn nữa, chính sách ưu đãi hiện nay có lẽ chưa đủ thu hút họ nên các doanh nghiệp không mấy mặn mà đầu tư vào nông nghiệp. Không chỉ doanh nghiệp nước ngoài và cả doanh nghiệp trong nước cũng vậy.
Xin cảm ơn ông!
Trí Lâm (Thực hiện)