Doanh nghiệp chăn nuôi sợ nhất là chính sách?
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 05:00, 10/09/2015
Sáng ngày 9.9, Liên minh nông nghiệp đã tổ chức Diễn đàn Chính sách nông nghiệp Việt Nam số 4 với chủ đề: Đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) lên ngành chăn nuôi tại Việt Nam.
Ông Okiura Fumihiko, Phó trưởng đại diện, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) cho hay, sự tham gia của khu vực tư nhân là không thể thiếu. Vai trò của Chính phủ không phải là dẫn dắt sự phát triển của ngành nông nghiệp mà là hỗ trợ khối tư nhân thúc đẩy việc kinh doanh.
Cũng theo Jica, sự phát triển của ngành chăn nuôi đang tụt lại, đối mặt với cạnh tranh khốc liệt hơn khi TPP được ký kết và có hiệu lực.
Bên cạnh đó, ông Andrew Wells-Dang, Cố vấn cao cấp của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cũng phát biểu tại hội nghị rằng, với Hiệp định mới như TPP, nên tập trung vào lợi ích của nông dân nhỏ, đặc biệt là người nghèo. Trong khi đó, TPP lại chủ yếu tập trung vào doanh nghiệp.
Vị đại diện của Oxfam này bày tỏ lo lắng rằng, Việt Nam tham gia TPP sẽ xuất hiện trình trạng độc quyền, không đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi nhỏ. Bên cạnh đó, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế nhiều hơn sẽ tác động mạnh tới kinh tế Việt Nam và đặc biệt là các hộ nông dân.
Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho hay, khó khăn lớn là cấu trúc thị trường chăn nuôi hiện nay nhỏ lẻ, hộ gia đình là chính nên quy mô manh mún, sự xâm nhập của doanh nghiệp vào ngành này chưa lớn.
“Doanh nghiệp có thể kết nối đầu vào đầu ra, nguồn lực, nắm bắt thị trường…nhưng quy mô nhỏ và bị chi phối bởi doanh nghiệp nước ngoài. Phản ứng của doanh nghiệp trong nước rất chậm chạp, sức cạnh tranh kém, chưa kể sức ép về đất đai, còn manh mún” – ông Thành nói.
Theo TS. Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, rào cản lớn nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam khi hội nhập TPP là chính sách. Ví dụ một quả trứng cõng 14 loại phí, cho nên TS Khanh đề nghị Hiệp hội, DN phải được tham gia xây dựng chính sách.
“Chúng tôi sợ nhất là chính sách. Trong báo cáo hiện nay chính sách không xuất khẩu nổi, tôi không đồng tình. Thực chất, chăn nuôi hoàn toàn xuất khẩu được. Ở Mỹ chỉ ăn ức còn đùi cánh rẻ vậy thì tại sao Việt Nam không cắt ức bán đi, để lại đùi, cánh? Đó là lợi thế cạnh tranh, thế mạnh” – ông Khanh cho hay.
Ông Khanh nói thêm, cái ngại nhất thứ hai là chính sách tạo điều kiện cho an toàn vệ sinh thực phẩm. Cái này Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ. Nhiều đoàn khách du lịch đem cả thực phẩm theo, không sử dụng hàng nội địa, nên cần tăng kiến nghị chính sách. Doanh nghiệp sợ nhất chính sách.
Còn theo đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, bình quân một năm Việt Nam nhập khẩu 4.000 tấn thịt, xuất khẩu 40.000 tấn thịt. Mật ong cũng xuất khẩu nhiều sang khu vực EU và Mỹ. Một số thức ăn chăn nuôi, sữa cũng có xuất khẩu.
“Việt Nam phải thay đổi thể chế kinh tế. Khi bình thường không sao, khi tái cơ cấu ngành chăn nuôi làm rất chậm, thay đổi tư duy đưa chăn nuôi lên sản xuất hiệu quả nói thì nhanh, làm thì chậm. Khi TPP hội nhập buộc phải thay đổi cơ cấu chăn nuôi, từ Trung ương đến địa phương, DN cũng phải thay đổi” đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam nhấn mạnh.