Khi cách nghĩ của Việt Nam khác Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 10:00, 28/01/2016

Trong Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan coi làn sóng FDI như một cơ hội để chuyển giao vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý thì Việt Nam lại đang có xu hướng coi FDI như một thành phần chủ chốt trong nền kinh tế về lâu dài
Không khó để nhận ra tầm quan trọng của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước vào năm 2015 đã lên tới 70%. Và các văn kiện chính thức của chính phủ Việt Nam đều cho rằng khu vực FDI là động lực tăng trưởng chủ đạo của nền kinh tế.
Đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, khu vực FDI không khác gì một cỗ xe tăng giúp hàng hóa của đất nước tiến sang các thị trường lớn trên thế giới một cách mạnh mẽ. Nhưng, khi mà chiếc xe tăng ấy trong quá trình di chuyển đang để lại những vết nứt lớn trên bề mặt nền kinh tế đất nước thì cần nhìn nhận lại, xem có nên tiếp tục gia cố chiếc xe tăng vốn đã quá nặng ấy hay không. 
Hay là đã đến lúc Việt Nam cần phải xiết chặt lại khu vực FDI?
Thu hút FDI là cả một nghệ thuật của Nhật, Hàn, Thái
Nếu xem xét lại quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thông qua kinh nghiệm phát triển của các quốc gia Đông Á, sẽ nhận ra một thực tế rằng: thu hút vốn FDI như thế nào là cả một nghệ thuật. Mà điển hình là 2 trường hợp đã chứng tỏ họ đã tận dụng rất tốt FDI để trở thành những quốc gia phát triển là Nhật Bản và Hàn Quốc. 
Hai trường hợp này đều cho thấy, nếu có chiến lược tận dụng tốt FDI, cơ hội để trở thành một quốc gia phát triển rất lớn. Ngược lại, nếu không có một chiến lược hiệu quả, thì sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng, điển hình là Trung Quốc.
Về cơ bản, khu vực FDI được xem như một khu vực kinh tế đem lại cả ba yếu tố cần thiết nhất để phát triển với một quốc gia tụt hậu: vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý. Cho phép các doanh nghiệp FDI vào đầu tư trong nước tức là các quốc gia đã chấp nhận những thiệt thòi nhất định để đánh đổi lấy 3 yếu tố cốt lõi trên. Trong đó, tùy từng quốc gia sẽ có những chiến lược riêng để tận dụng tốt nhất làn sóng đầu tư nước ngoài này. 
Điển hình như Nhật, người Nhật quan tâm nhất đến yếu tố công nghệ của khu vực FDI và chủ trương sử dụng nguồn vốn và kỹ năng quản lý nội địa bằng cách tự phát triển. Nhật Bản đã đặt ra những giới hạn rất chặt chẽ để kiểm soát đầu tư FDI một cách triệt để, nếu không có những công nghệ vượt trội mà người Nhật đang thèm khát thì gần như chắc chắn sẽ không thể vào đầu tư trong nền kinh tế nước này.
Một điển hình khác là Hàn Quốc hay Thái Lan. Khác với Nhật, Hàn Quốc giai đoạn thu hút FDI không có nhiều tích lũy về vốn nên chủ trương thu hút 2 trong 3 yếu tố mà FDI mang lại là vốn và công nghệ. Cũng giống như Nhật Bản, Hàn Quốc đã đặt ra những giới hạn chặt chẽ buộc các doanh nghiệp FDI dần chuyển giao công nghệ trong khi tự lực phát triển kỹ năng quản lý và chờ đợi tích lũy vốn theo thời gian. 
Những kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc đã được tận dụng triệt để trong trường hợp của Thái Lan, khi chỉ trong một thời gian khá ngắn (từ năm 1986 đến năm 1995) sự phát triển về vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý của các doanh nghiệp nội địa Thái đã phát triển chóng mặt, chiếm tới 72% tư bản trong nền kinh tế, trong đó khối FDI chỉ chiếm có 28%. Các doanh nghiệp FDI tại Thái Lan tuy vẫn giữ vai trò mũi nhọn về công nghệ và vốn nhưng bị buộc phải liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp nội địa trong hàng loạt các khâu và quy trình sản xuất.
Dễ dàng nhận ra, có 3 điểm chung giữa các quốc gia đã thành công trong việc tận dụng khu vực FDI để phát triển nền kinh tế: 
1. FDI cần được đặt trong một chiến lược phát triển kinh tế hoàn chỉnh, trong đó cần nghiên cứu kỹ và hoạch định đâu là những ngành cần thu hút đầu tư FDI; 
2. Khuyến khích, tạo điều kiện và thậm chí là ràng buộc nếu cần trong việc buộc các doanh nghiệp FDI tạo liên doanh với doanh nghiệp nội địa để thúc đẩy các lĩnh vực phụ trợ và tiến tới chuyển giao công nghệ;
3. Tăng cường sự ràng buộc của khu vực FDI vào nền kinh tế thông qua các liên kết dọc giữa doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp nội, để tăng cường giá trị gia tăng được giữ lại trong nền kinh tế.
Nhưng với Việt Nam thì không
Rõ ràng, nếu xét về 3 tiêu chí chủ đạo trên, Việt Nam đang đi theo một con đường trái ngược với công thức thành công của các quốc gia đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan. 
Điều dễ nhận thấy nhất là  yếu tố chủ đạo trong việc thu hút vốn FDI của Việt Nam là đang chạy theo số lượng. Nó dẫn đến việc chính phủ, các bộ ngành và các địa phương đua nhau mời gọi các dự án FDI càng nhiều càng tốt bằng mọi giá, mà gần như không có một sự quy hoạch ở mức độ tối thiểu với khu vực đầu tư này và đánh giá tác động của nó đối với nền kinh tế.
Có thể thấy, cách nhìn nhận của Việt Nam đối với vấn đề thu hút đầu tư FDI vẫn đang hết sức thô sơ, chủ yếu vẫn hướng đến việc giải quyết công ăn việc làm và tăng tỷ trọng xuất khẩu, vốn là những yếu tố không mang vai trò cốt lõi trong việc phát triển nền kinh tế. 
Trong Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan coi làn sóng FDI như một cơ hội để chuyển giao vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý thì Việt Nam lại đang có xu hướng coi FDI như một thành phần chủ chốt trong nền kinh tế về lâu dài. 
Đây được xem là một sự ngộ nhận nguy hiểm, vì khu vực FDI luôn luôn di chuyển tùy thuộc vào nơi nào có điều kiện và môi trường đầu tư tốt hơn. Bất cứ một quốc gia nào cũng sẽ đến thời điểm không còn là môi trường đầu tư số 1 nữa và họ chỉ có một khoảng thời gian nhất định để buộc khu vực FDI chuyển giao 3 yếu tố cốt lõi trên trước khi quá trễ.
Sự ngộ nhận nguy hiểm này về vai trò của khu vực doanh nghiệp FDI đang đem lại những nguy cơ tiềm ẩn khổng lồ. 
Trước hết là về sự thất thoát về vốn thông qua sự chuyển dịch giá trị gia tăng. Tính đến cuối năm 2015, tỷ trọng xuất khẩu của khối FDI đã chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nhưng mức đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng GDP đang thấp hơn rất nhiều, từ 15,2% năm 2005 lên đến 19,5% trong năm 2013. Giá trị xuất khẩu của khối FDI trong năm 2015 tổng cộng đạt 115 tỷ USD, xuất siêu lên đến 17,1 tỷ USD. Nhưng phần lớn lợi nhuận được các doanh nghiệp FDI chuyển về nước, chỉ đóng rất ít cho ngân sách Việt Nam. 
Đó là chưa kể các khoản ưu đãi về thuế cũng rất lớn, chẳng hạn như Samsung, mức đóng ngân sách của tập đoàn này trong các năm trước chỉ hơn 500 tỷ đồng, trong khi tổng mức thuế mà họ không phải đóng do ưu đãi lại lên tới gần 2000 tỷ đồng, gấp 4 lần.
Tình trạng này còn đang dẫn tới 2 nguy cơ nghiêm trọng khác là phân hóa nền kinh tế và làm suy yếu các doanh nghiệp nội địa. 
Việc thiếu liên kết với các doanh nghiệp trong nước đang biến khu vực FDI thành một bộ phận kinh tế độc lập, rất ít có ràng buộc và quan hệ đối tác với các doanh nghiệp nội, lúc này gần như là một bộ phận kinh tế biệt lập. Thậm chí, làn sóng FDI thời gian gần đây còn có xu hướng nuốt chửng các doanh nghiệp trong nước thay vì tập trung vào sản xuất hàng hóa để xuất khẩu như trước, mà điển hình là các tập đoàn đến từ Thái Lan. 
Nói cách khác, khu vực FDI đang ngày càng có xu hướng bành trướng để biến thành một con quái vật tham lam, nuốt chửng hết những gì mà nó có thể trong nền kinh tế Việt Nam, từ các lĩnh vực then chốt như xuất khẩu cho đến thị trường nội địa. Tất cả những hệ quả nguy hiểm đó đều đến từ một sự ngộ nhận về vai trò của khu vực FDI và xuất phát từ việc thiếu một chiến lược hợp lý trong việc khai thác làn sóng đầu tư FDI của Việt Nam.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Vafie, Vneconomy)

Một Thế Giới